Chính phủ Mỹ đã buộc phải dùng đến liệu pháp mạnh để thúc ép hai phe cánh ở Afghanistan nhanh chóng thành lập chính phủ mới sau khi không thuyết phục được họ thoả hiệp với nhau. Một bên là tổng thống Ashraf Ghani và bên kia là người đứng đầu chính phủ Abdullah Abdullah. Hai người này không ai chịu ai sau cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi ở Afghanistan. Ông Ghani được Uỷ ban bầu cử quốc gia tuyên bố đắc cử với tỷ lệ phiếu bầu 50,64%. Ông Abdullah không chấp nhận và công nhận kết quả bầu cử này. Cả hai người đều tuyên bố là tổng thống Afghanistan và đều tự tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức riêng. Năm 2014, hai người này đã chơi trò ấy và Mỹ đã phải mất nhiều công sức mới thuyết phục được họ thỏa hiệp chia sẻ quyền lực với nhau và cùng nhau cầm quyền.
Lần này, vì không thuyết phục được hai người kia, Mỹ đã phải tung đòn nhằm vào đúng yết hầu của nhà nước Afghanistan là cắt viện trợ tài chính. Mỹ đã tuyên bố cắt nguồn tài chính này cho chính thể ở Afghanistan hiện tại với mức độ 1 tỷ USD, sang năm có thể sẽ cắt giảm nhiều thêm nữa. Không có nguồn viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ, chính thể hiện tại ở Afghanistan không thể trụ vững được lâu dài và không thể có được khả năng đối phó với Taliban. Mỹ làm thế thì rồi hai người kia sẽ phải thoả hiệp với nhau.
Mỹ thúc ép bằng được hai người này sau khi không thuyết phục được họ bởi Mỹ cần nhanh chóng có chính quyền hợp pháp và ổn định ở Afghanistan để thực hiện hoà ước vừa mới ký kết với Taliban. Hơn nữa, nếu các phe cánh chính trị hiện tại ở Afghanistan không đoàn kết thống nhất mà xâu xé quyền lực với nhau thì chỉ có lợi cho Taliban ngay từ bây giờ và đặc biệt ở thời kỳ sau khi Mỹ và đồng minh rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan, tức là nguy cơ Mỹ bị xôi hỏng bỏng không ở Afghanistan sau bao nhiêu công của đổ vào đây suốt gần 19 năm qua không chỉ vẫn tiềm tàng mà còn rất thực tế. Mỹ phải cắt giảm viện trợ cho Afghanistan vì thế./.
Ngân Hà