Tôi sinh năm Tuất, Lê Thông tuổi Hợi, nhưng trong lý lịch đều là 1947. Năm 1966 chúng tôi gặp nhau ở Tràng Dương, Đại Từ, Thái Nguyên vào giảng đường Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán.
Chúng tôi cùng mê đọc sách nên chầu chực thư viện, hễ có sách mới về là chộp ngay. Một ngày đầu tuần năm 1968, Lê Thông rỉ tai: “Có sách mới, hình như là tiểu thuyết của Pháp, chắc là hay, lên thư viện mượn ngay nhé”. Tôi chần chừ, Lê Thông nói nhanh hơn bình thường vốn rỉ rả: “Không nhanh tay là mấy tay nghiện sách Nguyễn Hiếu, Bảo Hưng, Thế Khoa nẫng tay trên đấy”. Nghe vậy, đi liền. Cô Thảo, phu nhân giáo sư Tôn Gia Ngân quản lý thư viện Khoa Ngữ Văn nhẵn mặt chúng tôi, cười vui:
- Lại săn lùng sách mới chứ gì?
Thông nhanh nhảu:
- Thưa cô đúng ạ. Cô cho chúng em mượn cuốn “con giặc con danh”, tiểu thuyết của Pháp.
Cô Thảo tìm một hồi, bảo:
- Không có em ạ.
- Thưa cô, sách mới về. Hôm qua em liếc thấy, nhưng hết giờ nên không kịp mượn ạ.
- Danh sách đây, hai cậu tìm hộ cô nhé.
- Thưa cô đây ạ.
Lê Thông mừng ra mặt, cô Thảo cười ngất:
- Đây là cuốn “Còn giặc còn đánh”, ký sự Quảng Bình. Cô đánh máy thiếu dấu nên thành ra tiểu thuyết Pháp.
Lê Thông con nhà có truyền thống cách mạng, năm 1954 tập kết ra miền Bắc, học qua các trường nội trú học sinh miền Nam, được bố là bác Lê Ba, Thứ trưởng Bộ Điện và Than chăm lo chu đáo, nhưng không vì thế mà ỷ lại, hay tỏ ra hơn người. Anh đằm thắm, rỉ rả, thỉnh thoảng kể chuyện cười hóm hỉnh, thi thoảng tức cảnh sinh tình làm bài thơ hay về tình yêu đôi lứa.
Năm 1970, nhận bằng cử nhân văn chương, Lê Thông về Hải Hưng công tác một thời gian tại Ty Thông tin rồi vào khu 5 làm phóng viên thường trú Đài Phát thanh Giải phóng, bắt đầu sự nghiệp báo chí, phát thanh. Đây là những năm tháng Lê Thông cùng các nhà báo, nhà văn, nhà thơ như Lệ Thu, Kim Anh, Phạm Hồ Thu, Thắng Lộc, những phóng viên chiến trường chịu đựng gian khổ, vượt qua muôn vàn thử thách, đi xuống vùng sâu, ra mặt trận đưa tin, phản ánh cuộc sống và chiến đấu vô cùng anh dũng của quân dân Quảng Đà và khu 5.
Cùng lúc, tôi và phóng viên Nhật Anh ở mặt trận Thừa Thiên Huế, cách Lê Thông đỉnh đèo Túy Loan ngày đêm tác nghiệp đưa nhanh tin bài về Đài Phát thanh Giải phóng.
Tác phẩm của các anh các chị được truyền qua làn sóng Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, động viên, cổ vũ quân dân cả nước, góp phần làm nên toàn thắng, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Năm 1975, nhà báo Lê Thông về Đài Tiếng nói Việt Nam. Ba năm sau, chưa cắt sốt rét, bệnh đau dạ dày còn âm ỉ, nhưng Lê Thông sẵn sàng ra biên giới Quảng Ninh, cùng tôi và bảy đảng viên trẻ của Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam tăng cường cho cơ sở, bảo vệ phên dậu quốc gia.
Chiều muộn, rét ngọt, đầu năm 1980, bất ngờ Lê Thông từ Ba Chẽ ra Tiên Yên thăm tôi. Thông cười hì hì:
- Chả có gì, tặng cậu một bà.
Tôi nhìn trước ngó sau chả thấy cô gái nào đi theo bạn cả. Lê Thông rút từ bụng ra một cuốn sách, bìa màu vàng, cách chúng tôi dấu sách từ thuở sinh viên. Tôi reo lên”
- A, “Bà Bô-va-ry”.
Tiểu thuyết Pháp, Thông mua từ cửa hàng sách duy nhất ở thị trấn Ba Chẽ, nơi anh đang tăng cường. Đêm ấy, trên giường cá nhân rộng một mét, chúng tôi chuyện trò nên thức nhiều hơn ngủ. Một phần là do Lê Thông thỉnh thoảng dậy uống thuốc đau dạ dày.
Sau này tôi mới biết Lê Thông ra thăm tôi để tạm biệt biên giới trở về Hà Nội, trở về ngôi nhà thân yêu Tiếng nói Việt Nam.
Lê Thông lấy vợ muộn. Tôi nói đùa: “Chẳng lẽ, đến lúc mời cậu đến dự lễ cưới hai thằng con trai của tớ, mà cậu vẫn thế à”? Lê Thông cười trừ. Mãi đến 1984 Lê Thông mới kết duyên với biên tập viên nhà xuất bản Văn học Trịnh Thị Diệu, con gái miền quan họ. Nhà báo Đoàn Quang Long chủ hôn chúc cho đôi bạn sớm có con bồng, con bế, nếp tẻ đủ cả. Đôi bạn Thông Diệu sinh hạ con gái đầu lòng Lê Thị Diệu Lan và con trai Lê Minh nối dõi tông đường. Hai cháu đã lớn khôn, thành đạt.
Vài ba năm lại nay Lê Thông gầy yếu, ốm đau nhiều, nhưng khỏe lên, ra viện là đến họp lớp Ngữ Văn 11, là đến nhà đài gặp gỡ bạn hữu. Thông nói với tôi nguyện vọng hồi mới ra trường là được làm phóng viên, được về quê Quảng Ngãi chiến đấu và công tác. Bạn đã làm được. Bây giờ chỉ mong muốn khỏe lên, có dịp trở lại chiến trường xưa khu Năm, cùng tôi lên Ba Chẽ, Quảng Ninh, nơi tăng cường biên giới. Nhưng không được nữa rồi. Bệnh ngày một nặng thêm. Biết mình phải rời cõi tạm, Lê Thông đọc cho con gái ghi lại lời nhắn gửi “hãy nghiêm túc và nhiệt tình trong mọi công việc và cuộc sống”.
Để lại cho đời lời nhắn gửi cuối cùng như một triết lý sống đẹp, anh thanh thản ra đi vào hồi 21giờ 35 phút ngày 14 tháng 7 năm 2021.
Vĩnh biệt anh, nhà báo Lê Thông, người bạn “bốn đồng” của tôi./.
Vĩnh Trà/VOV.VN