Nhà văn Đức Hậu: 'Tác phẩm của tôi gây được tiếng vang nhờ làn sóng Tiếng nói VN'

Từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nhiều tác phẩm của nhà văn Đức Hậu đã đến với người yêu văn chương cả nước qua làn sóng văn nghệ Đài TNVN.

 

Tôi vẫn nhớ lần đầu gọi điện cho ông là lúc ông đang nghe đài. Ông có thường xuyên theo dõi các chương trình của Đài TNVN không ạ?

 Tôi thích nghe Đài TNVN vì thông tin từ Đài TNVN rất đáng tin cậy. Tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với làn sóng phát thanh. Thời bao cấp, tôi là cây bút thường xuyên có truyện ngắn, bút ký về nông thôn được phát sóng trên đài. Tiểu thuyết đầu tay “Vùng đất mới” của tôi in năm 1980, đến năm 1981 được đọc trên đài. Đặc biệt, thời kỳ thực hiện khoán 10, tôi có bút ký gây được tiếng vang lớn viết về Bí thư Huyện ủy Hưng Hà, ông Lưu Minh Hiệu, vốn là kỹ sư giao thông ở chiến trường về. Lúc đó, Ban bí thư Trung ương đã có Chỉ thị 100 cho phép các địa phương khoán sản phẩm nông nghiêp. Tuy nhiên, nhiều tỉnh vẫn sợ chưa cho tổ chức khoán. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình không đồng ý với làm khoán, nhưng ông Hiệu cho triển khai khoán thử ở 6 xã của huyện Hưng Hà. Trên tỉnh biết, chuẩn bị kỷ luật ông Hiệu. Ông Hiệu lên tỉnh họp, ghé vào gặp tôi, đề nghị tôi đến thăm mấy xã đang triển khai khoán sản phẩm. Nhận lời ông, tôi về Hưng Hà, sau đó tôi viết bút ký “Từ văn phòng Huyện ủy đến những cánh đồng mùa xuân” phản ánh tình hình khoán 10 của các xã đó, lúa khác hẳn. Đó là năm 1980. Bút ký đọc ở chương trình Văn nghệ và chương trình Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc của Đài TNVN.

Sau khi bút ký được đọc trên Đài TNVN thì có phản hồi như thế nào, thưa ông?

 Ông Vũ Oanh lúc đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương nghe được, biết ở Thái Bình có mô hình khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Ông đi thẳng về  Hưng Hà, ngủ lại một đêm để trò chuyện cùng Bí thư Huyện ủy. Hôm sau ông lên tỉnh, làm việc với Bí thư Tỉnh ủy. Khi ông Vũ Oanh trở lại Hà Nội, ông Bí thư Thái Bình nhận ra ông Hiệu rất hay, cất nhắc ông lên vị trí phó chủ tịch tỉnh. Có thể nói, đó là một trong những bút ký đem tới cho tôi cảm giác thật hạnh phúc. Thời kỳ đó, năm nào tôi cũng có khoảng 5, 6 bút ký viết về nông thôn đăng trên các báo và đọc trên Đài TNVN.

Trong những cây bút gắn bó và thành danh với đề tài nông thôn - nông dân không thể không nhắc đến Đức Hậu.

Qua nửa thế kỷ cầm bút, đến thời điểm này nhìn lại chặng đường sáng tác, ông nhận ra điều gì mình đã làm được, điều gì còn day trở với văn chương?

  Tôi vừa mới in xong tuyển tập. Cũng là một dịp để rà soát lại, hồi nhớ lại những chặng thời gian gắn bó với văn chương. Tất nhiên “văn mình, vợ người”, tôi không thể nhận định khách quan về những trang viết của mình. Tôi chỉ muốn nói lời tri ân. Tôi được sinh ra ở một làng rất nghèo, có một người mẹ rất nghèo, nhân hậu và thương con. Mẹ tôi mất đã lâu rồi. Nhưng đến tận bây giờ, trước bất cứ một quyết định nào, tôi đều nghĩ đến mẹ, không được phép làm điều sai, điều  ác. Mẹ tôi hầu như không biết chữ nhưng thuộc vanh vách truyện Kiều.

Tôi nhớ những ngày còn rất đói khổ, đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Mưa tháng 8 ngập lụt hết, nhà không còn gạo ăn, cả xóm đến ngồi quây quần trong căn nhà tường đất của gia đình tôi nghe mẹ tôi đọc Kiều. Tôi nhớ những câu ca dao, dân ca mẹ tôi thường hát ru em tôi. Sau này tôi tìm trong cuốn “Tục ngữ ca dao” do học giả Vũ Ngọc Phan sưu tầm thì rất nhiều bài không có. Tôi từng viết  truyện ngắnHoàng hôn”, lấy đề từ là hai câu ca mẹ tôi hay hát: “Người ấy mà đến với ta/ trồng bông bông tốt, trồng cà cà sai/ người ấy mà đến với ai/ trồng bông bông héo trồng khoai khoai hà”. Mẹ không dạy tôi điều gì cả, nhưng mẹ dạy tôi bằng cuộc đời của mẹ. Một người mẹ nghèo, một làng quê nghèo - đó là những tiền đề để tôi trở thành nhà văn, đặc biệt để làm người. Làm người là quan trọng nhất. Tôi tâm niệm dù thế nào mình vẫn phải sống đúng là mình. Cuộc đời cũng công bằng. Làm người tốt có thể phải chấp nhận thiệt thòi, nhưng mình sẽ được thứ khác, đó là những anh em, bạn bè thân thiết quý trọng nhau.

Từ thời điểm ông viết những tác phẩm đầu tiên về nông thôn và nông dân Việt Nam, cho đến bây giờ là cả khoảng cách lớn về thời đại với rất nhiều biến động. Và điều khác cơ bản nhất mà ông nhận thấy, những biến chuyển lớn nhất đối với nông thôn hôm nay, đó là gì?

Vì sinh ra ở nông thôn, gắn bó cả đời với nông thôn, nên tôi nhận thấy nhiều người viết về nông thôn, nhưng không hiểu người nông dân, nhất là sự thay đổi của người nông dân trong lịch sử. Có thể nói, người nông dân thời bao cấp đói khổ, thiếu thốn hơn người nông dân hiện nay rất nhiều. Nhưng nghịch lý là người nông dân thời bao cấp hạnh phúc hơn người nông dân bây giờ. Vì sao? Vì người nông dân ngày trước khổ mà không biết mình khổ, xã hội có sự công bằng, mọi người đều khổ như nhau. Còn người nông dân bây giờ có quá nhiều thông tin, quá nhiều sự so sánh, quá nhiều cạnh tranh, và nhận thức được mình thiệt thòi vì thiếu công bằng. Sự bất hạnh đó là hệ quả của sự nhận thức. Có thể có người không nghĩ như thế, nhưng đây là thực tế, là hiện thực của cuộc sống hôm nay. Hiểu được điều đó thì hiểu được người nông dân và viết về người nông dân đúng và sâu sắc hơn.

         

Có thể nói “Từ văn phòng Huyện ủy đến những cánh đồng mùa xuân” là một trong những bút ký đem tới cho tôi cảm giác thật hạnh phúc. Thời kỳ đó, năm nào tôi cũng có khoảng 5, 6 bút ký viết về nông thôn đăng trên các báo và đọc trên Đài TNVN.

Xin cảm ơn nhà văn!

Anh Thư thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận