So với đàn anh bọn tôi, cô gái thế hệ 8X này thuộc diện mới “chân ướt chân ráo” ra Hà Nội nhưng Vân Khánh đã “bắt” thật nhanh nhịp sống sôi động ở chốn này.
Thu Hà Nội dường như đẹp hơn khi Vân Khánh cất lên tiếng hát “Em ơi Hà Nội phố” của Phú Quang. Vân Khánh da diết khắc khoải. Vân Khánh vẫn hát như vậy khi gặp gỡ bạn bè và bạn bè yêu cầu. Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa đắm chìm vào không gian của Khánh, anh bừng tỉnh thốt lên khi Khánh hát xong: “Quá tuyệt, không khác gì Thu Phương”.
Nhóm thân thuộc của chúng tôi vẫn thường như thế. Thi thoảng gặp nhau. Mỗi người lai rai vài chén, kể chuyện đông tây kim cổ, đọc thơ và hát cho nhau nghe. Vân Khánh là bậc em út, thường được “triệu tập” với tình cảm trân quý. Cứ có mặt cô em út, nhóm lại “xôm” như những kẻ “đói xôm”.
Nếu nói Hoàng Vân Khánh sinh vào “giờ thơ” cũng không ngoa, bởi cô làm thơ từ ngày còn bé tí, 6 tuổi đã có thơ đăng ở báo Hoa Học Trò. Cho đến nay, Vân Khánh đã có mặt trong 9 tập thơ in chung, nhiều tác phẩm đã được các nhạc sĩ tìm đến phổ nhạc như “Vườn cây nhà bé”, “Nhớ mùa xuân xứ Bắc”, “Gửi người quan họ”, “Hương xuân, “À ơi, tình nhé”, “Mưa”.
Là lớp người trẻ, thơ Vân Khánh giàu cảm xúc, luôn mới hóa, lạ hóa thi ảnh mà gần gũi: Hà Nội khoác vào em mỏng mảnh gió ngẩn ngơ/Gió thổi về phương anh ngẩn ngơ làn khói thuốc/Gió vương tóc em thổi mùa thu xanh mát/Gió luồn vào nhau tơ tóc môi mềm (Một sáng mùa thu).
Lord byron, nhà thơ lớn của nước Anh đã không ngần ngại khi thốt lên: “Alas! The love of women, it is known, to be lovely and a fearful thing”- Tạm dịch là: “Hỡi ôi! Tình yêu của đàn bà ai cũng biết là vừa dễ thương vừa đáng sợ”. Đọc thơ Vân Khánh tôi hình dung ra tâm hồn người đàn bà khát yêu, vừa nồng nàn vừa yếu đuối. Có lẽ “ngang trái” của số phận tạo nên “ngã rẽ” của cuộc đời thành nhà báo tạo nên một Vân Khánh thêm cứng cỏi, rành rẽ. Có lẽ thơ chọn trái tim Vân Khánh để gửi khát khao của những người đàn bà yêu, mong được dâng hiến và chở che nên thơ Vân Khánh luôn mê đắm và khắc khoải. Những năm gần đây, thơ Vân Khánh cho thấy hạnh phúc viên mãn của người đàn bà.
Nhân làm chương trình thơ phổ nhạc về mùa thu cho VOV, Vân Khánh í ới bảo tôi: “Anh giới thiệu cho em nhà thơ có tác phẩm về mùa thu phổ nhạc?”. Tôi ngớ người ra, hình như nhà thơ Việt Nam còn “nợ” âm nhạc nước nhà khi chưa cống hiến được bài thơ nào về mùa thu nổi tiếng. Vân Khánh khoe và khẽ khàng đọc cho tôi nghe: “Ô hay mùa thu/Vừa nhắc em còn trẻ” (Không đề). Viết về mưa: “Mưa nhắc chi hoài mà nhớ, mà quên /Mà ghét mà yêu mà thưa mà gọi.../Mưa dâng ngập đầy tay thon...” (Không đề cho mưa). Những câu thơ đầy nữ tính và thật bất ngờ, chính sự bất ngờ này tạo nên cảm xúc thơ, không chỉ bất ngờ trong nhịp điệu, trong cảm xúc mà chính cả hình ảnh bất ngờ “ngập đầy tay thon” đã làm nên cốt cách của câu thơ. Nhiều hình ảnh “mách bảo” trong thơ Vân Khánh.
Nhiều khi tôi có cảm giác như tự thân của tiếng lòng Khánh bật lên mà thành thơ, cô chỉ làm một người “thư ký” cho chính tâm hồn cô, chép lại. Có khi nhẹ nhàng, chỉ bằng những câu từ miêu tả lại những quy luật hiển nhiên của tự nhiên, trời đất; tỉ dụ như một cánh hồng rơi vào một ngày cuối tuần đầy hoa tươi tắn và héo khô, một tâm trạng cũng không rõ vui hay buồn nhưng chạm hoa rơi cánh hồng mang đến một cảm giác một điều gì đó gần gũi mới kết thúc, vừa rơi mất, tiêng tiếc.
Hoàng Vân Khánh in riêng 3 tập thơ cho mình và 14 tập in chung nhưng đọc thơ của cô thấy chất chứa nhiều tâm sự, cứ phải nín thở, hồi hộp, lo lắng cho thân phận người đàn bà trong thơ. Đọc xong mới thở phào nhẹ nhõm, người đọc mới thoát khỏi không gian thơ đầy tông màu xám của mây mưa, khói thuốc… mà tác giả cố tình giăng mắc, để nhìn thấy chút màu hồng le lói trong ánh nắng hiếm hoi của những ngày mưa phùn của mùa khởi đầu cho một năm bốn mùa đang đến, để cùng cầu chúc những điều tốt lành, bình an sẽ hiện diện trên cõi đời sóng gió này: Mùa trôi thế hoa trong vườn vẫn nở/ Dẫu muộn màng năm tháng dẫu cô đơn/ Em cứ thế hồn nhiên như cỏ/ Tỏa hương lành ngan ngát đời vui (Hoa nở trong vườn)
Đọc những bài thơ, những câu thơ của Hoàng Vân Khánh, tôi thực sự cảm thấy thích, thấy có sự đồng cảm. Những đề tài Vân Khánh viết trong thơ hoàn toàn quen thuộc, đã có không biết bao nhiêu người làm thơ về những đề tài này, tôi cũng đã đọc nhiều câu thơ hay về những đề tài này, ấy vậy mà Vân Khánh vẫn có được cách viết, cách cảm, cách nghĩ, những hình tượng chân thật, gần gũi mà không cũ, không sáo mòn.
Bây giờ có nhiều người kêu gọi cách tân thơ, nhiều nhà thơ viết như nói... Thực ra những cách tân kiểu thơ không vần, thơ một chữ, một câu, thơ văn xuôi, thơ ngắt câu/xuống dòng, thơ tượng trưng, siêu thực, thơ mà người đọc thơ không thể hiểu nhà thơ muốn nói gì... người ta đã viết, đã in, đã xuất bản từ lâu, cũng không có gì mới.
Diện mạo, đời sống thơ có nhiều điều đáng mừng, nhưng cũng có nhiều điều đáng lo. Mừng vì có nhiều người làm thơ, yêu thơ, về tính phong phú, đa dạng, đa chiều... Lo vì những quan niệm về thơ của một số người quá dễ dãi, có thể làm cho thơ trở nên rẻ rúng, nhàm chán, thậm chí có người nói là “vớ vẩn”. Bởi vậy khi nghe Vân Khánh tâm sự về thơ, tôi rất mừng: “Với tôi, thơ như một nhu cầu tự thân, để giãi bày mọi cung bậc tình cảm. Buồn, vui, hy vọng hay thất vọng... mọi cảm xúc chân thật nhất đều muốn bộc lộ qua thơ. Và, vì thế tôi đang sống đúng thực là mình...”.
Làm thơ tặng chồng, con có lẽ không nhà thơ nữ nào không làm. Mới đây thôi, con gái út Munri vào lớp 1, Vân Khánh viết: Những nốt vui nhún nhảy/ những nốt dịu dàng/ chảy qua suối tóc, chảy qua mắt đen, chảy qua giọng hát/ Con làm nên nốt nhạc mềm trên khuôn mặt thời gian (Cho con). Là người mẹ, phải rất Vân Khánh mới nhận ra “Bản nhạc reo như tiếng con cười”.
Một nhà thơ Nga từng nói: "Anh có thể dối em, thơ anh không thể dối". Nhà thơ Dương Kỳ Anh từng nói: “Tôi quan tâm đến thơ không phải qua người làm thơ mà qua thơ. Chỉ có qua thơ mới biết đó thực sự là thơ hay không, thực sự là nhà thơ hay không, tôi thiển nghĩ vậy”. Vân Khánh đúng trong trường hợp này. Loại nhạc hiện đại như bài “Một dại khờ, một tôi” của Phú Quang (phổ nhạc bài thơ Chia của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo) cũng được Vân Khánh làm mới trong không gian “đường xưa mây trắng”.
Hóa ra Vân Khánh đã từng là “cây văn nghệ” ngay từ thời còn dạy học, tham gia nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng và đạt nhiều huy chương. Ra Hà Nội làm phóng viên “nhà Đài” Vân Khánh vẫn vậy. Tiếng hát của nữ phóng viên xinh đẹp này vẫn ngân lên mỗi khi có sự kiện của Ban, của Đài.
Có lẽ một trong những điều làm cho Vân Khánh trở nên thân thương trong mắt người là luôn giữ được vẻ đẹp kiêu sa “rất phố” trong tâm hồn “rất Nghệ”. Mỗi dịp gặp nhau, Vân Khánh lại kể những câu chuyện quê nhà, bằng phương ngữ Nghệ. Nhiều từ ngữ, quả thật anh em xa quê lâu ngày có thể quên khuấy trong vốn từ vựng của mình, nghe Vân Khánh kể tất cả đều òa lên, cười đến “rụng rốn”.
Đấy cũng là “duyên” Hoàng Vân Khánh, một nhà báo trẻ, nhà thơ trẻ hằng ngày vẫn tung tẩy, lẩy ra những câu thơ, nhiều khi chỉ mới “trình làng” cái tứ nhưng rất ngộ nghĩnh, mới và rất yêu. Với bạn bè Vân Khánh “Còn ta mềm ướt tay người/Tang tình một đóa khóc cười dửng dưng (Còn)./.