Mỹ gặp thất bại khi không được chủ tịch hiện tại của HĐBA LHQ (trong tháng 8 này) đồng ý bàn thảo lần nữa về áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran như ở thời kỳ trước khi có thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA hồi năm 2015). Lần trước, trong HĐBA LHQ chỉ có Mỹ và Cộng hoà Dominique bỏ phiếu thuận cho dự thảo nghị quyết của Mỹ về gia hạn vô thời hạn biện pháp cấm vận nói trên đối với Iran. Nếu HĐBA LHQ không có nghị quyết với nội dung khác thì biện pháp cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới.
Tuy bị thất bại hai lần liền như thế, phía Mỹ chắc chắn không bỏ cuộc mà sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể làm được để LHQ áp dụng trở lại mọi biện pháp chính sách trừng phạt Iran. Trong JCPOA có quy định về việc áp dụng trở lại này. Nhưng năm 2018, phía Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA. Các nước khác cho rằng vì đơn phương rút khỏi JCPOA nên Mỹ không còn có quyền yêu cầu LHQ áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran như ở thời trước khi có JCPOA.
Mỹ sẽ không bỏ cuộc bởi suy tính của Mỹ là một khi bị LHQ áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt trước đây thì bản thân Iran cũng sẽ tự rút khỏi JCPOA. Một khi JCPOA không còn thì chuyện về vấn đề hạt nhân của Iran sẽ chẳng khác gì như ở thời trước khi có JCPOA và vì thế LHQ không thể không áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran.
Nước Mỹ hiện tại đang trong những ngày tháng cuối cùng trước cuộc bầu cử tổng thống. Vấn đề chương trình hạt nhân của Iran và của Triều Tiên tuy không là những chủ đề nội dung vận động tranh cử được các ứng cử viên coi trọng thuộc diện hàng đầu, nhưng vẫn có tác động không hề nhỏ tới cơ may được tái đắc cử của tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Vì thế, chuyện này sẽ chỉ tiếp tục còn tăng mức độ quyết liệt và gay cấn trong thời gian tới chứ không thể ngược lại. Vì thế, Mỹ dẫu đã bại và còn có thể lại bại nữa nhưng sẽ không bỏ cuộc./.
Ngân Hà