Tác phẩm báo chí góp tiếng nói trong cuộc chiến pháp lý

Một trong những diễn biến đáng quan tâm tại Biển Đông năm 2020 là việc Trung Quốc bằng mọi cách hiện thực hoá khái niệm 'Nam Hải chư đảo', còn gọi là Tứ Sa.

 

Với chiến lược Tứ Sa, Trung Quốc đã lồng ghép cả khái niệm nội thủy và lãnh hải, khiến tính chất của Tứ Sa nguy hiểm hơn hẳn so với cái gọi là Đường Lưỡi bò 9 đoạn trước đây, bị cộng đồng quốc tế bác bỏ.

Để phân tích rõ sự nguy hiểm của chiến lược Tứ Sa mà Trung Quốc đang áp dụng tại Biển Đông; lý giải vì sao cộng đồng quốc tế ngày càng cảnh giác trước những tính toán của Trung Quốc, nhóm phóng viên: Vũ Hồ Điệp, Trần Thúy Ngọc Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Phan Thanh Tùng Trưởng đại diện CQTT Đài TNVN tại Ấn Độ, Đỗ Việt Nga Trưởng đại diện CQTT Đài TNVN tại Australia  đã thực hiện loạt bài 4 kỳ với tựa đề: “Cuộc tranh luận công hàm tại Liên hợp quốc về Biển Đông: Chiến lược Tứ Sa và những tính toán nguy hiểm của Trung Quốc”. Tác phẩm đã được đánh giá cao tại Giải báo chí Quốc gia năm 2020.

Tìm góc tiếp cận mới cho đề tài không mới

Chọn vấn nóng được báo chí trong và ngoài nước đồng loạt phản ánh vừa là thuận lợi, đồng thời cũng là thách thức với nhóm thực hiện loạt bài 4 kỳ. Theo nhà báo Việt Nga, Trưởng đại diện Cơ quan thường trú (CQTT) của Đài TNVN tại Australia: “Chúng tôi đã dành ra nhiều tháng để thu thập dữ liệu trong kho thông tin khổng lồ của Liên hợp quốc (LHQ). Đồng thời, chúng tôi cũng tìm đọc rất nhiều tài liệu và nghiên cứu quan điểm của các chuyên gia quốc tế về vấn đề này để từ đó định hình nội dung loạt bài”.

Nhà báo Thúy Ngọc làm việc trong phòng thu.

Nhà báo Thúy Ngọc, phòng Thời sự Quốc tế, VOV1 cho biết: “Theo dõi tình hình Biển Đông, chúng ta có thể nhận thấy trong 4 năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định về cái gọi là các quyền lịch sử của họ ở Biển Đông. Và bất chấp dư luận quốc tế, họ tìm nhiều cách để biện minh cho yêu sách không có căn cứ pháp lý của mình, mới nhất là việc hiện thực hóa chiến lược "Tứ Sa" nhằm độc chiếm Biển Đông. Thuận lợi của chúng tôi khi thực hiện loạt bài cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông là diễn biến quá nổi bật trong năm 2020 với việc nhiều quốc gia trình hơn 20 công hàm lên LHQ phản đối mạnh mẽ các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Trong số các quốc gia gửi công hàm lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của LHQ, có tới hơn một nửa không có tranh chấp ở Biển Đông. Điều đó cho thấy những diễn biến trên Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của khu vực mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới”.

Mặc dù có “chất liệu” tốt là những diễn biến rất mới và rất nổi bật của cuộc chiến pháp lý trong năm 2020, nhưng nhóm tác giả cũng phải mất một thời gian khá dài để xác định góc tiếp cận mới cho một đề tài vốn không mới với việc tham vấn các học giả chuyên nghiên cứu về Biển Đông, tham gia các hội thảo (trực tuyến) cả trong nước và quốc tế về Biển Đông. Sau thời gian dài bàn thảo, cuối cùng nhóm tác giả cũng thống nhất loạt bài sẽ không chỉ phản ánh những diễn biến đang rất “nóng” của một cuộc chiến pháp lý, mà chính bản thân nó cũng phải là tiếng nói trong cuộc chiến này, với yêu cầu phải rõ ràng, chính xác, khách quan và quan trọng nhất là phải có sức nặng.

Đặt những câu hỏi “trúng” và “đúng”

Do đã xác định loạt bài cũng là một tiếng nói trong cuộc chiến pháp lý nhằm phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc trong chiến lược Tứ Sa, nên bài viết đòi hỏi phải có những lập luận thuyết phục dựa trên diễn giải một cách chính xác - chính xác đến từng câu chữ, từng thuật ngữ trong các văn bản luật pháp quốc tế cũng như trong công hàm của các quốc gia gửi lên LHQ mà nhóm tiếp cận. Chỉ nói riêng quá trình chuyển ngữ cũng đã mất rất nhiều thời gian. Rất may là, nhóm nhận được hỗ trợ rất tích cực của các chuyên gia trong nước như Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ và TS Phan Duy Hảo, Phó Vụ trưởng Bộ phận Chính sách và Pháp lý, Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao).

Theo nhà báo Thúy Ngọc, với tác phẩm mang tính đấu tranh pháp lý như loạt bài mà nhóm thực hiện, sức nặng sẽ nằm ở lập luận và tư duy logic, mà không có quá nhiều dư địa cho những dẫn dắt mang tính cảm xúc như các tác phẩm thuộc các thể loại khác. Trước khi liên hệ với chuyên gia và gửi câu hỏi phỏng vấn, ai nấy đều phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu để hiểu vấn đề, từ đó đặt ra những câu hỏi “trúng” và “đúng”. Với số lượng chuyên gia, học giả phỏng vấn khá lớn, với những góc nhìn đa dạng, nhóm đã có được nguồn dữ liệu phong phú, chất lượng để hoàn thành tác phẩm theo đúng định hướng ban đầu. “Qua các cuộc phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy các chuyên gia quốc tế đều rất lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng UNCLOS 1982 để diễn giải các điều khoản theo hướng tối đa hóa lợi ích cho mình, có nguy cơ tạo tiền lệ rất nguy hiểm. Nếu như đạt được mục đích ở Biển Đông, rất có thể Trung Quốc sẽ áp dụng tại các khu vực khác trên thế giới mà nước này có lợi ích, thậm chí còn trở thành một tiền lệ xấu để các quốc gia khác áp dụng tại hơn 100 điểm tranh chấp trên biển trên thế giới đến thời điểm này” - nhà báo Thúy Ngọc nhận định.

Chuyên gia quốc tế làm rõ những toan tính của Trung Quốc

Để làm rõ những tính toán nguy hiểm của Trung Quốc, phân tích rõ sự nguy hiểm của chiến lược Tứ Sa mà Trung Quốc đang áp dụng tại Biển Đông cần sự lên tiếng của chuyên gia trong nước và quốc tế chuyên nghiên cứu về biển nói chung và Biển Đông nói riêng. Thông thường, nhóm có thể tiếp cận các chuyên gia quốc tế tại các cuộc hội thảo mà Việt Nam tổ chức về Biển Đông. Tuy nhiên, có một trở ngại trong năm 2020 là dịch bệnh Covid-19 khiến hầu hết các sự kiện đều phải tổ chức trực tuyến, vì vậy đã gây khó khăn không nhỏ cho các thành viên trong nhóm trong quá trình triển khai thực hiện đề tài. Hơn nữa, theo nhà báo Thúy Ngọc thì: “Biển Đông và những tranh chấp trên Biển Đông là một vấn đề nhạy cảm, liên quan đến những vấn đề mang tính chiến lược cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc gia... nên các chuyên gia, học giả nước ngoài rất thận trọng khi nhận lời trả lời phỏng vấn. Tuy nhiên với sự kiên trì liên lạc qua lại nhiều lần, cộng với uy tín của Đài TNVN với tư cách đài phát thanh quốc gia, chúng tôi đã liên hệ được những các chuyên gia uy tín, tâm huyết với vấn đề Biển Đông để có được một tác phẩm báo chí chất lượng” .

Thuận lợi của nhóm là có 2 thành viên là Trưởng đại diện CQTT của Đài TNVN tại Australia và Ấn Độ, nhất là khi Australia và Ấn Độ đều có những lợi ích chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan của tác phẩm, bên cạnh các chuyên gia của Australia và Ấn Độ, nhóm đã liên hệ với chuyên gia nhiều quốc gia, ở cả Mỹ và châu Âu.

Nhà báo Việt Nga cho rằng, quan điểm của các chuyên gia nước ngoài có vị trí rất quan trọng trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông bởi nó thể hiện sự khách quan và thể hiện quá trình nghiên cứu lâu dài, sâu rộng với lượng thông tin đa dạng, nhiều chiều mà các chuyên gia nước ngoài được tiếp cận. Ý kiến của họ làm sáng tỏ tình hình ở Biển Đông để cộng đồng quốc tế có thể hiểu chính xác tình hình và làm căn cứ cho sự phản đối các hành động sai trái; đồng thời cũng là biểu hiện cho thấy sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến chống lại những hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Khi liên hệ với các chuyên gia nước ngoài, nhà báo Việt Nga nhận được sự phản hồi tích cực, cho dù lịch làm việc bận rộn nhưng họ sẵn sàng sắp xếp lịch hẹn phỏng vấn. Các cuộc làm việc diễn ra trực tiếp nhưng cũng không ít cuộc làm việc diễn ra trực tuyến.

Nhà báo Thanh Tùng tác nghiệp tại Ấn Độ.

Nhà báo Phan Thanh Tùng, CQTT VOV tại Ấn Độ cho biết, khi tham gia thực hiện loạt bài, anh vừa bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Ấn Độ được 2 tháng. Do vậy, anh chưa có nhiều thời gian tìm hiểu giới học giả nghiên cứu về Biển Đông tại nước này. Công việc lại bắt đầu đúng vào giai đoạn Ấn Độ tiến hành phong tỏa để ngăn chặn lây lan Covid-19 khiến việc đi lại gặp gỡ gần như là không thể. Trong khi đó, đặc trưng của phát thanh là phải có tiếng động, băng phỏng vấn đưa ra quan điểm, nhận định của nhân vật. Điều này mới tạo nên sức thuyết phục, chất lượng của tác phẩm. Vì vậy, nhà báo Phan Thanh Tùng đã nỗ lực tìm hiểu, liên hệ qua nhiều con đường để tìm ra cách làm phù hợp nhất. Cuối cùng, nhà báo Phan Thanh Tùng đã thực hiện 7 cuộc phỏng vấn về chủ đề Biển Đông trong năm 2020, với tổng thời lượng hơn 180 phút. Các buổi trao đổi này không chỉ với các học giả, nhà nghiên cứu Ấn Độ mà còn với chuyên gia ở các nước khác. Điểm đặc biệt là toàn bộ các cuộc trao đổi này được thực hiện trực tuyến, giữa vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, và những đợt phong tỏa khắc nghiệt nhất.

Phản hồi tích cực

Nhóm thực hiện đề tài gồm 4 người công tác tại 3 địa bàn khác nhau là Hà Nội, thành phố Sydney (Australia) và New Dehli (Ấn Độ). Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, nhóm có thể dễ dàng trao đổi với nhau một cách thường xuyên trong suốt quá trình thực hiện. Hơn nữa, trước khi nhà báo Việt Nga và Phan Tùng đi đảm nhiệm vị trí trưởng đại diện CCTT Đài TNVN tại Australia và Ấn Độ, họ đều công tác tại Phòng Thời sự quốc tế, đã có thời gian dài làm việc cùng nhau nên họ quá hiểu tính cách, phong cách làm việc của nhau, vì vậy quá trình hợp tác triển khai loạt bài khá thuận lợi.

