Sau khi không đạt được thoả thuận với Nga về cắt giảm hơn nữa mức độ khối lượng dầu lửa khai thác và tung ra thị trường hàng ngày, Ả rập Xê út có động thái mà bên ngoài coi như lời tuyên chiến với Nga. Vương triều sa mạc này không những không đơn phương cắt giảm khối lượng khai thác hàng ngày của mình hay thúc ép 13 thành viên khác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (Opec) cùng giảm mức độ khai thác dầu lửa hàng ngày mà quyết định tăng mức độ khai thác hàng ngày của mình. Mục đích của Ả rập Xê út với việc tìm kiếm thoả thuận với Nga về giảm mức độ khai thác dầu lửa hàng ngày là chặn đà suy giảm của giá dầu lửa trên thị trường thế giới mà Ả rập Xê út cho rằng do tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp hiện tại trên thế giới.
Quyết định này của Ả rập Xê út gây bất ngờ và có phần khó hiểu bởi giá dầu càng giảm thì tổn hại đối với Ả rập Xê út càng cao. Đương nhiên, cả Nga cũng bị thiệt hại, nhưng mức độ thiệt hại không lớn bằng đối với Ả rập Xê út. Chi phí khai thác dầu lửa ở Nga cao hơn ở Ả rập Xê út nhưng Ả rập Xê út cần giá dầu bán ra cao gần gấp đôi Nga để cân bằng ngân sách. Bởi thế, Ả rập Xê út tăng mức độ khai thác dầu lửa hàng ngày trong thời gian càng dài thì thiệt hại lại càng lớn. Điều này giải thích vì sao Nga có những ưu thế nhất định trong thương thảo với Ả rập Xê út về tăng hay giảm mức độ khai thác dầu lửa hàng ngày. Nga biết rằng sớm muộn thì rồi Ả rập Xê út cũng sẽ phải tự cài số lùi và cuộc chiến giữa hai bên sẽ không xảy ra.
Hai bên cuối cùng rồi cũng đều chỉ thua chứ không thắng nếu để xảy ra chiến tranh giá dầu với nhau. Nhưng cả Mỹ và những nước xuất khẩu dầu lửa khác nữa cũng bị thiệt hại. Các nước khác bị giảm sút thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa. Ngành công nghiệp khai thác dầu theo công nghệ fracking của Mỹ sẽ lụi bại nếu giá dầu giảm xuống thấp. Vì thế, Ả rập Xê út và Nga sẽ rồi lại thoả hiệp với nhau./.
Ngân Hà