Hiện Thái Lan trở thành một trong những quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. PV Quang Trung, Cơ quan thường trú của Đài TNVN tại Bangkok (Thái Lan) đã ghi lại những gì anh chứng kiến.
9 giờ tối, giờ giới nghiêm bắt đầu, cả thành phố Bangkok rơi vào trạng thái yên lặng đến đáng sợ. Tôi sống một mình trong căn hộ có ban công nhìn thẳng ra đường cao tốc và một khu dân cư nghèo với những ngôi nhà lụp xụp, xa xa là những toà nhà cao tầng của một đô thị có sự phân hoá giàu nghèo khủng khiếp. Âm thanh duy nhất trong đêm giờ đây chỉ còn tiếng xe cứu thương, cứ liên tục kéo dài cho tới hết đêm thay vì những âm thanh của xe cộ, tiếng nhạc xập xình của một thành phố sống về đêm.
Năm 2020, Thái Lan chỉ ghi nhận 4.000 trường hợp mắc Covid-19. Mọi mặt của đời sống sinh hoạt tương đối bình thường, họa chăng có khác là phải đeo khẩu trang và thường xuyên sát khuẩn cùng những câu chuyện về con virus quái ác này hoành hành thế nào trên thế giới. Nhưng sự may mắn đó không kéo dài được lâu khi làn sóng của biến chủng Delta ập đến kể từ tháng 3 năm nay. Mọi thứ thay đổi đến chóng mặt và Thái Lan trở thành một trong những quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hơn một triệu ca nhiễm chỉ trong vòng 3 tháng, thành phố 15 triệu dân như Bangkok trở thành ổ dịch lớn nhất khi ghi nhận mỗi ngày hơn 20 ngàn ca mới.
Mùa mưa ở Bangkok lạ lắm, những cơn mưa nặng hạt vào buổi chiều rửa sạch tất cả những gì bụi bặm của thành phố này, nhưng thứ kinh sợ nhất vẫn còn ở đó. Trong cơn mưa tầm tã cuối chiều, tôi đã được chứng kiến những người trong trang phục bảo hộ khiêng từng người, từng người lên xe cứu thương từ khu dân cư nghèo lụp xụp kia. Hệ thống y tế của thành phố quá tải nghiêm trọng và người mắc bệnh phải tự điều trị ở nhà. Quanh căn hộ tôi sống, dọc hành lang, cứ ngày ba lần, trước cửa một số căn phòng lại thấy suất ăn và túi thuốc treo ở tay nắm.
Chính quyền Thái Lan coi vaccine là chìa khoá của việc kiểm soát dịch bệnh song việc không thể đảm bảo nguồn cung khiến chiến dịch tiêm chủng bị kéo dài nên số lượng ca nhiễm không thể giảm xuống. Những cuộc biểu tình phản đối diễn ra mà rất nhiều người trong số họ cũng dương tính với virus khiến dịch bệnh càng thêm khó khống chế. Cộng với việc người dân vẫn buộc phải đổ ra ngoài kiếm sống vì không có tích lũy, sự hỗ trợ của nhà nước eo hẹp, cũng khiến tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp hơn.
Làm việc trong một hoàn cảnh như vậy thật không đơn giản đối với phóng viên ở địa bàn. Nhiệm vụ lớn nhất mà chúng tôi luôn dặn nhau đó là cố gắng để không bị nhiễm Covid-19. Bởi nếu không may nhiễm, không chỉ ảnh hưởng tới bản thân mà còn tới công việc của cả văn phòng vì ở đây chỉ có hai người. Việc giãn cách xã hội cũng khiến chúng tôi rất khó khăn để có thể tiếp cận được nhân vật hay thực hiện những phóng sự ở bên ngoài - những việc hết sức bình thường trước đại dịch. Những sự kiện lớn trong khu vực như APEC, hội nghị ASEAN,… nơi những năm trước không thể thiếu phóng viên thường trú của VOV thì năm nay, chúng tôi buộc phải theo dõi qua màn hình máy tính. Những cuộc phỏng vấn, hội thảo, họp báo trực tuyến,… cũng là thứ chúng tôi phải làm quen. Tin tức được phía đối tác gửi thông cáo qua e-mail. Những phóng sự mang đậm hơi thở cuộc sống rất khó có thể thực hiện vì không thể ra ngoài tiếp xúc với ai. Và điều đáng tiếc nhất, chúng tôi không thể ghi đủ lại qua những khuôn hình, hình ảnh của Thái Lan những ngày khốn khó này.
Bangkok từng là thành phố sôi động nhất ở Đông Nam Á, với đủ thứ âm thanh đường phố, đặc biệt khi về đêm. Nhịp sống ở đây cũng nhanh tới chóng mặt, những con đường chật ních xe cộ bất kể ngày hay đêm. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác xa hoàn toàn bởi dịch bệnh. Đã 2 năm trôi qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, niềm vui nhất đối với chúng tôi đó là những lần được ra ngoài tác nghiệp, dù đó là nguy hiểm. Pi Ing, một người bạn của chúng tôi làm cho tờ Fuji (Nhật Bản), cũng phải làm việc tại nhà hơn 3 tháng nay. Còn nhớ lần chúng tôi được gặp lại nhau ở một sự kiện do chính phủ Thái Lan tổ chức khi cho phép các nhà báo đến đưa tin về việc triển khai vaccine. Mọi người đều mặc kín mít, đeo kính và khẩu trang, trong tay lọ sát khuẩn và đứng cách xa nhau hàng mét. Việc nói chuyện thật sự khó khăn và cũng không nghe hết được từng câu mọi người nói, song đó lại là một thứ cảm xúc rất mạnh thông qua việc được đối thoại giữa những con người với nhau thay vì đối thoại vô cảm qua màn hình.
Dịch bệnh khiến tôi cũng đã không được gặp người thân, đồng nghiệp 2 năm nay. Con gái tôi 4 tuổi khi đi học đôi khi phải ấm ức vì các bạn trong lớp trêu rằng không có bố vì bố chưa từng đưa đi học, cũng chưa từng tham gia cùng các buổi ngoại khoá. Lúc rời xa con, cháu mới bập bẹ biết nói, đứng cao hơn đầu gối bố, giờ đã lớn lắm rồi. Qua mỗi cuộc điện thoại, cháu đều đặt câu hỏi mà tôi không thể trả lời: “Sao bố đi làm lâu thế, bao giờ bố về, con muốn ở với bố”./.
Quang Trung/VOV-Bangkok