Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra bùng phát ở Trung Quốc cách đây khoảng 4 tháng và hiện đang đẩy cả thế giới vào tình trạng khó khăn và khó xử. Nó cũng còn tác động rất mạnh mẽ tới mối quan hệ giữa các đối tác lớn với nhau, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau Trung Quốc, Mỹ và khu vực EU hiện đang là những tâm điểm mới của diễn biến dịch bệnh này trên thế giới. Nhật Bản và Ấn Độ cũng đều ngập trong tác động tiêu cực của dịch bệnh và phải bận rộn chủ yếu với chuyện nội bộ của họ.
Trung Quốc và Nga vốn đã từ lâu nay có được cặp quan hệ song phương tốt đẹp nhất trong những cặp quan hệ song phương giữa các đối tác lớn với nhau. Nga chắc chắn đã làm Trung Quốc không hài lòng khi là một trong những nước đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới với Trung Quốc để đối phó đại dịch. Nhưng rồi sự không hài lòng ấy đã được Trung Quốc nhanh chóng tạm gác lại bên để đổi lấy sự ủng hộ của Nga trong chuyện đối phó với Mỹ. Ở thời buổi dịch dã, mối quan hệ của Mỹ và EU với Nga không được cải thiện gì nhưng cũng không xấu thêm đi. Nó cũng không thuộc diện những việc được cả ba bên này ưu tiên xử lý.
Chỉ có giữa Mỹ với EU và Trung Quốc là thêm trắc trở và căng thẳng. Mỹ và EU hiện gặp khó khăn và khó xử với bản chất đối nội như nhau nhưng Mỹ vẫn tiếp tục gây khó dễ như có thể được với EU. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc diễn biến càng ngày càng thêm phức tạp và dịch bệnh hiện đang thách thức thật sự mối quan hệ song phương này. Trung Quốc phải đối phó với những cáo buộc của Mỹ và của cả một số đồng minh của Mỹ là đã để dịch bệnh bùng phát, đã xử lý dịch bệnh không hiệu quả và đã bưng bít thông tin về dịch bệnh khiến dịch bệnh lây lan ra thế giới bên ngoài.
Việc trang trải nhu cầu đối nội ở các nước này càng cấp thiết với chính quyền ở đó thì Trung Quốc càng bị làm găng và sẽ còn bị làm găng, sẽ còn thêm khó khăn và khó xử. Thời dịch bệnh, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh này chỉ dễ xấu thêm đi chứ ít khả năng ngược lại./.
Ngân Hà