Bố tôi hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1973. Sau đó ít lâu, bên Quân đội đã bàn giao những di vật của bố cho gia đình bao gồm: một chiếc ba lô đã sờn, hai bộ quân phục, một chiếc đồng hồ đeo tay, hai võng dù, một tấm tăng che mưa, một bàn cạo râu và một chiếc radio hiệu National. Kể từ đó chiếc radio này gắn bó cùng gia đình tôi. Ngày còn bé tôi vẫn thầm tự hỏi tại sao con người có thể thu nhỏ để chui vào trong chiếc radio. Hình ảnh bữa cơm tối dưới ngọn đèn dầu leo lét của bốn mẹ con cùng âm thanh của radio vẫn vẹn nguyên những khi tôi ôn lại kỷ niệm cũ.
Âm thanh quen thuộc "Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" cùng với giọng đọc của phát thanh viên là một bản nhạc hiệu đã ăn sâu vào tâm trí của thế hệ chúng tôi. Gặp khi thời tiết xấu, những âm thanh loẹt xoẹt đè lên âm thanh chính nhưng không sao, chúng tôi vẫn căng tai lên để nghe. Mỗi khi thấy sóng thu được không tốt thì tôi lại kéo dài cái ăng ten và xoay tứ phía để tìm vị trí có âm thanh tốt nhất.
Tôi không thể kể tên những chương trình mà mình đã từng nghe, nhưng có những chương trình mà tôi đặc biệt yêu thích, đó là: Kể chuyện cảnh giác vào tối thứ 7, Ca nhạc theo thư yêu cầu, Tiếng thơ, Đọc truyện đêm khuya (khoảng 10 giờ đêm), Văn nghệ quân đội vào sáng chủ nhật, Tường thuật bóng đá (vào chiều chủ nhật)...
Cứ mỗi tối thứ bảy, thì cả người lớn và trẻ con đều tập trung ở nhà tôi trong khu tập thể để nghe chương trình Kể chuyện cảnh giác. Chắc hẳn các bạn còn nhớ những năm 1979,1980 khi mà Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc thì đề tài chính của Kể chuyện cảnh giác là câu chuyện thám báo nước ngoài trà trộn vào bà con dân tộc miền núi phía Bắc để dò la tin tức và phá hoại kinh tế cũng như an ninh, quốc phòng. Cũng chính thời gian này, có những bài viết tuyên truyền, cảnh tỉnh về sự độc ác và nguy hiểm của bọn bành trướng mà đến tận bây giờ vẫn nguyên giá trị không phai mờ trong bản thân tôi.
Với chương trình Chuyện kể ở đại đội qua giọng đọc của chú Phạm Đông mọi người biết được đời sống và rèn luyện của các chiến sĩ quân đội. Giọng đọc khi thì cứng rắn của cán bộ cấp trên, khi là dịu dàng của một cô gái. Và chúng tôi gần như được sống trong chính cuộc sống của các chiến sĩ.
Chương trình tường thuật bóng đá thực sự cho chúng tôi những giây phút hứng khởi, đặc biệt là giải bóng đá SKDA là giải bóng đá quân đội của các nước XHCN ngày đó. Được nghe đến tên các cầu thủ Cao Cường, Thế Anh, Văn Khánh trên radio thường xuyên cho đến một ngày được thấy tận mắt các cầu thủ đó tại sân vận động Thị trấn Đức Thọ thì cảm giác giống như các teen bây giờ gặp gỡ các thần tượng K-pop Hàn Quốc.
Chương trình Đọc truyện đêm khuya của cô Tuyết Mai, Kim Cúc với giọng đọc ấm, truyền cảm cho chúng tôi tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học mà không có điều kiện để tự đọc.
Ngày đó, trên radio còn có cả chương trình tập hát, cũng xướng âm như la móc đơn gạch nhịp gì đó. Chúng tôi không quan tâm đến nhạc lý vì đâu có hiểu, mà chỉ cần chép lại lời các bài hát để hát nghêu ngao. Thông qua chương trình Văn nghệ, Sân khấu truyền thanh... trên radio, chúng tôi được nghe các vở kịch nói, vở cải lương và các bài hát đi cùng năm tháng. Nghe ngâm thơ vào giờ phút giao thừa, lời chúc Tết của Chủ tịch nước và cũng là lúc chuẩn bị đốt bánh pháo với một cảm giác hồi hộp thiêng liêng không thể nào quên.
Với thế hệ chúng tôi ngày đó, radio giống như Internet với lớp trẻ bây giờ là kênh thông tin, là phương tiện giải trí và nâng cao kiến thức, hiểu biết.
Radio tưởng chừng xa và cũ nhưng không phải, nó vẫn đồng hành cùng tôi rong ruổi đi về. Giờ đây các kênh radio vô cùng đa dạng và ngày càng được cải tiến. Bạn có thể nghe Thời sự, Khoa giáo, VOV Giao thông tần số 91MHz, XoneFM ở tần số 89MHz hay một số chương trình khác. Nghe radio như một phản xạ có điều kiện của một thời thơ ấu cũng như hiện tại./.