Cô Bích Ba

Sau nhiều năm cô nghỉ hưu, thính giả quen thuộc của chương trình 'Tiếng thơ'vẫn nhớ đến chất giọng giàu cảm xúc, nhắc tên 'Chị Bích Ba', 'Biên tập viên Bích Ba'

Cô Bích Ba là cách tôi gọi biên tập viên Bích Ba, từ khi tôi mới chân ướt chân ráo về Ban Văn học Nghệ thuật - Đài Tiếng nói Việt Nam, và cho đến tận bây giờ, khi cô đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng chỉ cần nghe qua điện thoại một từ “a lô” là tôi đã nhận ra ngay: Cô Bích Ba.

Trước khi chuyển công tác về Ban Văn học Nghệ thuật, cô giáo Bích Ba dạy học ở trường THCS Trưng Vương - ngôi trường danh giá giữa trung tâm Thủ đô. Là giáo viên giỏi cấp thành phố, được đồng nghiệp trọng nể, phụ huynh tin tưởng và đặc biệt là các em học sinh yêu quý, chờ đợi những giờ giảng văn hấp dẫn của cô. Công việc là thế. Còn với tổ ấm nhỏ, cô có một người chồng giỏi giang, hai cậu con trai xinh xắn ngoan ngoãn. Những bài thơ về phụ nữ, về tình yêu và gia đình của cây bút trẻ Trịnh Bích Ba được nhiều người đọc cảm mến. Mọi thứ thật hài hòa, dễ chịu.

Vậy nhưng, sau gần 16 năm dạy học, cô vẫn quyết định rời xa trang giáo án, xa những giờ giảng văn, xa ánh mắt học trò. Đó là một quyết định không dễ dàng. Nhưng trong cô có một niềm khao khát ngày một lớn hơn, chực chờ bung phá - khao khát được toàn tâm toàn ý theo đuổi đam mê văn học, khao khát được sống và làm việc trong bầu không khí văn chương.

Cô Bích Ba để lại nhiều lắm những gì đã gây dựng, nỗ lực, cống hiến trong nghề giáo để bắt đầu một hành trình mới, với một công việc không được đào tạo cơ bản: Nghề báo phát thanh.

Buổi đầu chuyển công tác về Đài TNVN, đó là năm 1989. Ban Văn học Nghệ thuật với nhiều tên tuổi đã thành danh: nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, nhà thơ Trần Nhật Lam, nhà thơ Nguyễn Đình Cánh, nhà thơ Trúc Thông, nhà thơ Trần Nguyên Vấn, nhà thơ Trần Mạnh Thường… Không tránh khỏi cảm giác thấy mình bé nhỏ, lạ lẫm; nhưng với vốn kiến văn rộng của một nhà giáo, với bản lĩnh văn hóa của một phụ nữ Hà thành sinh trưởng trong gia đình nhà Nho cùng niềm say mê công việc, khả năng tự học tự rèn luyện, cô đã từng bước lấp đầy những khoảng trống, và cái tên Bích Ba, giọng nói Bích Ba tự lúc nào đã trở nên quen thuộc với thính giả các chương trình Văn nghệ của Đài.

Năm 2000, cô Bích Ba đảm đương vị trí trưởng phòng Văn nghệ thay nhà thơ Trúc Thông nghỉ hưu. Cô cũng “tiếp quản” “Tiếng thơ” - một chương trình có tính truyền thống, là thương hiệu lớn của Ban Văn học Nghệ thuật, vốn đã được nhiều thế hệ biên tập viên dày công tạo dựng. Khi trực tiếp phụ trách, cô đem đến cho chương trình một hơi thở mới, trẻ trung hơn, gần gũi hơn, song vẫn giữ được chất hàn lâm và sang trọng vốn có.

Trước khi chính thức đảm nhận “Tiếng thơ”, cô Bích Ba đã trực tiếp đi thu thanh các bài thơ để làm chất liệu dàn dựng chương trình. Đời sống thơ, những tâm tư tác giả, nhu cầu của thính giả,… cô đều thấu hiểu, nắm bắt, từ đó mở ra các chuyên mục mới, chọn lọc những tác phẩm phù hợp với tiêu chí về chất lượng và thẩm mỹ của chương trình Tiếng thơ. Chọn được thơ rồi, lại tổ chức buổi thu thanh, mời nghệ sĩ đệm đàn, giọng đọc giọng ngâm… Công việc tưởng nhẹ nhàng, mà tỷ mỉ, chi tiết, đòi hỏi kinh nghiệm và sự hiểu biết về thơ ca, về âm thanh, âm nhạc dân tộc, cùng rất nhiều yếu tố khác. Vậy nhưng, hầu như tuần nào cô cũng tổ chức buổi thu thơ, để cuối tuần có chất liệu mới phục vụ thính giả.

Nếu tính từ thời điểm đi thu thơ, đến những năm làm “Tiếng thơ”, và sau này có thêm chương trình “Thơ và Cuộc sống”, cô Bích Ba đã lặng lẽ, chắt chiu, cần mẫn như con ong làm mật xây tổ, góp phần không nhỏ xây dựng kho tư liệu “Tiếng thơ” giàu có và phong phú như hiện nay. Đó là thời điểm mà “Tiếng thơ” được bổ sung chất liệu dồi dào nhất, cả về số lượng bài, số lượng tác giả, và phong cách, giọng điệu, thể loại, chủ đề thơ…

 

Một vài chi tiết như vậy chưa thể nói hết được những đóng góp của cô Bích Ba đối với làn sóng Văn nghệ của Đài TNVN. Khoảng năm 2006, khi chương trình “Thơ và Cuộc sống” ra mắt với format là đối thoại giữa biên tập viên và khách mời, cô Bích Ba lại đảm nhận những số đầu tiên. Vừa xong “Tiếng thơ” đã lại quay ra chuẩn bị kịch bản cho “Thơ và Cuộc sống”. Rồi còn bao nhiêu việc của quản lý phòng. Talk thu xong rồi phải biên tập lại âm thanh và dàn dựng trực tiếp trên máy tính bằng phần mềm Dalet. Thời điểm ấy cô sắp về hưu. Và các đồng nghiệp cũng sắp về hưu như cô thì đã “nói không” với việc cắt trích dàn dựng trên hệ thống Dalet từ trước đó. Tôi vẫn nhớ dáng ngồi của cô, nhẫn nại, bé nhỏ, đôi khi không giấu được sự mệt mỏi, song luôn đầy cẩn trọng trước dòng tín hiệu âm thanh. Khi một chương trình được phát đi, đó là tiếng nói của Đài phát thanh Quốc gia; đó là công sức của biên tập viên, phóng viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên, cộng tác viên. “Tiếng nói Việt Nam” là một cụm từ mà bất cứ ai làm việc ở Đài cũng phải tự nhận thức một cách sâu sắc, thường xuyên nhìn lại chính mình, tự nhắc nhở mình, tự nâng cao trình độ và kiến thức mỗi ngày để phục vụ thính giả - những người đã lắng nghe, đã tin tưởng vào “Tiếng nói Việt Nam”.

***

Gần 16 năm dạy học, gần 20 năm làm biên tập viên Văn nghệ, buổi chia tay đồng nghiệp về nghỉ hưu hơn chục năm trước, cô Bích Ba cười thật tươi và nhẹ nhõm. Giờ đây, cô có thể toàn tâm toàn ý dành thời gian cho tổ ấm bé nhỏ của mình, nấu cho chồng con và các cháu nội những bữa ăn ngon, hạnh phúc ngắm nhìn họ - tình yêu của cả đời cô. Dù làm công việc gì, ở góc độ một nhà giáo, một nhà báo, một người vợ, một người mẹ, hay một người em, một người chị, người đồng nghiệp,… thì sự dịu dàng và chu đáo luôn là phẩm tính đầu tiên nơi cô. Chu đáo với người khác một cách vô tư, ân cần, chẳng hề vụ lợi. Sau tất cả những vất vả của đời người, sau những duyên lành đã gieo, cô được nhận về niềm thanh thản, dịu êm như những câu thơ cô viết thuở nào:

Bao nhiêu người mẹ ru con
Bao nhiêu người mẹ cúi hôn tóc mềm
Bao nhiêu người mẹ trong đêm
Áp môi lên cổ tay mềm của con
Nghe trong sâu thẳm linh hồn
Tiêu tan mệt mỏi đau buồn dịu êm
Mẹ ru con mẹ ru con
Không ngoài những tiếng yêu thương trên đời
Mẹ không tìm được một lời
Chưa người nào hát chưa người nào ru
Nhưng trong giấc ngủ bé thơ
Trái tim con sẽ nghe ra một lời.
Riêng lòng mẹ của con thôi
Cho riêng con mẹ một lời mẹ ru.

(Hát ru)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận