Phóng sự thực hiện vào tháng 5/2021 - thời điểm mà hàng chục nghìn người dân trong huyện Tủa Chùa (Điện Biên) phải đối mặt với cơn khát, Phóng viên Hoàng Ân đã chia sẻ về tác phẩm của mình.
Tôi không bỏ sót nhân vật và tiếng động cần thiết
Trong phóng sự “Nước ơi”, tôi rất ấn tượng với âm thanh phong phú trong tác phẩm, từ tiếng trẻ đọc bài, tiếng trò chuyện của nhân vật đến tiếng mưa, tiếng nước, tiếng bước chân đi gùi nước, tiếng xe... Chắc hẳn anh đã rất kỳ công trong việc thu âm những âm thanh ấy?
Vâng, tôi và nhóm tư vấn (nhà báo Lê Hằng - Phó trưởng Ban Thời sự và nhà báo Trần Bá Duy - Ban Văn hóa xã hội) xác định trước chuyến đi công tác rằng: Phải thu càng nhiều âm thanh hiện trường càng tốt. Tôi chuẩn bị sẵn 4 vỉ pin, đủ thu hàng chục tiếng đồng hồ.
Trước khi đặt chân đến Điện Biên, tôi cố gắng mường tượng ra những nhân vật mà mình sẽ gặp, những bối cảnh mình sẽ đến và lập ra một kịch bản sơ bộ. Chính vì thế, tôi gần như không bỏ sót nhân vật cũng như các tiếng động cần thiết để làm nền trong tác phẩm của mình. Máy ghi âm của tôi gần như bật liên tục suốt thời gian ở Lao Xả Phình. Tôi rất biết ơn chính quyền, các thầy cô ở đây đã tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành tác phẩm này. Tôi có thể được gặp bất cứ ai mà tôi lựa chọn, thậm chí còn được chủ tịch xã cho mượn xe máy để đi lại, tiện cho việc phỏng vấn và ghi âm.
Người dân miền núi, nhất là các em nhỏ thường khá rụt rè khi giao tiếp với người lạ, nhất là lại trả lời phỏng vấn. Anh đã làm gì để họ chia sẻ cởi mởi như vậy?
Tôi thấy chuyến đi của mình thật may mắn. Cán bộ chính quyền, thầy cô và phụ huynh của các em nói được tiếng phổ thông nên mọi người đều cởi mở. Chủ tịch xã Lao Xả Phình nói tiếng Kinh rất dễ nghe và biểu đạt chính xác. Anh là người giúp tôi rất nhiều khi phỏng vấn đồng bào nơi đây.
Còn với các em học sinh, nhất là nhân vật chính trong tác phẩm, 2 chị em Ly Thị Sênh và Ly Thị Việt thì mọi việc không đơn giản. Tôi đã được gặp và trò chuyện với 2 chị em vào buổi sáng, đến trưa thì mưa to nên phải đến buổi chiều mới bắt đầu ghi âm. Cuộc trò chuyện bắt đầu bằng những câu chuyện về cuộc sống, việc học tập, sở thích của các em. Tôi quan sát thấy học sinh cấp II ở Lao Xả Phình đa phần đều có điện thoại thông minh. Đám trẻ thường tụm năm tụm ba để xem điện thoại. Thế nên, một vài chuyện vui về việc dùng điện thoại khiến các em dễ gần hơn. Cả Sênh và Việt đều khá dè dặt, trả lời ngắn gọn nên tôi cố gắng hỏi nhiều nhất có thể để sau này làm hậu kỳ sẽ dễ dàng biên tập hơn.
Nghe phát thanh mà thấy bao nhiêu hình ảnh hiện ra trước mắt. Cuộc sống của các em nhỏ nói riêng và người dân miền núi nói chung hiện ra thật chân thật. Tác phẩm có nhiều chi tiết, hình ảnh đắt giá. Chắc rằng khi lựa chọn chi tiết, hình ảnh, anh đã cân nhắc rất kỹ?
Suốt quá trình chuẩn bị và hoàn thiện "Nước ơi!", tôi đã đọc lại những tư liệu về tình cảnh thiếu nước của trẻ em ở Tủa Chùa trên internet. Tôi xem cả clip trên youtube… và tưởng tượng. Chính khả năng tưởng tượng đó giúp tôi liệt kê ra được những chi tiết chính mà mình định đưa vào tác phẩm. Đáng nói là khi lên đến Tủa Chùa, mọi thứ khác xa với sự chuẩn bị từ Hà Nội. Lúc đầu tôi hơi lo lắng. Nhưng sau đó tôi bình tĩnh lại và sắp xếp, điều chỉnh kịch bản của mình. Tôi quan sát và ghi chép rất nhiều trong một cuốn sổ nhỏ, thậm chí thu âm cả lời nói của mình để không quên mọi thứ. Về Hà Nội, tôi viết lại và chỉnh sửa kịch bản hơn 10 lần, dựa trên góp ý của nhóm tư vấn. Cứ mỗi lần sửa, tôi lại bổ sung thêm những chi tiết vào "Nước ơi!".
Giải quyết cơn khát ở vùng cao là vấn đề cấp bách
Tình trạng thiếu nước xảy ra ở khá nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Vì sao anh lựa chọn ở xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên?
Tôi chọn Điện Biên vì 4 lý do. Thứ nhất là tôi chưa từng đặt chân đến đây. Thứ hai là việc di chuyển lên Điện Biên sẽ khá thuận lợi, vì có thể đi bằng máy bay, tôi sẽ chủ động được công việc và tiết kiệm thời gian. Thứ ba là nếu chọn các địa phương ở ĐBSCL, nơi bị xâm nhập mặn và khô hạn mọi việc khó khăn hơn rất nhiều. Cuối cùng, Đài TNVN có cơ quan thường trú khu vực Tây Bắc và có phóng viên bám điạ bàn Điện Biên. Tôi có thể nhờ các đồng nghiệp của mình tại đây trợ giúp nếu gặp khó khăn.
Khi lên đến Điện Biên, tôi được các cán bộ của Sở NN&PTNT tỉnh giới thiệu, Lao Xả Phình là một trong những xã khó khăn nhất về nguồn nước. Tôi luôn tin rằng, chỗ nào khó khăn nhất thì dễ tìm được những câu chuyện hay. Thế nên, tôi quyết định chọn Lao Xả Phình.
Phóng sự nói về tình trạng thiếu nước ở xã Lao Xả Phình nhưng nội dung không bó hẹp ở phạm vi của một xã Lao Xả Phình mà còn là tình trạng của không ít nơi trên cả nước và thế giới. Anh có cho rằng tác phẩm của mình được đánh giá cao vì đề cập đến vấn đề mang tính toàn cầu?
Tôi không biết Ban Giám khảo đánh giá thế nào nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, khát nước là vấn đề nghiêm trọng. Những người ở thành phố hoặc các tỉnh đồng bằng sẽ khó cảm nhận được điều này. Chỉ khi nào bạn thực sự khát và bị khát kéo dài, lúc đó bạn mới thấm thía. Bạn có thể làm nhiều cách để hết đói nhưng không có nhiều cách để cho mình hết khát. Vì thế, giải quyết cơn khát của những đứa trẻ ở vùng cao thực sự là một vấn đề cấp bách.
Mở đầu tác phẩm là tiếng mưa rơi, khép lại tác phẩm cũng là tiếng mưa rơi. Điều này chắc hẳn có dụng ý?
Vâng. Cơn mưa là điều mà tôi nhớ mãi sau khi hoàn thành chuyến công tác trở về Hà Nội. Thú thật, lúc đầu khi làm kịch bản sơ bộ, tôi không hề nghĩ đến nó. Nhưng qua những gì tôi được nghe các nhân vật của mình chia sẻ, tôi mới thấy mưa quan trọng với người dân ở Lao Xả Phình như thế nào.
Có rất nhiều thứ liên quan đến mưa ở chốn này. Ví dụ chuyện canh tác lúa. Vào mùa, nửa đêm có mưa thì cả gia đình Ly Thị Sênh phải đi ra ruộng để bừa. Mưa mà ngớt giữa chừng thì cả nhà lại về. Nếu có mưa tiếp, cả nhà lại phải rồng rắn kéo nhau ra ruộng. Sênh thì cầm đèn pin còn bố mẹ thì mang theo dụng cụ làm nông. Tập quán canh tác đó kéo dài từ rất rất lâu rồi.
Nếu có mưa, nước ở đầu nguồn sẽ dồi dào, người dân xếp hàng chờ lấy nước đỡ bị lâu hơn. Các cô giáo mầm non sẽ có nước để mang về nấu bữa cho đám trẻ mầm non và có thêm nước để giặt giũ cũng như tiện cho việc vệ sinh cá nhân. Ỏ trên này, các nữ giáo viên ở trường cấp II chỉ có 3 ca nước vệ sinh mỗi ngày. Tắm gội hay làm gì đi nữa cũng chỉ có 3 ca nước! Không hơn!
Và có mưa, Sênh và Việt cũng đỡ phải đi lấy nước xa. Chính vì thế, tôi đã chọn cách mở đầu và kết thúc phẩm của mình bằng tiếng mưa.
Cái kết của phóng sự có sức gợi rất lớn: “Vì thế, những đứa trẻ ở Tùa Chùa và cha mẹ, thầy cô của chúng lại phải phụ thuộc vào nước trời. Mà nước trời thì có mấy khi tuôn rơi theo ý người”. Dù chuyên gia đã đưa ra giải pháp nhưng vấn đề thiếu nước nơi đây vẫn chưa có lời giải?
Đúng là cho đến nay, việc khắc phục thiếu nước ở Tủa Chùa vẫn nan giải. Có nhiều lý do, cả chủ quan và khách quan. Chính quyền tỉnh Điện Biên và huyện Tủa Chùa đã quan tâm và đầu tư cho cung cấp nước sạch từ lâu. Nhưng vì Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo và địa hình chia cắt, dân cư phân bổ thưa thớt nên mọi thứ vẫn không thấm vào đâu.
Dẫu biết nắng mưa là chuyện của trời. Thế nhưng, người dân ở đây vẫn phải trông chờ vào tự nhiên để có thể tự đảm bảo cuộc sống của mình ở mức tối thiểu! Tức là… có đủ nước sinh hoạt. Ngày tôi đến Lao Xả Phình có một cơn mưa rất to. Mà mưa xong thì lại nắng gắt ngay được. Thế nên, tôi mong sẽ có thêm nhiều cơn mưa khác đến với người dân nơi đây trong khi họ vẫn mòn mỏi chờ những giải pháp đồng bộ để giải cơn khát dai dẳng vắt qua nhiều thế hệ.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Thanh Vân thực hiện!