Đại dịch Covid-19 ập tới khiến cuộc sống ở xứ sở này đảo lộn. Đó là cuộc khủng hoảng mà tôi chưa từng nghĩ tới trước khi lên đường. Nhưng đó cũng là cơ hội để tôi khám phá ra những giá trị trân quý trong mỗi cá nhân, trong cộng đồng tại đây.
Từ “báo động giả”
Tôi đặt chân tới Ấn Độ vào đầu tháng 2/2020, giữa lúc quốc gia này bắt đầu có những biện pháp kiểm soát Covid-19. Suốt hơn 1 tháng sau đó, dù mọi hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường tại thủ đô New Delhi, nhưng người dân đã bàn tán tới khả năng chính quyền sẽ áp đặt kiểm soát trên diện rộng. Trường học lần lượt đóng cửa theo khuyến cáo của chính quyền. Đường phố cũng kém tấp nập hơn bởi các hoạt động xã hội giảm dần. Với dân số hơn 1,3 tỷ người, các lệnh hạn chế tại Ấn Độ sẽ là một trong những cuộc phong tỏa lớn nhất trong lịch sử loài người.
Và điều được dự báo cũng đã tới vào tối ngày 22/3/2020. Lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên được công bố. Người dân Ấn Độ tình nguyện tham gia “Tự giới nghiêm” theo lời kêu gọi của Thủ tướng Narendra Modi. New Delhi từ chỗ sôi động, ồn ào, ô nhiễm giờ nhường chỗ cho sự vắng lặng và trong lành chưa từng thấy.
Hành trình trên mảnh đất Ấn Độ của tôi bắt đầu một cách lạ thường như vậy.
Chưa đầy 1 tuần sau khi dọn vào căn hộ mới thuê, tôi bắt tay vào cuộc sống mới không như hình dung ban đầu. Bao quanh tôi khi đó ngập tràn những tin tức tiêu cực về đại dịch Covid-19. Quãng thời gian đầu của đợt phong tỏa khắc nghiệt đó là bài thử thách căng thẳng, bởi tôi phải thích nghi với cuộc sống mới, một trạng thái bất thường chưa từng có. Nhiều ngày liền, huyết áp cứ lên rồi xuống, mất ngủ triền miên dù tôi vẫn luyện tập thể dục và cố gắng giữ nền nếp sinh hoạt. Cảm giác bao trùm là sự rối loạn vì không biết bản thân đang phải đối mặt với điều gì. Một khả năng đặt ra là có thể tôi đã mắc Covid-19. Điều này hoàn toàn tự nhiên thôi, bởi những tuần trước thời điểm phong tỏa, tôi đã phải di chuyển nhiều nơi trong New Delhi, gặp gỡ nhiều người để triển khai công việc. Nếu quãng thời gian đó có thể coi như một đồ thị hình SIN thì điểm đáy chính là buổi tối ngày 5/4, thời điểm người dân Ấn Độ cùng tắt điện và thắp nến ủng hộ những những nhân viên chống dịch ở tuyến đầu. Giây phút các gia đình Ấn Độ cùng xuất hiện trước ban công căn hộ và cùng vỗ tay bày tỏ sự đoàn kết, tôi lặng lẽ ngồi khai đơn đăng ký làm xét nghiệm.
Nhưng thật may là kết quả xét nghiệm âm tính. Không chỉ tôi mà toàn bộ thành viên trong đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng thở phào. Tuy nhiên, “báo động hụt” đó là sự chuẩn bị cho màn nhập cuộc thực sự sau này.
…tới đánh trận thật
Làm việc tại Ấn Độ - vùng dịch Covid-19 lớn thứ 2 thế giới cũng có thể coi như một bài kiểm tra khả năng ứng phó với dịch bệnh khi mà vẫn phải đảm bảo các nhiệm vụ công tác. Suốt giai đoạn Ấn Độ áp đặt phong tỏa, đại sứ quán Việt Nam và các văn phòng bên cạnh vẫn duy trì các buổi giao ban trực tuyến và phối hợp giải quyết công việc trên nền tảng công nghệ thông tin. Thế nhưng có thể duy trì trạng thái “đóng băng” hoạt động tới khi nào? Phải tìm cách duy trì sự gắn kết, tinh thần làm việc giữa cán bộ, nhân viên nơi đây. Sau nhiều lần cân nhắc, tập thể sứ quán nhất trí dần nối lại các hoạt động giao ban, làm việc trực tiếp từ cuối tháng 9. Quyết định này được đưa ra sau khi chúng tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị về y tế, hậu cần cho tình huống xuất hiện ca dương tính. Thế nhưng, điều không may đã tới.
Ngày 30/9, những trường hợp ốm sốt, đau mỏi cơ thể đầu tiên xuất hiện trong tập thể cán bộ, nhân viên. Chúng tôi đã nghĩ tới trường hợp xấu nhất là lây nhiễm Covid-19, bởi nhiều văn phòng thuê lao động địa phương, nguồn lây có thể bắt đầu từ đây. Ngày 3/10, toàn bộ cán bộ, nhân viên sứ quán và các văn phòng bên cạnh tổ chức xét nghiệm Covid-19. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước, nhưng kết quả khiến chúng tôi bất ngờ. 22/26 cán bộ, trong đó có tôi, chiếm 80% quân số của cơ quan đại diện đã bị dịch bệnh xâm nhập.
Ngay lập tức, chế độ phòng chống dịch của toàn sứ quán được kích hoạt. Việc tổ chức thăm khám, thậm chí là nhập viện tại các bệnh viện tại New Delhi được chuẩn bị ngay lập tức, nhưng lại phát sinh những phiền toái mới. Đó là những trường hợp đầu tiên được tư vấn theo phác đồ của bác sĩ Ấn Độ có những dấu hiệu không tích cực. Ngoài ra, bất đồng ngôn ngữ và khác biệt trong cách tiếp cận điều trị cũng gây khó khăn cho việc chữa trị, trong khi đội ngũ y tế của bạn phải vật lộn với đại dịch không thể quan tâm tới những người nước ngoài như chúng tôi nữa.
Giai đoạn căng thẳng nhất là vào những ngày đầu phát hiện bệnh. Mỗi người có một triệu chứng lâm sàng khác nhau trong khi chúng tôi vẫn chưa có một phác đồ hay chỉ dẫn nào thống nhất. Mọi việc càng rối loạn hơn sau ngày nhận được kết quả chụp X quang, ngày 7/10, nhiều người có dấu hiệu tổn thương phổi. Có trường hợp kết hợp với bệnh lý nền được khuyến cáo nhập viện.
Đang trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, tất cả đều bối rối chưa biết cách xử trí ra sao, đại sứ Phạm Sanh Châu quyết định liên hệ về nước, chuẩn bị cho phương án điều trị trực tuyến. Được sự giới thiệu ở nhà, đại sứ mời được bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tham gia điều trị từ xa.
Chúng tôi bước vào gần 20 ngày điều trị Covid-19 theo một cách chưa từng có. Bác sĩ ở cách xa hàng nghìn cây số tiến hành thăm khám qua nền tảng trực tuyến. Còn các bệnh nhân vừa phải tự theo dõi, mô tả tình trạng sức khỏe bản thân, vừa tự chăm sóc theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Những buổi họp trực tuyến thường diễn ra vào lúc 6h30 tối (giờ Hà Nội), thời điểm bác sĩ Cường vừa kết thúc ca trực và có thể vào phần mềm zoom để trò chuyện với bệnh nhân. Nhưng khoảng thời gian đó là không đủ để bác sĩ giải đáp những thắc mắc về bệnh tật, các sang chấn tâm lý đến quá đột ngột và dồn dập cho hơn 20 bệnh nhân. Ít ngày sau, thêm bác sĩ Bắc và bác sĩ Khiêm của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, qua chỉ định của Bộ Y tế, cùng tham gia hỗ trợ. Gần 20 ngày đó, sáng chiều 2 lần, cứ đúng giờ hẹn, phòng họp trên mạng lại “sáng đèn” để các bác sĩ Việt Nam điều trị bệnh từ xa cho chúng tôi. Một đội hậu cần tiếp tế cũng được lập ra, gồm những cán bộ chưa bị nhiễm virus đảm nhận việc đặt mua thuốc, thực phẩm phân phối cho các gia đình đang phải cách ly điều trị.
Về phần bệnh nhân, mỗi người ngoài việc tự cách ly tại nhà, chăm sóc điều trị cho bản thân còn phải luôn ghi nhớ giờ giấc kiểm tra các chỉ số như mức độ hòa tan oxi trong máy, huyết áp, nhịp tim… Đây là những thông số quan trọng cùng các biểu hiện lâm sàng giúp bác sĩ đưa ra y lệnh phù hợp. Tất cả được cập nhật thành một bảng tính lưu trên google sheet để các bác sĩ theo sát diễn biến bệnh tật.
Những ngày tháng đầu tiên của tôi với đất nước Ấn Độ đi qua không hề bằng phẳng. Điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên so với những biến động thế giới đã trải qua với đại dịch Covid-19. Nhưng đó cũng là những trải nghiệm không đâu có về tình người, về sự vượt khó trước khó khăn, bệnh tật. Vốn liếng đó là hành trang để tôi vững tin đi tiếp trên chặng đường sắp tới./.
Sự tư vấn của các bác sĩ không chỉ đơn thuần là những phác đồ, những kiến thức lâm sàng về bệnh học và dược lý, mà quan trọng hơn cả chính là sự động viên tinh thần, sự quan tâm ân cần của người thầy thuốc từ quê nhà. Đó mới chính là liều thuốc hiệu nghiệm nhất, tiếp thêm năng lượng tinh thần cho chúng tôi vượt qua chặng đường khó khăn, khi kề cận với ngưỡng sinh - tử”, nhà báo Phan Tùng.
|
“Sự đoàn kết, hợp tác của tất cả thành viên trong đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã giúp chúng tôi chiến thắng dịch bệnh. Dù ở những tình huống khó khăn nhất, chúng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, hãy bình tâm để xử lý mọi việc, Tổ quốc vẫn luôn ở bên!” - nhà báo Phan Tùng.
|