Trung Quốc và Ấn Độ đã kịp thời giảm căng thẳng ở vùng giáp ranh giữa hai nước để không xảy ra cuộc chiến tranh biên giới mới nhưng mối bất hoà trong mối quan hệ giữa hai nước láng giềng của nhau này tiếp tục thêm trầm trọng. Ngoài những tin tức chính thức cũng như không chính thức về việc cả hai bên tăng cường triển khai quân đội và thiết bị quân sự hạng nặng tới vùng biên giới, người ta còn thấy tình trạng mối bất hoà đã bắt đầu lây lan sang cả những lĩnh vực khác. Chẳng hạn như ở phía Ấn Độ còn có chuyện sôi sục làn sóng tẩy chay hàng hoá của Trung Quốc. Mới đây nhất, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm 59 ứng dụng trên các thiết bị kỹ thuật số di động mà trong đấy chủ yếu là các ứng dụng của các hãng của Trung Quốc. Có thể thấy xô xát ở vùng biên giới đã giảm đi gần hết nhưng mối bất hoà nói chung giữa hai nước lại vẫn tiếp tục thêm quyết liệt.
Từ đó có thể thấy cho dù nguồn cội của lần bùng phát bất hoà này trên danh nghĩa có thể là chuyện xô xát ở vùng biên giới mà hai bên tranh chấp chủ quyền từ lâu nay, trong thực chất lại không hẳn như vậy. Xô xát ở vùng biên này vốn vẫn thường xảy ra giữa hai bên và trong suốt thời gian dài vừa qua, hai bên đáp trả nhau rất quyết liệt và không khoan nhượng, nhưng đều kiềm chế để không bên nào đi quá xa hoặc để cả hai vẫn luôn kiểm soát được diễn biến tình hình.
Bất hoà lần này tiếp tục gia tăng mức độ trước hết bởi tác động đối nội của nó ở cả hai phía. Chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không chỉ vô cùng nhạy cảm về đối nội mà còn không biết đến khi nào mới có thể được giải quyết ổn thoả và lâu bền. Chừng nào tình trạng này còn tồn tại thì chừng ấy chính phủ ở cả hai bên còn phải tỏ ra cứng rắn và không khoan nhượng. Nhưng cả trong những bất hoà trên các lĩnh vực khác của mối quan hệ song phương, hai bên cũng đều ý thức được về giới hạn và điểm dừng vì hai bên là đối tác quan trọng của nhau và vẫn phải duy trì hợp tác với nhau./.
Ngân Hà