Để công việc trơn tru, nhóm phân công rõ ràng nội dung từng hợp phần cho các thành viên. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhóm thường xuyên có sự thảo luận kỹ càng để đảm bảo mỗi bài viết đều làm nổi bật nội dung mà nhóm muốn truyền tải và tổng thể loạt bài cung cấp các góc nhìn đa dạng, từ nhiều phía về chiến lược Tứ Sa tưởng là mới song lại là “bình mới rượu cũ” của Trung Quốc.

Nhà báo Hồ Điệp trong một lần phỏng vấn chuyên gia quốc tế.

Nhà báo Hồ Điệp, Trưởng phòng Thời sự Quốc tế chia sẻ: “Chúng tôi thực hiện loạt bài này với mong muốn chỉ rõ những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông khi họ thực hiện chiến lược Tứ Sa từ năm 2017. Cùng với đó là sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế thông qua các công hàm phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc trình lên LHQ. Hơn 20 công hàm của các quốc gia, trong đó lần đầu tiên Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Malaysia và nhiều nước ASEAN khác chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc trình lên LHQ cho thấy những diễn biến rất mới trên mặt trận pháp lý. Công luận quốc tế họ không thờ ơ trước những hành động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông. Thực hiện loạt bài này, chúng tôi mong muốn giúp thính giả hiểu thêm về những tính toán nguy hiểm của Trung Quốc, tiếng nói ủng hộ chính nghĩa của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Biển Đông của Việt Nam. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi công dân chúng ta, không thể im lặng khi chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị xâm phạm” .

Loạt bài khi được phát sóng đã nhận được phản hồi tích cực của thính giả. Nhiều thính giả đã gọi điện tới số điện thoại tiếp nhận ý kiến thính giả của VOV1 để chia sẻ suy nghĩ của họ về loạt bài, về những diễn biến trên Biển Đông thời gian gần đây, thậm chí là đặt ra những câu hỏi với mong muốn được giải đáp kỹ hơn - những câu hỏi gợi mở cho nhóm những đề tài có thể thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt, một số đài phát thanh đã liên hệ với Đài TNVN đề nghị được phát lại toàn bộ loạt bài này trên kênh của mình, và Đài rất sẵn sàng vì đó cũng là cách để tác phẩm của phóng viên đến gần hơn với công chúng./.

“Điều làm nên thành công của loạt bài viết này chính là sự quyết tâm, phối hợp ăn ý, kết nối chính xác giữa các thành viên trong nhóm để chúng tôi có thể đi tới kết quả cuối cùng. Vượt qua khoảng cách về không gian và chênh lệch múi giờ, vượt qua rất nhiều thách thức về dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới, chúng tôi đã hoàn thành bài viết với  chất lượng tốt.” - nhà báo  Phan Thanh Tùng, Trưởng đại diện CQTT Đài TNVN tại Ấn Độ.

 

“Dưới sự trợ giúp của công nghệ, chúng tôi đã kết nối với các chuyên gia ở cách xa hàng chục nghìn km, ở các châu lục khác nhau và ở các múi giờ trái ngược nhau. Sự phản hồi tích cực của chuyên gia đã giúp cho bài viết của chúng tôi có những phân tích sâu sắc”. - nhà báo Việt Nga, Trưởng đại diện CQTT Đài TNVN tại Australia.

 

Loạt bài “Cuộc tranh luận công hàm tại LHQ về Biển Đông: Chiến lược Tứ Sa và những tính toán nguy hiểm của Trung Quốc” gồm 4 bài: Bài 1: “Hiện thực hoá chiến lược Tứ Sa: Bước đi đánh tráo khái niệm nguy hiểm mới trên Biển Đông”; Bài 2: “Sau đường 9 đoạn, Trung Quốc tiếp tục đuối lý về chiến thuật Tứ Sa”; Bài 3: "Các nước bác bỏ chiến lược Tứ Sa - Yêu sách của Trung Quốc không phải là tập quán quốc tế"; Bài 4: "Chiến thuật Tứ Sa: Cần cảnh giác trước các tính toán của Trung Quốc”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận