Ở Israel, chính phủ mới đã được thành lập sau một thời gian dài và qua nhiều lần tổng tuyển cử mà mọi nỗ lực thành lập chính phủ mới đều bị thất bại. Lần thứ hai trong lịch sử đất nước này có chuyện một lần thành lập chính phủ cho hai thủ tướng. Ông Benjamin Netanyahu tiếp tục cầm quyền trong thời gian 18 tháng tới và ông Benny Gantz sẽ đảm trách cương vị ấy trong 18 tháng tiếp theo.
Cho dù tiếp tục nhiếp chính, ông Netanyahu vẫn phải hầu tòa trong vụ việc tòa xét xử về những cáo buộc vị thủ tướng này dính líu đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Dù vậy, đối với Israel thì việc thành lập được chính phủ này chắc hẳn sẽ giúp đưa lại sự ổn định trên chính trường và điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Isreal.
Nhưng chủ định của chính phủ mới ở Israel về tiến hành làm những thủ tục và quy trình cần thiết theo luật pháp hiện hành của Israel để sát nhập một số vùng lãnh thổ không thuộc chủ quyền hợp pháp của Israel vào lãnh thổ đất nước này, đặc biệt khu vực thung lũng Jordan, lại là những tín hiệu bất lành đối với triển vọng tới đây của mối quan hệ giữa Israel và Palestine nói riêng, đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở khắp khu vực Trung Đông nói chung.
Tổng thống Palestine Mahmud Abbas cho biết chính quyền tự trị Palestine sẽ chấm dứt hiệu lực của mọi thoả thuận mà chính quyền tự trị Palestine cho đến nay đã ký kết với Israel và Mỹ nếu chính phủ mới ở Israel thực hiện chủ ý nói trên. Ông Abbas phải cảnh báo và răn đe Mỹ và Israel mạnh mẽ đến vậy vì chính quyền mới ở Mỹ và đích thân tổng thống Mỹ Donald Trump trên thực tế đã bật đèn xanh cho chính phủ Israel làm việc ấy và hai vị thủ tướng nêu trên của Israel cho dù ganh đua quyền lực với nhau quyết liệt đến mấy thì lại đều có cùng chủ ý thực hiện việc sát nhập lãnh thổ.
Những tín hiệu này đều bất lành vì báo hiệu căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine cũng như báo hiệu nguy cơ tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải giữa Israel và Palestine bị đảo ngược trong thời gian tới./.
Ngân Hà