Những kỷ niệm với nhà thơ Y Phương

Cách đây 6 năm, khi được nhận vào làm việc tại VOV6, người đầu tiên mà tôi cầm mic phỏng vấn là nhà thơ Y Phương.

 

Nhân sự kiện trao giải hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam tại Bảo tàng Văn học, trưởng phòng giao cho tôi đi phỏng vấn nhà thơ Y Phương với tập tản văn “ Fừn nèn” (Củi Tết) đoạt giải của ông. Những câu hỏi chị trưởng phòng chuẩn bị cho, tôi ghi cẩn thận trên tờ giấy nhỏ. Tôi đi phỏng vấn trong tâm trạng hồi hộp và lo lắng, vì chưa bao giờ cầm mic phỏng vấn ai cả. Tôi có mặt tại Bảo tàng Văn học khá sớm, mới chỉ lác đác vài người như nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Đang chăm chú xem hình ảnh các nhà văn, nhà thơ trên các áp phích treo trang trọng trên các bức tường, tôi thấy một người đàn ông to lớn, tay chống gậy, bước đi có vẻ khó khăn, ông để râu và gương mặt hiền hậu. Tôi nhận ra đó là nhà thơ Y Phương và reo lên: “Chú có phải là nhà thơ Y Phương không ạ? Cháu thấy chú trên ti vi rồi”. Ông nheo mắt nhìn tôi, cười và hỏi: “Cháu là ai mà biết chú? À, đến đây thì chỉ phóng viên thôi, đúng không? Cháu làm ở báo nào?”. Tôi vui quá, vậy là đã gặp đúng người muốn gặp rồi, tôi trình bày với ông mong muốn được phỏng vấn. Nhà thơ Y Phương bảo: “Lại đằng kia, cho chú ngồi chú trả lời nhé! Chân chú bị đau”.Tôi nhìn ông, ái ngại và cảm thấy thương ông quá! Tôi run run cầm mic, liếc nhìn câu hỏi trong giấy và bắt đầu cuộc phỏng vấn với ông. Nhà thơ Y Phương say sưa nói về tập tản văn, đó là văn hoá, cuộc sống, tình cảm của dân tộc Tày mà ông gói trong “Fừn nèn”. Với "Fừn nèn", ông như đã "rút hết gan ruột" qua từng con chữ, đắn đo từng dấu chấm, dấu phẩy, thương quý từng nếp xưa, nét cũ của những ngày tuy còn khốn khó nhưng tình người sống với nhau vuông tròn, nơi nhìn những ngọn lửa được nhen lên và người ta có thể đoán ra được tâm ý, sự đầu tư của người thắp lên ngọn lửa ấy qua từng loại củi. Nhà thơ chia sẻ: "Người Tày chúng tôi gọi fừn nèn là củi Tết. Củi dùng để đun luộc bánh chưng, đồ xôi nếp chín cho vào cối giã làm bánh dày, vò bánh khảo, nặn thúc théc (bỏng gạo), đun quấy chè lam, chế biến đồ ăn, dọn cỗ bàn để tiếp đón khách quý gần xa bởi theo quan niệm dân gian, củi là giống cái, lửa là giống đực. Giống cái mới làm nên mùa xuân, nếu trên đời này chỉ có mỗi giống đực, sẽ chả nên trò trống gì. Có lửa mà không có củi, Tết đến nhà nào cũng vô nghĩa. Ðời lạnh lẽo nhạt nhẽo vô cùng". Cuộc trò chuyện tầm 15 phút, hình như ông vẫn đang muốn nói nhưng rồi ông bảo: “Chú nói vậy thôi, đủ ý rồi đó. Chỗ nào mà chú nói vấp, phải cắt gọn. Mới học nghề nên cháu nói còn nhỏ quá, mạnh dạn lên nhé!”. Tôi rối rít cảm ơn ông và ra về.

        Lần thứ hai, tôi gọi điện cho ông và muốn đến nhà ông để xin phỏng vấn về bài thơ “Nói với con”, bài thơ trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Thời điểm ấy tôi đã làm việc được 2 năm ở VOV6 rồi. Nhà thơ Y Phương nhắn địa chỉ, đó là khu tập thể cũ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nhà ông nhỏ xinh, gọn gàng, yên tĩnh. Khi tôi hỏi về hoàn cảnh ra đời bài thơ “Nói với con”, nhà thơ Y Phương xúc động kể: “Bài thơ này tôi muốn nói với các con tôi rằng, dù nghèo khó hay sang giàu vẫn không được quên quê hương, tổ tiên mình. Dân tộc Tày vốn rất trọng chữ tín, chữ nghĩa, không bao giờ gian dối và ăn cắp. Tôi dạy con những bài học giản dị, để các con nhớ lấy mà nên người”. Bài thơ “Nói với con” chan chứa tình cảm của người cha răn dạy con mình một cách nhẹ nhàng, kín đáo. Trên hết là thông điệp về văn hóa, về những giá trị muôn đời cần được giữ gìn, là ý nghĩa sâu sắc mà nhà thơ Y Phương gửi gắm.

Nhà thơ Y Phương và tác giả.

Cuộc trò chuyện với nhà thơ diễn ra thật ấm cúng, ông hay cười và pha trò hóm hỉnh. Tôi lại tò mò muốn biết con đường thơ ca của ông bắt đầu từ đâu, vì sao ông lại say mê thơ ca và những giá trị văn hóa dân tộc mình như thế. Nhà thơ Y Phương kể cho tôi nghe những điều hay, khác lạ của dân tộc, quê hương mình. Đó là cái lạnh độc hại vào mùa sương muối dịp Tết mà người làng gọi là rét “dên thai”, nghĩa là rét chết, vì cái rét sương muối làm chết từ con người đến trâu bò, dê ngựa. Hay những món ngon nhớ mãi, như: cháo ngựa, phúng xàng (tương tự như lạp xưởng), bánh xì cheng (giống bánh rán), thịt hun khói… Về tục kết bạn tồng (bạn cùng năm sinh, sở thích), về cái ang nước được đặt trước cửa mỗi gia đình dùng để rửa chân cho chủ và khách trước khi bước chân vào nhà; về loại cỏ giàng giàng - một thứ củi đun rất đặc hiệu, dùng để luộc bánh chưng trong ngày Tết thì không còn gì bằng... Thương quý từng nếp xưa, nét cũ, nhà thơ càng thêm day dứt, buồn lòng trước sự đổi thay của nếp sống hôm nay, khi mà người trẻ của bản làng thích mặc những bộ quần áo tân thời hơn trang phục truyền thống, thích nấu nướng qua loa hơn là những món phải đầu tư tâm sức, và không coi trọng những nét văn hóa truyền thống. Đặc biệt, ông càng trăn trở, tiếc nuối khi tiếng của dân tộc Tày, còn gọi là “slư nam” không được dạy cho các thế hệ sau này và chỉ còn tồn tại trên những trang sách xưa cũ của làng.

Trong suốt mấy tiếng trò chuyện cùng ông, tôi được nghe ông kể nhiều về làng quê Hiếu Lễ, Trùng Khánh quê ông. Ông bảo ông nhớ quê lắm, càng có tuổi càng đau đáu nhớ quê mà không về được vì sức khỏe không tốt. Ông nhớ những cái Tết vùng cao, nhớ cái rét căm căm, nhớ từng con suối, con sông, từng con đường chon von trên núi… Trong sâu thẳm con người Y Phương là tình yêu đặc biệt với dân tộc mình, với những giá trị văn hóa, tinh thần mà ông gieo vào con chữ một cách nâng niu, trân trọng.

Cuối năm 2021, dịp tháng chạp, tôi gọi điện cho ông, xin gặp ông phỏng vấn về lễ hội vùng cao, về những cái Tết của dân tộc Tày và cuốn hồi ký mà ông đang viết dở. Ông nhận lời. Tôi đến, lần này trông nhà thơ yếu hơn, ông nói mệt nhọc, hơi thơ gấp, thi thoảng lại ho, những cơn ho kéo dài. Ông bảo: “Chú vội lắm và bận lắm, chú muốn viết thật nhanh cuốn hồi ký về quê hương. Chắc ra Tết là xong. Chú nể lắm mới nhận lời cháu đó nha”. Dù rất tiếc nhưng tôi đành nói rằng: “Vậy thôi chú ạ, cháu chờ dịp khác. Ra Tết khi chú viết xong hồi ký, cháu phỏng vấn chú sau cũng được. Chú mệt, cháu không dám làm phiền chú nữa ạ!”. Ông cười hiền lành, nhìn tôi và bảo: “Thông cảm cho chú nhé! Ra Tết lại sang nhà chú chơi”.

Lời hẹn với nhà thơ Y Phương đã không thể thực hiện được nữa, khi tác giả của “Tiếng hát tháng giêng”, “Lửa hồng một góc” đã tạm biệt chúng ta để về với núi cao, về với quê hương Trùng Khánh. Mãi còn đó lời dặn dò ân cần, tha thiết của ông đối với con, với quê hương bản làng: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục/ Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ không bao giờ nhỏ bé được/ nghe con”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận