Nhớ mãi một chuyến đi

Cuối năm 1972, Ban biên tập Đối nội cử một tổ phóng viên đi viết bài, phản ánh tình hình sản xuất, chiến đấu của quân và dân khu IV.

 

Đây là chuyến đi nhớ đời những năm tháng tôi làm phóng viên Đài.

Ngày nghỉ đêm đi 

Đúng lịch trình, 8 giờ ngày 23/11/1972, xe chúng tôi chuyển bánh, rời khỏi 58 Quán Sứ theo đường quốc lộ 1A đi vào. Đến thị xã Thanh Hóa, ghé vào nhà thăm vợ con anh Đình Lương, cả đoàn ăn cơm trưa và nghỉ lại. Từ đây - theo lời lái xe Đẩu: “hết đường hòa bình”, phải ngày nghỉ đêm đi, trừ những hôm trời mưa máy bay địch ít hoạt động, có thể tranh thủ chạy ngày. 

Đêm, từ nhà anh Lương đi vào ai cũng lo. Nhưng nhìn những đoàn xe nối nhau đi vào, chúng tôi cũng vơi dần nỗi lo. Đến 1 giờ sáng ngày 24/11 đoàn vào đến xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Dừng nghỉ, thăm dò đường vào thành phố Vinh, một người dân ở ven đường cho biết, mấy hôm nay ở đây báo động B.52 liên tục.

Diễn Châu cách Vinh 60km. Vừa đến đầu thành phố, trời chưa sáng, lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến một trận pháo kích phía phà Bến Thủy. Rất may, gặp được đội tuần tra an ninh thành phố. Sau khi xem giấy tờ, họ cho biết đã 7-8 ngày nay, phà Bến Thủy bị tắc vì thủy lôi của Mỹ thả dày đặc; pháo kích từ biển vào ngày vài trận. Xe vào phía Nam phải đi đường tránh: Từ Vinh đi ngược lên huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, đến xã Đức Trường (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) qua phà Linh Cảm (sông La). Đi theo chỉ dẫn, đến nơi phà Linh Cảm phải “cắt” sớm, vì trời sáng. Phải tìm nơi giấu xe, vào nhà dân xin tá túc. Sau một ngày đợi chờ, đêm xuống, xe qua được phà Linh Cảm. Theo quốc lộ 15A, qua xã Trung Lộc xuống thị trấn Nghèn, định xuôi quốc lộ 1A đi vào. Nhưng cầu Già bị tháo, phải quay trở lại đi qua Khe Giao, ngã ba Đồng Lộc - giao điểm giữa quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2, nằm trên đường huyết mạch Bắc - Nam; trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Ngã ba Đồng Lộc được ví là “túi bom”. Hố bom liên tiếp giữa đường, cày nát cả đồi. Tấm bia kỷ niệm “10 cô gái ngã ba Đồng Lộc” vẫn hiên ngang giữa đồi bạch đàn mới lớn. Chúng tôi hồi hộp và cảm động qua ngã ba Đồng Lộc, qua nông trường Thạch Ngọc, về xã Thạch Vịnh tối 26/11. Như vậy là sau 3 ngày - đêm đi ngày nghỉ, người và xe vẫn an toàn, chúng tôi đã đến được nơi sơ tán của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Rất may, từ ngày vào Hà Tĩnh trời mưa phùn, gió rét; máy bay địch hoạt động ít hơn. Tranh thủ thời cơ hiếm có, chúng tôi ra huyện Thạch Hà. Sau khi làm việc với anh Lương, Chủ tịch UBND huyện, tôi và Trọng Kiểm (Thời sự) xuống Đò Điệm; Bùi Thọ Tân (Công nghiệp) được anh Tuy - Chánh Văn phòng UBND huyện đưa đi xã Thạch Kim - nơi bị địch đánh phá ác liệt.

Chuyện 9 cô gái Kỳ Phương 

Từ thị xã Hà Tĩnh vào huyện Kỳ Anh khoảng 50km, nhưng có tới 40 cây cầu to, nhỏ. Mật độ những bãi bom trên đường dày đặc. So với các huyện trong tỉnh, Kỳ Anh bị địch đánh phá ác liệt hơn, dữ dội hơn. Ngày thì máy bay ném bom, đêm pháo kích từ ngoài biển vào, không có mấy ngày bình yên. Có những xã như Kỳ Nam, bị hủy diệt hoàn toàn. Khi chúng tôi đến cả xã chỉ còn lại 120 thanh niên, dân quân ở lại trực chiến, người già, trẻ em đi sơ tán hết. Xã Kỳ Tân - nơi sơ tán của huyện ủy, UBND huyện - là một xã toàn diện: Sản xuất giỏi, chiến đấu cừ. Bom đạn của giặc xóa sổ 2-3 đội sản xuất, dân vẫn kiên cường bám trụ.

Ở đội trực chiến, có 2 anh em nối nhau chưa bắn rơi máy bay Mỹ là chưa chịu về. Đến xã Kỳ Phương - dưới chân đèo Ngang, Trọng Kiểm và Đình Lương (trưởng đoàn) làm việc quên về, vì chuyện 9 cô gái tuổi đời mới 17- 19 ở đội dân quân gái, nhiều đêm mất ăn, mất ngủ, nằm hầm, vùi trong cát để nghiên cứu chiến thuật “bắn chẻ đầu máy bay Mỹ”. Tức là, chờ cho máy bay nhào xuống tới mức thấp nhất, gần nhất, nhắm thật trúng, bóp cò kịp thời để những viên đạn bắn lên, găm thẳng vào máy bay Mỹ.

Đây là một trong những chuyện “hót” trong chuyến đi khu IV, ngày về chúng tôi đã viết ra, nhưng bị “cắt”, vì sợ lộ chiến thuật tác chiến. Nhờ cách “tiếp cận” bắn máy bay như vậy, 9 chị em đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Năm 1969, tiểu đội trưởng Tưởng Thị Diên, vinh dự là đại diện của Hà Tĩnh ra thăm và báo cáo thành tích của đơn vị với Bác Hồ,  được vinh dự chụp ảnh với Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1971, đội được nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang. Mưu lược và anh dũng không thua kém đội TNXP gái Kỳ Phương, tiểu đoàn 8 chốt trên đèo Ngang, mỗi người đã phải chịu hơn 100 quả bom đạn, nhưng vẫn đánh địch giòn giã, không một ai hy sinh. 

Tiểu đội trưởng dân quân gái Kỳ Phương (người cầm súng) trong giờ trực chiến.

Bữa cơm nhớ đời                                                

Sáng 3/1, tôi và Thọ Tân ở nhà thu dọn đồ, xem lại tài liệu chuẩn bị vào Quảng Bình. Đình Lương và Trọng Kiểm sang làm việc với Bệnh viện Kỳ Anh. Trưa về, anh em đang ngồi ăn cơm ở nhà ăn Huyện ủy thì bệnh viện bị ném bom, may mà không báo cơm ăn ở bên đó. Buổi tối, 4-5 lần địch đến ném bom, một lần pháo kích gần vùng sơ tán. Ở Kỳ Anh nhân dân không đào giao thông hào, mà cứ nghe báo động là chạy ra hầm. Cả đoàn trải qua một đêm trắng, nhưng với người dân Kỳ Anh là chuyện thường ngày.

Kỳ Anh cách Quảng Bình bởi đèo Ngang, nhưng không thể đi vào theo đường 1A, mà phải đi theo đường mòn Hồ Chí Minh. Từ Kỳ Tân đi ngược lên miền tây, xe qua đoạn đường xã Kỳ Lạc B.52 vừa rải thảm, mùi bom đạn còn khét lẹt. Vượt qua bãi bom B.52 ở Kỳ Lạc khoảng 5 - 6km, trời hửng nắng, chúng tôi phải rẽ vào rừng giấu xe và nghỉ lại ăn cơm trưa. Không đũa, không bát, trong xe có mấy thanh tre lấy từ Kỳ Anh mang theo để vót tăm, chẻ ra mỗi người 2 chiếc, nhưng không đủ cứng để cậy cơm trong xoong lên. Thế là phải dùng tay thay đũa cả. Bát ăn cơm là những mảnh giấy xé ra từ tạp chí cũ. Giữa rừng Trường Sơn, cơn đói đang hoành hành nên ai ăn cũng thấy ngon. Sau khi ăn xong anh Bùi Thọ Tân đứng dậy, bình luận:  “Thật là bữa cơm nhớ đời”. 

Vào đến đất Quảng Bình, xe hoàn toàn đi trong đêm. Đến một ngã ba đang dò dẫm hỏi đường, may mắn gặp được xe anh Phụ - tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Bình, trưởng ban đảm bảo giao thông Bắc sông Gianh đang trên đường đi giải tỏa. Anh tận tình đưa đoàn vào tận xã Quảng Long - nơi sơ tán của Huyện uỷ, UBND huyện Quảng Trạch, rồi vội cho xe đi ngay. 

Gần 21 giờ tối 4/12 chia tay anh Phụ, một cán bộ ở phòng tổ chức đưa đoàn vào Văn phòng Huyện ủy. Gặp 2-3 cán bộ, họ định gửi đoàn vào nghỉ ở nhà dân, thì chánh văn phòng Huyện ủy về, gửi đoàn sang Huyện đội. Khi đoàn đến, 5-7 anh em đã ngủ. Nhà không đèn, cả đoàn lấy xoong cơm nấu giữa rừng từ chiều qua, ngồi giữa sân bốc ăn với muối lạc, vừng. 

Cuộc sống vẫn sinh sôi trong lòng đất 

Xã Quảng Long - nơi các cơ quan huyện Quảng Trạch sơ tán, nằm giữa cồn cát trắng, nhà dân lưa thưa. Xã chưa hề bị địch đánh phá lần nào. Ngày mới đến, cả đoàn đang ngủ trưa, phải bật dậy, chạy ra hầm khi nghe tiếng máy bay gầm rít trên đầu, tiếp đến tiếng bom nổ rung chuyển cả nhà. Trong khi những người dân và cơ quan ở đây vẫn say sưa giấc nồng, không thấy một ai chạy ra hầm. Tìm lời giải cho sự kiện này, tôi được giải thích: Họ quen rồi, nắm được quy luật hoạt động và những vùng trọng điểm đánh phá của địch! 

Vào Quảng Trạch đã ngày thứ 3, chúng tôi mới làm việc với huyện được một buổi chiều. Sốt ruột, phải chờ đợi quá lâu, anh Lương đi tìm phương kế cho đoàn vượt Nam sông Gianh. Nhưng bế tắc - anh báo tin không vui, đến đây đã là chặng đường đi ô tô cuối cùng. Vì sông Gianh bị phong tỏa, địch thả thủy lôi dày đặc, phà không thể hoạt động. Thảo nào khi chia tay, anh Phụ đã thông báo nhanh với đoàn rằng, “đường vào rất khó khăn”! 

Vào Quảng Bình mà không có giao liên thì không thể đi đâu, vì mọi con đường đều bị đánh phá. Xuống xã chỉ có cách duy nhất là đi bộ qua các trảng cát. Sáng ngày 7/12, anh Sắc trực ủy ban huyện, hẹn sẽ có người đưa tôi và Trọng Kiểm đi cơ sở; anh Lương và Thọ Tân đi theo ngành giáo dục và công đoàn. Chờ mãi đến trưa, anh Nguyễn Niềm trong ban thi đua huyện mới xuống. Vượt qua trảng cát 6-7km, qua một bãi dày đặc hố bom bi còn mới, chúng tôi đến xã Quảng Xuân. Tìm đến nhà, ông chủ tịch xã vai vác cày, tay dắt trâu vừa ở đồng về. Bà vợ mới sinh con nằm dưới hầm. Chờ làm việc, anh Niềm đưa chúng tôi sang nhà hầm gần sân kho HTX, thấy nhiều bà con xã viên vui vẻ đến nhận lúa. Giữa chiến tranh ác liệt, cuộc sống ở đây vẫn sinh sôi, nảy nở. Dân vẫn bám trụ sản xuất và chiến đấu. 

Nhà báo Hồ Khánh Thiện (người đội mũ) trong chuyến đi công tác đến xã Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên.

Sau khi làm việc xong với xã Quảng Xuân, anh Niềm đưa chúng tôi đến HTX Thanh Bình, vừa làm nông nghiệp,vừa làm ngư nghiệp. Rất đáng tiếc, ông chủ nhiệm đi vắng; bí thư và phó chủ nhiệm bận họp chi ủy không tiếp khách. Đành phải về ăn nhờ, ngủ nhờ nhà anh Niềm ở xã Quảng Hưng. Đêm không ngủ, vì mấy lần máy bay địch bay qua, hết chạy ra hầm lại vào nhà. Thêm nữa, chiếc gường quá ngắn, nằm không màn, muỗi đốt, bọ châm ngứa râm ran. Sáng ra, tôi và Trọng Kiểm nhìn nhau, chân tay sưng vù. Mệt mỏi. Đói. Vẫn phải lên đường. 7 giờ sáng (ngày 8/12), từ nhà anh Niềm cuốc bộ, 11 giờ đến HTX Phú Lộc, xã Quảng Phú ở ven biển. Mảnh đất này trù phú, đã bị địch đánh phá nhiều lần. Không ít gia đình đi sơ tán, bỏ lại vườn không, nhà trống đổ sập bên những hố bom. Buổi sáng lên đường về xã Quảng Kim, mặt trời tròn vành vạnh từ biển nhô lên. Trời trong xanh và sạch. Ước ao giá mà không có chiến tranh! Nơi đây là nhà bà con Trọng Kiểm từ Quảng Phú sơ tán về. Ba anh em dừng lại nghỉ, ăn cơm trưa. Chiều về huyện. Vừa vượt qua đường 22A được 30 phút thì máy bay địch đến ném bom. Lần đầu trong đời, cả tôi và Trọng Kiểm mục kích máy bay địch ném bom gần. Hốt hoảng! Đất, đá rơi trên đầu, sau đó rồi cũng qua đi...  Gió mùa đông bắc tràn đến. Quảng Bình mưa trắng trời, trắng đất. Rét. Ra đi đã hơn 20 ngày. Không thể đi vào, đoàn chuẩn bị ra. Bùi Thọ Tân đi cơ sở 3 ngày về đúng lúc, cả đoàn mừng rơn.                                                                                                                                 

 Đường về                                                                                         

Tranh thủ thời tiết xấu, lái xe Đẩu giục lên đường. Tạm biệt Quảng Bình kiên cường và anh dũng, 12 giờ 30 ngày 13/12 , xe chuyển bánh. Chiều hôm đó bình an, vượt qua chặng đường đầy sợ hãi, đoàn về đến Huyện ủy Kỳ Anh lúc 18 giờ. Cũng con đường 22A, chỉ có hơn 1 tuần, đoàn vào rồi ra mà trông nó khác lạ rất nhiều. Địch cố tình băm nát con đường bằng những bãi bom B52 chạy dài 3 - 4km, như đoạn chạy qua xã Kỳ Sơn - từ cây số 53 đến 57, đất bị đào xới lên như ruộng cày, không còn một chỗ nguyên vẹn đặt bàn chân. Hố bom chồng lên hố bom. Mọi người phải xuống đẩy, khiêng đá vá đường và đào đất cho xe vượt qua không biết bao nhiêu lần. Xe đi qua, để lại cho con người một cảm giác rờn rợn. Đêm ngủ lại Kỳ Anh, không có tiếng máy bay. Nghĩ mà thương những người ở lại, thương những đoàn trai gái đang trên đường đi vào! 

Do anh Lương hẹn trước từ ngày vào, rời Kỳ Anh, đoàn dừng lại làm việc với  trường cấp III Trần Phú và Ty Giáo dục Hà Tĩnh, sơ tán ở xã Đức Thanh (Đức Thọ). Còn một chương trình cuối cùng - làm việc với tỉnh Nghệ An. 5 giờ 30 ngày 18/12, xe chuyển bánh. Cũng giống như ngày đi vào, đến Linh Cảm trời sáng, công nhân đi giấu phà. Lại mất thêm một ngày chờ đợi. Tìm nơi giấu xe, vào nhà dân ở xã Đức Sơn xin tá túc, đợi đến 18 giờ xe mới được qua phà. Ngược đường qua huyện Nam Đàn, đến 21 giờ xe mới đến Thượng Sơn, huyện Đô Lương, một xã vùng đồi, trung du (cách thành phố Vinh hơn 60km) - nơi sơ tán của tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An. Tại đây, đoàn được tin địch đã điên cuồng cho máy bay đánh phá Hà Nội. Nhân dân đi sơ tán, các cơ quan chỉ để lại một bộ phận trực ở Hà Nội. Nghe tin này, ai cũng sốt ruột, nôn nóng muốn ra ngay, nhưng không thể vội. Nghệ An bận họp, bàn kế hoạch đối phó với tình hình mới. Chờ đến chiều ngày 20, chúng tôi mới làm được việc. Hôm sau, tỉnh mời đoàn đi thực tế hai huyện Nam Đàn và Đô Lương. 

Khẩn trương làm việc và khẩn trương ra về. 23 giờ ngày 23/12/1972 - đúng một tháng, lái xe Nguyễn Văn Đẩu đã đưa đoàn an toàn về đến 58 Quán Sứ, kết thúc chuyến công tác vào tuyến lửa khu IV đầy khó khăn và gian khổ. /.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận