Trương Nam Hương: Người thơ nặng chữ 'Tình'

Trương Nam Hương là cộng tác viên lặng lẽ của Ban Văn học Nghệ thuật - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV6) nhiều năm qua.

 

Lặng lẽ, bởi anh luôn thể hiện sự quan tâm từ xa. Nhưng nếu “ới” anh việc gì, anh cũng sẵn lòng, với một niềm hồ hởi, chân tình hiếm có.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều bài thơ của Trương Nam Hương đã được thu thanh và phát sóng trong chương trình “Tiếng thơ” của Đài TNVN. Khi đó anh đang là gương mặt thơ trẻ nổi bật. 28 tuổi được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ đầu tay “Khúc hát người xa xứ” - một giải thưởng danh giá của nền văn học nước nhà những năm tháng ấy. Cũng ở thời điểm kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, anh là hội viên trẻ tuổi nhất nhưng đã định hình một giọng thơ riêng, da diết, tài hoa, dễ chạm vào các tầng bậc cảm xúc. Tới nay, những giải thưởng anh nhận được, đặc biệt là những danh hiệu như: “Nhà thơ được yêu thích nhất” do báo Người lao động bình chọn năm 1992, “Gương mặt văn học 20 năm thành phố Hồ Chí Minh 1975 - 1995”, “Gương mặt văn học 30 năm thành phố Hồ Chí Minh 1975 - 2005”, chứng tỏ thơ anh không chỉ thuyết phục bạn viết mà còn đến được với người yêu thơ rộng rãi.

Nhà thơ Trương Nam Hương sinh năm 1963, tuổi Quý Mão, nhằm mệnh Kim, một trong những gương mặt thơ hiện đại được nhiều bạn đọc yêu mến.

Sớm thành công thành danh, nhưng ở Trương Nam Hương luôn là sự khiêm nhường và nhã nhặn. Đặc biệt nhiệt tình. Trong mối quan hệ của anh với các biên tập viên văn nghệ của Đài TNVN, anh luôn đặt chữ “Tình” làm trọng, lấy chữ “Tình” để cư xử. Anh có thể dậy từ 3h sáng, để 4h sáng có mặt ở sân ga Sài Gòn đón hai phóng viên trẻ của Ban Văn nghệ vào công tác, đưa về tận khách sạn mà anh đã đặt thuê phòng từ trước, rồi những ngày sau lại lo kết nối cộng tác viên, lo tìm chỗ ăn uống, dẫn họ đi thăm thú Sài Gòn, khi họ về lại chuẩn bị quà chu đáo cho người ở nhà, dẫu trước đó anh chưa từng biết mặt họ, mà chỉ nhận một cuộc điện thoại từ Hà Nội gọi vào. Đó là chuyện của hơn 20 năm về trước, khi việc đi lại giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chưa dễ dàng như bây giờ, và chưa có khái niệm tìm kiếm thông tin trên internet. Một ví dụ trong nhiều ví dụ cho thấy tấm tình của anh luôn trọn vẹn và chu đáo - chu đáo đến vô tư, khiến người nhận không khỏi rưng rưng khi ở giữa Sài Gòn lạ lẫm. Rồi cứ mỗi khi in tập thơ mới, anh lại sắm một cây bút riêng, nắn nót viết lời đề tặng, cẩn thận gửi chuyển phát nhanh ra Hà Nội, tới địa chỉ Ban Văn học Nghệ thuật. Song không bao giờ anh hỏi, rằng thơ anh có phát sóng không, “Tiếng thơ” có bài giới thiệu không, anh có nhuận bút không...

Trương Nam Hương gốc Huế, cha tập kết ra Bắc, mẹ là con gái Bắc Ninh. Anh sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. 12 tuổi theo gia đình vào thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ mất sớm. Ám ảnh mồ côi, ám ảnh tha hương cứ đi suốt theo anh, đặc biệt mạnh mẽ và da diết trong những năm tháng tuổi đôi mươi. Trải nghiệm ấy giúp anh có được nhiều bài thơ, nhiều câu thơ hay:

Trong cha có một câu hò

Trong câu hò có con đò sông Hương

 Trong sông Hương có nỗi buồn

 Trong thăm thẳm có vô thường thi ca...

Tôi chưa có dịp nào hỏi anh, rằng vì sao cha mẹ anh lại đặt tên anh như vậy. Nam Hương có phải là phía nam sông Hương, như sự gợi nhắc về nơi chôn nhau cắt rốn? Trong giới cầm bút,Trương Nam Hương không trùng bút danh với ai. Từ họ, đệm, và tên đều là vần bằng - nhẹ nhõm, tĩnh tại, ngát xanh như dòng Hương mở ra bao la nhớ. Tên vận vào người. Tên vận vào thơ. Vậy nên thơ anh gợi nhiều ám ảnh, u hoài nhưng vô cùng trong sáng. Những nỗi nhớ kết tinh, lắng lọc, day dứt. Điều ấy có thể nhận ra ngay từ nhan đề: “Khúc hát người xa xứ”, “Ngoảnh lại tháng năm”, “Viết tặng những mùa xưa”…

Nhà thơ Trương Nam Hương trong một lần ra Hà Nội chụp cùng tác giả bài viết và bạn bè văn nghệ.

Gắn bó với Sài Gòn từ thuở thiếu niên, thành công và thanh danh cũng ở đây, yêu vẻ đẹp hiện đại của Sài Gòn nhưng hồn thơ anh thuộc về xứ Huế, thuộc về Kinh Bắc và đặc biệt là thuộc về Hà Nội. Dù không sống ở quê cha, anh vẫn nhận ra giọng chàng trai xứ Huế chỉ qua câu nói đầu tiên. Thương miền quan họ, bởi mối dây ràng buộc thiêng liêng từ mẹ. Và Hà Nội - Hà Nội có cả mẹ cả cha, cả một bầu trời tuổi nhỏ. Trong thơ và trong đời, Trương Nam Hương thường thực hiện nhiều chuyến trở về Hà Nội, nơi ắp đầy mùi hương, âm thanh và dáng vẻ vốn đã nằm sâu trong tâm trí đứa trẻ lên mười: làn gió heo may, hương hoa sữa, quả bàng chín, trái sấu rơi, tiếng tàu điện leng keng… Những hình ảnh bình dị đời thường đi vào thơ anh mang vẻ đẹp riêng, trong trẻo, bởi anh đã viết bằng trực giác, bằng cái tình nồng nã cùng nỗi nhớ ngậm ngùi, trong nỗi nhớ có không ít nỗi thương mình, thương và nhớ mẹ. Anh thích cái mênh mang sâu thẳm của Hồ Tây nhưng cảm thấy ấm áp hơn với không gian Hồ Gươm xinh nhỏ. Nhìn làn sóng nước Hồ Gươm là nhớ đến làn tóc mẹ. Bên mênh mang sông Hồng lại chạnh lòng thân phận mồ côi:

Con xa mẹ xa quê biền biệt thế

Hỡi hoa xoan ký ức tuổi lên mười

Chỉ sông Hồng thương mẹ hát đơn côi

Phù sa đỏ như miếng trầu mẹ quệt

Ăn hạt gạo mãi giờ con mới biết

Có sông và đời mẹ ở bên trong

                                (Với sông Hồng)

Trương Nam Hương mang nhiều nỗi buồn. Nỗi buồn có lý do và cả những nỗi buồn không có lý do, thuộc về bản chất, tạng người, như thể vu vơ không dễ gì nắm bắt, dễ trở thành lạc lõng giữa đám đông. Lần gặp gần đây nhất, anh khoe đã bỏ thuốc lá thành công. Nước da có phần sạm hơn do tuổi tác, nhưng nụ cười anh thêm tươi tắn an nhiên. Anh như vội vàng hơn, muốn nâng niu, muốn níu giữ, muốn đầm mình sâu hơn vào cái lạnh mùa đông Hà Nội. Nhớ Bắc, anh vẫn giữ giọng Bắc, thích ăn cơm Bắc, và vẫn uống cà phê theo phong cách Hà Nội ở giữa Sài Gòn. Song bây giờ nếu trở về sống ở Hà Nội chắc chắn anh không lựa chọn. Bởi Hà Nội trong anh đã thuộc về tâm thức. Hãy cứ để miền ký ức ấy sáng mãi trong lồng ngực, thi thoảng được đập rộn lên hay se thắt. Hà Nội hôm nay đã khác. Nếu chạm vào, sợ rằng miền ký ức ấy sẽ tan vỡ, những ảnh hình không còn tồn tại, và anh dễ gì làm lại được từ những trống vắng? Yêu thương không phải là chiếm hữu. Chính là xa Huế, xa Kinh Bắc, xa Hà Nội, chính là những khắc khoải về thân phận tha hương, cái đa tình đa đoan, nét cứng cỏi đứng ngoài vòng danh lợi, Trương Nam Hương mới có được những vần thơ làm day dứt lòng người:

Tạ ơn Hà Nội trọn đời

Nuôi tôi thương khó. Tôi thời trong veo...

                                 (Hà Nội một thời)

(03/01/2021)              

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận