NSƯT Trần Luận: Không cho phép mình hài lòng

Là nhạc công đàn nguyệt trong dàn nhạc dân tộc của Nhà hát Đài TNVN, NSƯT Trần Luận từng nhận nhiều giải thưởng sáng tác trong các cuộc thi âm nhạc.

 

Ở anh là tinh thần tự học bền bỉ, luôn đón nhận cái mới và giữ gìn những ân nghĩa mà cuộc đời trao tặng.

Tôi luôn khắt khe với bản thân

Nếu chọn 3 tác phẩm khí nhạc mà anh yêu mến nhất trong gia tài phong phú của mình, anh sẽ chọn những tác phẩm nào?

Gia tài sáng tác của tôi trong mấy chục năm qua khá nhiều, tôi còn không nhớ hết. Nhưng nếu chọn 3 tác phẩm tiêu biểu, tôi sẽ chọn: “Tình mẹ”, “Cao nguyên xanh” và “Ngựa ô mùa xuân”. “Tình mẹ” là tác phẩm đầu tay, viết cho đàn nguyệt và dàn nhạc. Nhiều năm nay, tác phẩm này được sử dụng trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để thí sinh thi tốt nghiệp đại học và các cuộc thi của Cục Nghệ thuật biểu diễn. “Cao nguyên xanh” soạn cho tam thập lục solo và dàn nhạc, viết cùng thời với “Tình mẹ” năm 1985, đến 1987 hoàn thành, cũng được giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội và nhiều trường nhạc khác. “Ngựa ô mùa xuân” viết cho hòa tấu dàn nhạc dân tộc. Năm đó là năm ngựa, tôi xem những hình ảnh chàng trai cô gái đi du xuân với chú ngựa bạch giữa rừng đào rừng mận, cảm thấy hứng khởi vô cùng. “Ngựa ô mùa xuân” nghĩa là chạy về phía hạnh phúc nhất, cảm xúc nhất của con người. Hơn 20 năm rồi tôi vẫn nhớ từng nốt nhạc trong cả tổng phổ.

 “Tình mẹ”có một vị trí rất thiêng liêng đối với anh?

“Tình mẹ” là những tình cảm tôi dành tặng mẹ. Khi tôi bước chân đi học, mẹ tôi dặn dò rằng “cố gắng học tập con nhé”. Ở nhà quê xưa, người phụ nữ thường có cái túi vải dây rút để đựng tiền, chắt chiu cho con từng đồng tiền để đi học. Mẹ đã cho tôi ăn “lộc”. “Lộc” ở đây là phần tinh thần để lại. Tôi đã tìm được cái tứ chính, khai thác hình ảnh người mẹ gắn với lời ru khi con nằm trong nôi, đến lúc chập chững những bước đầu tiên. Khi đi học, đi làm, ra với cuộc đời, vẫn có lời ru của mẹ ở bên nâng đỡ, dặn dò, động viên con hãy bay cao, bay xa. Và thực tế, trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, tôi đã được đi nhiều nơi, đặt chân đến nhiều vùng miền đất nước. Tôi cũng đi nước ngoài biểu diễn những bản nhạc của tôi, trong đó có “Tình mẹ”, và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả quốc tế. Điều này khiến tôi rất hạnh phúc. Tình mẹ đã luôn ở bên tôi, mọi lúc mọi nơi.

Có vẻ như thành công đến với anh thật dễ dàng và nhanh chóng?

Không phải vậy đâu! Những năm tháng tôi học ở nhạc viện vất vả lắm. 8 năm học, hết trung cấp đến đại học. Mùa hè tôi ngồi tập đàn, đến khi đứng dậy, chiếc chiếu cói ướt đẫm mồ hôi. Tập mải miết hàng tiếng đồng hồ như thế, say mê quên thời gian. Nhưng khi đứng lên mới biết mình mệt. 8 năm học, mỗi năm thi 2 lần, tất cả 16 cuộc thi. Tôi học 2 chuyên khoa, 2 nhạc cụ: đàn nguyệt và nhị, vất vả lại nhân đôi lên. Ra trường, tôi vẫn sử dụng 2 nhạc cụ này để đi độc tấu và biểu diễn. Khi viết nhạc, tôi còn đắn đo từng nốt nhạc, có nên đưa vào hay không. Thận trọng như thế nên tôi càng phải khắt khe với bản thân mình. Điều ấy đi đôi với mệt nhọc.

NSƯT Trần Luận tự nhận thấy rằng mình phải có trách nhiệm gìn giữ, phát triển âm nhạc truyền thống.

Chưa bao giờ tôi cho là mình thành công

Càng tìm hiểu về âm nhạc dân tộc lại càng trân trọng hơn những giá trị truyền thống và tự nhận thấy rằng mình phải có trách nhiệm gìn giữ, phát triển âm nhạc truyền thống. NSƯT Trần Luận có nghĩ như vậy không?

Đúng vậy! Tôi vẫn nói với các bạn mới ra trường, tốt nghiệp đại học rằng: Mặc dù các bạn rất giỏi về chuyên môn kỹ thuật, thậm chí hơn đứt thế hệ chúng tôi. Nhưng nếu các bạn vẫn dùng những bản nhạc ngày xưa, thì đó là điều đã đi qua rồi. Những bản khí nhạc cần phải mang được tinh thần thời đại, tiếp cận với cái mới, cái đương đại hôm nay. Đã gọi là “sáng tạo nghệ thuật” thì không có khuôn mẫu nào. Ví dụ trong trường nhạc chỉ học những bài mẫu, cơ bản. Nhưng nếu anh dệt theo cái cơ bản ấy, áp dụng vào sáng tạo của mình thì phải chắt lọc tinh hoa. Để ý một chút sẽ thấy âm nhạc châu Âu từ thế kỷ 17, những bản nhạc nổi tiếng soạn cho piano đạt tới chuẩn mực tuyệt vời, cả bản nhạc không thừa một nốt nào, kể cả bè đệm. Âm nhạc dân tộc của mình cũng vậy. Nếu các bạn viết ghập ghềnh, thiên về tiết tấu giai điệu, không có mảng miếng, không bao giờ hay được. Với các bạn trẻ bây giờ, tôi luôn khuyến khích động viên các bạn cứ làm đi rồi sau đó đúc kết. Tôi chúc các bạn thành công hơn nữa, vượt thế hệ chúng tôi, vượt cả những bậc thầy.

Trong hàng trăm tác phẩm khí nhạc đã viết, nhiều tác phẩm được thu thanh và biểu diễn nhiều nơi, tác phẩm nào khiến anh trăn trở nhất, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc để đạt được sự hài lòng trong sáng tạo?

Chưa bao giờ tôi cho là mình thành công. Lúc nào tôi cũng muốn tác phẩm của mình được hoàn thiện hơn nữa. Có tác phẩm dù đã được thu thanh và phát sóng ở Đài TNVN, nhưng có lúc tôi chỉ muốn xóa đi. Mọi người chúc mừng nhưng tôi lại thấy ngượng. Đúng là trong sáng tạo nghệ thuật không bao giờ được phép tự hài lòng. Nhiều khi lực bất tòng tâm, quá nhiều việc không thể ôm đồm hết được. Bây giờ, khi chơi đàn, tay tôi có kém đi, nhưng lại có nhiều kinh nghiệm. Tôi chỉ có thể cố gắng, tiếp tục cố gắng hơn nữa.  

Để nói về những người đã gắn bó với mình, góp phần có một Trần Luận ngày hôm nay thì ai là người đầu tiên anh nghĩ tới?

 Người đầu tiên tôi nghĩ tới là bố của tôi. Bố tôi là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cụ  thường treo cây đàn rất cẩn thận trên trần nhà. Tôi mê quá, gỡ xuống chơi trộm thôi. Không ngờ bố tôi nhìn thấy lại mỉm cười. Bố là người đã cho tôi những nốt nhạc đầu tiên, đưa tôi đến với âm nhạc chuyên nghiệp, động viên tôi kiên trì theo đuổi lựa chọn của mình. Rồi những người thầy của tôi. Tôi nhớ mãi ngày tôi nhận giải thưởng tác phẩm “Ngựa ô mùa xuân”, thầy tôi, nhà giáo - NSND Xuân Khải cũng có mặt. Cả hai thầy trò cùng có tác phẩm tham dự cuộc thi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm ấy. Thầy được giải ba, còn tôi được giải nhất. Tôi dìu thầy lên sân khấu, tôi nói “đây là công của thầy”. Thầy nhìn tôi lúc ấy đang mặc bộ comple, thầy thốt lên “Hôm nay em đẹp quá”! Câu nói ấy làm tôi suy nghĩ đau đáu bao nhiêu năm trời. Câu nói cho tôi thấu hiểu tấm lòng và nhân cách của thầy. Không có thầy cũng không có tôi hôm nay.

Còn công việc hiện nay của anh ở nhà hát Đài TNVN thì sao?

Tôi gắn bó với Đoàn ca nhạc Đài TNVN từ năm 1987, nay là Nhà hát Đài TNVN. Nhạc sĩ Phan Phúc không chỉ là thủ trưởng đầu tiên mà còn trực tiếp giúp đỡ động viên tôi rất nhiều. Hiện tôi là nhạc công đàn nguyệt trong dàn nhạc dân tộc của Nhà hát. Ngoài tham gia các buổi biểu diễn vào dịp sự kiện, lễ Tết do Đài TNVN tổ chức, hằng tuần tôi và đồng nghiệp còn tập luyện và thu thanh các bản nhạc dân tộc, đệm thu thanh các tiết mục dân ca phục vụ trên sóng phát thanh. Công việc ở Đài đã tạo điều kiện cho tôi được tiếp xúc với nhiều nơi, tác phẩm của tôi được đến với thính giả trong cả nước. Hiện nay, ở kho băng tư liệu của Đài có rất nhiều bản khí nhạc do tôi trực tiếp trình bày cùng dàn nhạc, cũng như các đồng nghiệp trình bày tác phẩm của tôi. Nhìn lại hành trình mấy chục năm trời là biết bao nỗ lực và mồ hôi. Nhưng tôi cũng cảm thấy thực sự hạnh phúc.

Anh cũng là người cải tạo cây đàn nguyệt, thêm một dây cho nó?

Trong quá trình sử dụng và viết nhạc cho các nhạc cụ độc tấu và hòa tấu, tôi đã mày mò chế tác, thêm một dây trầm, tạo nên cây đàn nguyệt ba dây, thêm những tính năng mới. Sáng kiến này của tôi được nhiều đồng nghiệp ủng hộ. Tôi cũng sẽ dành thêm thời gian để hoàn chỉnh hơn nữa sáng kiến này, cả về lý thuyết cũng như thực hành để giúp cho cây đàn nguyệt ba dây được đưa vào sử dụng chính thức, góp phần làm giàu có thêm kho nhạc cụ dân tộc. 

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Anh Thư thực hiện

“Những bản khí nhạc cần phải mang được tinh thần thời đại, tiếp cận với cái mới, cái đương đại hôm nay. Đã gọi là “sáng tạo nghệ thuật” thì không có khuôn mẫu nào”, NSƯT Trần Luận.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận