'Với tôi, thông tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam là tin cậy nhất'

Trong nhà có tiếng Đài nói thấy ấm cúng lắm, cứ như có người đem chuyện khắp nơi về kể cho mình nghe vậy.

Từ hồi nhỏ cho đến tận bây giờ, việc đầu tiên tôi làm khi về đến nhà là cắm điện cho cái đài rồi mới làm gì thì làm. Trong nhà có tiếng Đài nói thấy ấm cúng lắm, cứ như có người đem chuyện khắp nơi về kể cho mình nghe vậy.

Lớn lên trong tiếng Đài

Có không ít người hỏi tôi: Sao chưa già mà ngày ngày ôm khư khư cái đài trông như ông già thế? Thói quen nghe đài của tôi có từ hồi nhỏ, bắt nguồn từ ông bà tôi. Cho đến nay, ở vào tuổi ngoài tứ tuần, đài vẫn là người bạn thân mà tôi tin tưởng.

Khi tôi mới lên 5 tuổi thì bố tôi ra Bắc vào Nam như đi chợ. Bố tôi phải đưa 3 mẹ con tôi lên ngoại ở nhờ để tiện người chăm sóc. Nhà ông bà ngoại ở một ngôi làng ven Hồ Tây. Người làng khi ấy đều là xã viên hợp tác xã bởi trong làng có một hợp tác xã chuyên dệt khăn mặt xuất khẩu đi một vài nước xã hội chủ nghĩa cho nên tin tức lúc đó rất quan trọng.

Ông ngoại tôi là người thích mày mò và chăm nghe tin tức. Mẹ tôi kể, vào khoảng những năm thập niên đầu 70 khi giặc Mỹ vẫn đánh bom ác liệt miền Bắc nước ta thì ông ngoại đã cùng vài ba người trong thành viên chỉ đạo hợp tác xã tự lắp một cái đài, mà sau này tôi nghe ông ngoại kể nó đơn giản lắm: Chỉ với cuộn dây đồng chăng vòng quanh trên mái nhà của ban chủ nhiệm hợp tác xã vòng thêm qua 2 - 3 gốc cây bàng rồi nối với 2 chiếc bóng đèn bán dẫn, sau đó nối vào 1 cọc sắt đóng xuống đất và nối vào chiếc loa nhỏ tự chế từ một cái tai nghe của Liên Xô, thế mà cũng đủ để bắt được sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN).

 

Trở lại câu chuyện khi 3 mẹ con tôi lên ngoại ở nhờ, lúc đó ông đã có chiếc đài quay đĩa than. Đó là chiếc đài Melodia của Liên Xô. Và cứ mỗi khi tới thứ 7, cả nhà lại sum vầy quanh chiếc đài để nghe chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác”. Rồi cứ đến trưa, tranh thủ giờ nghỉ của hợp tác xã, ông lại mở đài, vặn tiếng chỉ vừa đủ nghe. Tôi vẫn nhớ như in tiếng hát véo von của nghệ sĩ Thanh Hoa với bài “Làng lúa làng hoa”, và tiếng hát chèo, cải lương trong chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền” của Đài TNVN.

Khi tôi 6 tuổi thì phải về nhà để chuẩn bị đi học lớp vỡ lòng. Bố tôi lúc ấy cũng không vào Nam nhiều như trước nữa. Khi đó, nhà tôi ở chung với bà nội. Bà nội cũng là người thích nghe Đài TNVN, nhất là chương trình thời sự - mà bây giờ là VOV1 - và chèo cổ, cải lương. Chiếc đài của bà nội nhỏ xinh lắm, là chiếc đài Transitos của Tiệp Khắc được bọc trong một cái bao da to vừa đủ cái đài, có dây đeo hẳn hoi.

Đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, biết tôi thích nghe đài, bố đã mua cho tôi một cái đài cát-sét to, mà giá của chiếc đài khi đấy không hề rẻ. Năm 1991, thấy tôi đam mê đồ điện tử loa đài, hơn nữa, nhà tôi khi đó cũng có một gian hàng trong chợ Đồng Xuân chuyên bán đài cát-sét. Mà nhập hàng về bán thì thế nào cũng có một số cái hỏng hóc vặt, thế là bố tôi đăng ký cho tôi học lớp nghề sửa chữa điện tử của Trung tâm dạy nghề Hoàn Kiếm, hiện giờ Trung tâm này ở 74 phố Quán Sứ. Gần một năm sau, tôi học xong nghề và được thầy giữ lại làm trợ giáo cho thầy để đào tạo các học viên mới.

Tuổi trẻ biết tí nghề trong tay, phụ giúp được bố chuyện sửa chữa mỗi khi có đài hỏng, tôi rất vui.

Vào năm 1991 - 1992, chiếc đài Melodia của ông ngoại cũng không còn bởi sau khi 3 mẹ con tôi về nhà nội thì ông ngoại đã bán nó đi. Ông chuyển sang nghe đài truyền thanh. Thấy ông cứ lọ mọ tìm cách bắt sóng mà đài vẫn tậm tà tậm tịt, tôi đã lắp cho ông một cái đài. Xuống chợ Trời mua linh kiện, một mình tính toán từ phần khoan lỗ lắp bảng mạch, đi dây làm sao để không bị chồng chéo, chỉ sau 5 hôm, tôi đã lắp hoàn chỉnh một chiếc đài, được ông khen là bắt sóng Đài TNVN rõ nét.

Hôm tôi mang đài lên cho ông, ông đã chuẩn bị sẵn một cái vỏ đài bằng gỗ do ông tự đóng, việc còn lại của tôi là bắt vít bảng mạch của chiếc đài một cách gọn nhất, đẹp nhất... Từ lúc có chiếc đài do thằng cháu ngoại tự tay lắp cho, ông vui lắm. Ai đến cũng khoe.

Thế là chú ấy nhờ tôi lắp cho một chiếc. Hình ảnh khiến tôi nhớ mãi là lúc tôi mang đài lên cho chú ấy. Khi tôi cắm điện thì tiếng người dẫn chương trình trên đài như phá vỡ sự yên ắng, sưởi ấm không gian lạnh giá (lúc này đang là tháng mười một âm). Nhìn gương mặt cô chú đó hớn hở, tươi cười, tôi cũng vui lây… Một cảm giác ấm cúng tràn ngập trong tôi.

Đài TNVN - nơi gửi gắm niềm tin

Cả bầu trời tuổi thơ, tuổi trẻ của tôi đã gắn bó với những chiếc radio. Và đến giờ, nghe Đài vẫn là một niềm vui, một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Tôi cảm nhận được trọn vẹn những thông tin, thông điệp mà Đài truyền tải tới người nghe.

Cách đây chừng 7 - 8 năm, tôi đã tìm mua 2 chiếc đài cũ của Nhật về chuyên để nghe Đài TNVN. Con trai tôi thấy bố thích nghe đài như thế cũng dần thành thói quen, cứ về đến nhà là cháu lại hỏi bố có nghe đài không, con bật cho. Và con trở thành người bạn nghe đài cùng tôi, là một thính giả nhí của Đài.

 

Mỗi Tết đến, trong khi nhà nhà người người xem những chương trình hấp dẫn cuối năm trên ti vi bắt đầu từ trưa 30 Tết, thì tôi vẫn bật radio để nghe những thông tin của Đài TNVN. Thời gian trên xe, tôi luôn bật kênh VOV Giao thông để nghe và tương tác về những vấn đề giao thông gặp trên đường di chuyển.

Các chương trình nhà Đài bây giờ đa dạng hơn trước kia rất nhiều. Các trang web của Đài cũng rất phong phú, có các audio để nghe, có bài, ảnh, giúp người nghe dễ dàng lựa chọn.

 Tôi nghe gần như tất cả chương trình của Đài, rất ít khi bỏ lỡ. Cho đến nay, tôi vẫn giữ thói quen nghe “Câu chuyện cảnh giác” vào tối thứ 7 hằng tuần, “Chuyện kể ở đại đội” của nghệ sĩ ưu tú Phạm Đông trong chương trình Quân đội nhân dân. Rồi các chương trình chuyên về giao thông như “Hành trình cùng bạn”… Đặc biệt, tôi không thể bỏ qua tin tức thời sự chính được phát lúc 12 giờ và 18 giờ hằng ngày, bởi bây giờ giữa thời buổi các phương tiện truyền thông xã hội phát triển, khối lượng thông tin như dòng thác lũ vô cùng lớn thì các tin xuyên tạc sai sự thật mà chúng ta hay gọi là tin fake, tin không được kiểm chứng đang tràn lan. Bởi vậy, tôi tin tưởng nhất vẫn là các thông tin trên các kênh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam - nguồn thông tin đáng tin cậy nhất./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận