Với vai trò trung gian của Mỹ, Israel và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã đạt được thoả thuận về thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau. Đối với hai quốc gia không thuộc diện lớn này ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, nhưng đồng thời còn đối với cả chính trị an ninh, tương quan lực lượng chính trị và quân sự cũng như đối với quan hệ giữa các quốc gia và đối tác trong khu vực, thoả thuận ấy tạo ra bước ngoặt mới với ý nghĩa lịch sử. Nó cũng còn có tác động rất mạnh mẽ và sâu sắc tới diễn biến tình hình nội bộ trong thế giới Ả rập.
UAE là quốc gia vùng Vịnh đầu tiên và là thành viên thứ 4 của thế giới Ả rập công nhận nhà nước Israel. Trước UAE mới chỉ có Ai Cập năm 1979, Jordani năm 1994 và Mauritania năm 1999 thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel. Giữa các nước Ả rập từ lâu nay có sự hiểu biết và nhất trí chung bất thành văn nhưng tồn tại và tác động như một điều cấm kỵ là không công nhận nhà nước Israel chừng nào Israel chưa đạt được thoả thuận hoà bình và hoà giải với Palestin. UAE là quốc gia Ả rập thứ tư từ bỏ điều cấm kỵ này. Nội bộ thế giới Ả rập cứ tiếp tục bị phân rẽ như thế thì Palestin càng thêm bị bất lợi trong cuộc đấu tranh với Israel để có được nhà nước độc lập có chủ quyền và lãnh thổ. Cũng vì thế mà thoả thuận mới kia giữa Israel và UAE là thành quả chính trị đối ngoại và chính trị an ninh khu vực với ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với Mỹ và Israel.
Tuy phía UAE quả quyết rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel không nhằm để có liên minh hay liên quân cùng đối phó Iran, trong thực chất đấy lại chính là một trong những mục tiêu chính và động lực quyết định khiến Israel và UAE "hoà bình" với nhau. Hệ lụy của chuyện mới này là rồi đây sớm hay muộn cũng sẽ có thêm quốc gia Ả rập nữa bình thường hoá quan hệ với Israel, giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestin càng thêm xa vời cũng như cuộc đối địch giữa một số nước Ả rập và Iran sẽ trở nên công khai hơn và quyết liệt hơn./.
Ngân Hà