'Đừng từ bỏ': Khơi dậy tư duy sống tích cực

Theo nhà báo Thanh Phượng, thông qua tác phẩm "Đừng từng bỏ" chị muốn khơi dậy tư duy sống tích cực, sức mạnh bên trong của những người trầm cảm

 

Mặc dù đã có nhiều tác phẩm đề cập đến căn bệnh trầm cảm nhưng với cách tiếp cận mới, cách làm mới, tác phẩm "Đừng từ bỏ" (tên tiếng Anh là "Never give in") của tác giả Kiều Thanh Phượng Ban Văn hóa- Xã hội Đài TNVN (VOV2) đã giành Giải đặc biệt của Ban Giám khảo - hạng mục “Giải quan điểm chủ đề” (Perspective Award) giải thưởng của ABU.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần Quốc gia, Việt Nam có khoảng 8 triệu người mắc căn bệnh trầm cảm, chiếm khoảng 10% dân số. Mỗi năm, Việt Nam còn ghi nhận khoảng 30 nghìn người tự tử vì trầm cảm. Khi tôi đọc tin này trên báo chí, những con số chỉ lướt qua trong đầu tôi. Thế nhưng khi nghe tác phẩm “Đừng từ bỏ” của chị, tôi đã bị ám ảnh về những gì người bệnh  phải trải qua và cả những cái kết đau thương. Chị có cho rằng đó là thành công của tác phẩm phát thanh “Đừng từ bỏ”?

Rất cảm ơn chị đã đồng cảm và đó cũng là những gì mà tôi và cả nhân vật trong tác phẩm của tôi mong muốn. Rằng, có ai đó khi nghe câu chuyện này sẽ biết người mắc bệnh trầm cảm đang phải trải qua những gì. Nó đau hơn tất cả những nỗi đau thực thể khác. Nó bế tắc hơn sự bế tắc của người mắc bệnh nan y giai đoạn cuối. Nó cô đơn hơn bất kỳ một sự giam hãm tâm hồn nào… Và tất cả những điều này không phải là tôi mà là các nhân vật trong “Đừng từ bỏ” lên tiếng. Những vết “cào xé” khi được cất lên từ chính người trong cuộc khiến bất cứ ai trong chúng ta cũng phải chững lại và nghĩ suy.

Có những câu nói mà tôi không thể nào quên: “Em thường xuyên lấy dao lam để tự rạch tay, chân của mình vì khi đó nỗi đau thể xác sẽ giúp em quên đi cơn đau trầm cảm”, “Con gái tôi ước nó bị ung thư để khỏi phải chịu đựng những cơn trầm cảm hành hạ”, “Trầm cảm là con quái vật”, “Trầm cảm như một nhà tù giam hãm tâm hồn của em”… Thật khó để bình tĩnh trước những lời thảng thốt như vậy. Có những chi tiết trong “Đừng từ bỏ” ám ảnh, ám ảnh về nỗi đau, ám ảnh về cả cái chết, nhưng tôi nghĩ rằng, đó là những gì mà chúng ta cần phải đối diện và nhận thức.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì mà tôi mong muốn thông qua tác phẩm. “Đừng từ bỏ”, bản thân tên tác phẩm đã hàm chứa thông điệp của toàn bộ chương trình. Đó là khơi dậy tư duy sống tích cực, sức mạnh bên trong của những người trầm cảm. Câu chuyện của Dương Quang Huy-nhân vật chính trong tác phẩm- tôi hy vọng có thể làm được điều đó. Bởi những gì Huy trải qua đủ đau đớn, khổ sở cho cả một đời người,… nhưng bạn ấy vẫn đang không ngừng nỗ lực bằng công việc của một shipper, bằng việc giúp đỡ những người bạn trầm cảm khác.

Tác phẩm của tôi mở đầu bằng cái chết của 3 bạn trẻ tự tử trong căn nhà 5 tầng, trong đó có vợ chưa cưới của Dương Quang Huy, nhưng cái kết lại mở ra những thanh âm yên bình trong cuộc sống của Huy và các bạn. Nếu chị và các thính giả, đặc biệt là những người trầm cảm nghe đến phút cuối cùng của tác phẩm với chung một niềm hy vọng, một niềm tin ở sự vững vàng, mạnh mẽ và thay đổi, thì tôi tin tác phẩm của tôi đã thành công.

Thay mặt Ban Tổ chức, Tổng Giám đốc Đỗ Tiến Sỹ trao giải thưởng cho nhà báo Kiều Thanh Phượng.

 Nhân vật của chị là những người bị trầm cảm, họ thường sống khép kín, không muốn tiếp xúc với người lạ chứ chưa nói là chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi khá ngạc nhiên khi họ, nhất là nhân vật chính tên Huy, lại chia sẻ với chị cởi mở như vậy, chia sẻ cả những điều sâu kín?

Tôi thấy mình may mắn khi gặp được Huy, một sự hữu duyên chăng. Và tôi nghĩ rằng điều duy nhất khiến bạn ấy không từ chối lời đề nghị nào của tôi, đó là chúng tôi đều muốn làm một điều gì đó để mọi người hiểu về căn bệnh này, để không còn những người phải tìm đến cái chết để giải thoát, để không còn những con người phải một mình chịu đựng nỗi đau dày vò mà không dám nói với ai. Tất cả những người mà tôi trò chuyện khi thực hiện chương trình này đều nói là họ giấu gia đình. Bởi họ nói ra cũng không ai hiểu, kể cả đó là bố-mẹ-vợ-con. Thậm chí khi người thân biết họ sẽ bị đổ lỗi là kẻ yếu đuối, không có ý chí, vô dụng, bất tài…

Thực ra, trước khi đặt vấn đề với Huy, tôi cũng đã tham vấn một chuyên gia tâm lý. Bà rất lo ngại, việc để Huy đối diện với những nỗi đau như thể là một vết sẹo đang liền da, liệu có thể sẽ làm chảy máu và tiếp tục đẩy Huy rơi vào trầm cảm. Và những cơn trầm cảm nó có thể nhấn chìm và lấy mất bạn ấy bất cứ lúc nào. Vì thế, tôi như một người dò đường. Đi được một đoạn lại dừng, nghe ngóng, hỏi han cảm xúc của Huy: “Liệu em có thể tiếp tục?”. Đặc biệt khi nói về người vợ chưa cưới của Huy đã mất vì trầm cảm, tôi hết sức lo lắng. Nhưng rồi khi tất cả được Huy đối mặt thì tôi tin là bạn ấy đã đủ mạnh mẽ để vượt qua được mọi thứ. Và tôi cũng hiểu điều gì giúp bạn ấy có thể trải qua các cơn trầm cảm hết lần này đến lần khác.

Âm thanh của đồng hồ lặp đi lặp lại trong tác phẩm. Chị muốn nói điều gì qua âm thanh này?

Âm thanh này bắt nguồn từ một chi tiết mà Dương Quang Huy chia sẻ là những người mắc bệnh trầm cảm thường hay mất ngủ. Đêm tối là nỗi ám ảnh với họ, là khoảnh khắc họ một mình, dằn vặt với những suy nghĩ tiêu cực, không thể thoát ra được. Thế nên, họ luôn sợ hãi với âm thanh của đêm. Vì thế, tiếng tích tắc của đồng hồ được tôi sử dụng như một thủ pháp âm thanh gợi chuyện và gợi cảm xúc về những gì triền miên, dai dẳng, không dứt…

Trước và sau khi thực hiện tác phẩm, thái độ của chị với người trầm cảm cũng như việc nhìn nhận, đánh giá căn về bệnh này có gì thay đổi hay không?

Trước khi thực hiện tác phẩm “Đừng từ bỏ” tôi cũng đã thực hiện một chương trình talk show về vấn đề này, với góc nhìn từ xã hội. Và tôi nghĩ rằng, mình sẽ còn thực hiện tiếp những chương trình, vệt bài về căn bệnh trầm cảm với nhiều góc tiếp cận khác nhau. Bởi thực sự, khi tiếp xúc với các bạn trầm cảm, tham gia vào nhóm cộng đồng trên mạng xã hội với 30.000  thành viên, hằng ngày, tôi thấy hàng chục lời kêu cứu: “Anh chị ơi cứu em, em chỉ muốn chết thôi”, “Ai cứu tôi với, tôi chỉ muốn giết con tôi, tôi bị trầm cảm sau sinh”… Tất cả những người trầm cảm đều nhận thức được điều mình đang làm, thế nhưng họ không ngăn được mình hành động. Tôi nghĩ rằng, đó là điều đau đớn nhất.

Và tôi hy vọng rằng, không chỉ bản thân tôi nhận thức mà sẽ còn nhiều nhà báo, những người sẽ đào sâu hơn nữa vấn đề này để cùng lan tỏa những năng lượng tích cực và thay đổi nhận thức cho cộng đồng và cả những nhà chức trách./.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Minh Thư thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận