Tâm sự của nhạc sĩ tuổi hổ

LTS: Nhạc sĩ, soạn giả Dân Huyền nguyên là trưởng Phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền của Ban Âm nhạc Đài TNVN (VOV3) trong nhiều năm cho đến khi nghỉ hưu (năm 2001)

 

Từ khi nghỉ hưu ông lại bận rộn với vai trò Chủ nhiệm CLB “Đàn và hát dân ca Đài TNVN”. Bài viết của ông dưới đây như lời tự sự về “duyên nợ” với âm nhạc và cuộc sống.

 

Mẹ sinh ra tôi vào giờ Dần, lại đúng năm Dần. Mẹ kể, khi sinh ra, tiếng khóc tôi không to như các anh, chị. Ông nội tôi bảo rằng “nghe tiếng khóc của nó giống như tiếng hát ví của bà nội”. Ông nội tôi giỏi văn thơ, bà nội tôi giỏi đàn hát. Tôi lớn lên trong vòng tay ấy nên hay học mót, học lỏm mỗi khi “hầu trà” các cụ yêu thơ yêu nhạc.

Quê tôi sơn thủy hữu tình. Cúi mặt xuống sông Lam vục nước, khi ngẩng đầu lên thì mắt đã chạm đỉnh núi Hồng Lĩnh. Giọng đò đưa trên sông cứ văng vẳng và dội vào sườn núi, dư âm cứ vang vọng lòng người theo tháng năm. Có lẽ vì những hình ảnh ấy mà suốt cuộc đời tôi bị quyến rũ và duyên nợ với âm nhạc, thơ ca.

Không hẳn vì tuổi Dần mà tôi gắn bó và yêu thích loài hổ. Từ nhỏ, tôi đã rất thích sưu tầm tranh ảnh có con hổ. Trong dân gian có câu “nam thực như hổ”, với tôi có lẽ ngược lại. Ăn rất ít, uống cũng rất ít. Thời “hoàng kim” nhất trọng lượng cũng chỉ “nhỉnh” hơn 50kg, dần dà ngày càng tụt xuống đến mức không thể gầy hơn.

Người ta bảo, ai sinh vào năm Dần cũng mang một số tính cách của con hổ. Nhiều người cùng lứa tuổi, họ rất khỏe và đẹp (cả gái lẫn trai) lại chăm chỉ về mọi mặt. Với tôi thì ngược lại. Riêng khoản âm nhạc và thơ ca cũng vậy, tôi chỉ lao động khi nào cảm xúc tràn đến. Cứ ngỡ như là của “trời cho” và nó để lại những tác phẩm mà tôi tạm gọi là ưng ý như: Bên Lăng Bác Hồ, Người đảng viên số 1,  Cung đàn tuổi xanh, Lắng tiếng quê hương, Nhớ thuở Hùng Vương, Bông hoa Hồng Chiêm, Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ, Mùa xuân đúng hẹn lại về, Khúc hát tâm tình, Phong thư Sông Lam, Gửi anh một khúc dân ca, Duyên quan họ…

Tuy nhiên, nếu ai đó cho rằng, tuổi Dần là tuổi rất vất vả và thiệt thòi hay mang tiếng “thị phi” thì cũng có phần đúng. Tất nhiên, mỗi người một số phận, bên cạnh những điểm cộng, có điểm trừ; bên cạnh những lo âu có mỉm cười. Nghĩa là ai cũng có cái hay cái dở, có nỗi sướng khổ riêng. Nhìn chung, những ai tuổi Dần ít người được cái sung sướng, nhàn hạ vẹn toàn. Với tôi luôn cảm ơn cuộc đời và số phận vì những gì mình có được như hôm nay, mặc dù người ta hay nói “năm tuổi là năm hạn”, nhưng tôi thì cho năm tuổi là năm hên, có nhiều may mắn và tốt lành. Nếu tính đến năm 2010 - năm hổ vàng thì không phải tuổi Dần nào cũng vinh hạnh sống qua 2 thế kỷ (XX - XXI) và có thể được chứng kiến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nơi mình đang cư trú. Nhờ Giời còn thương!

Vì là tuổi Mậu Dần (Mậu là mẹ) lại sinh vào ngày 20/10 (ngẫu nhiên nhằm vào ngày Phụ nữ Việt Nam) nên thính giả Đài TNVN nghe tên Dân Huyền và các bút danh khác của tôi như: Phạm Ngọc Huyền, Đào Chung Thủy, Uyên Hồng… trong các chuyên mục, họ thường nhầm tôi là phái nữ. Sự nhầm lẫn ấy thật đáng yêu. Có thư còn thổ lộ tâm tình thầm kín và viết rằng, có một ngày nào đó em sẽ về Hà Nội ở với chị, được tâm sự hết về cuộc đời buồn của em để chị nghe (!!?).

Nhạc sĩ Dân Huyền có nhiều duyên nợ với âm nhạc.

Những Tết năm Dần trước đây, nhiều người mừng tuổi tôi và không quên kèm theo câu: “Tuổi Dần là tuổi con hổ, mà hổ thì làm cho lắm kẻ phải sợ”. Tôi nói luôn: “Hổ tôi là hổ giấy, hổ nhựa, hiền lành, không làm hại ai, nên chẳng ai sợ”. Vì không ai sợ nên họ gần tôi và giúp đỡ tôi nhiều hơn. Tôi từng quản lý một đội ngũ văn nghệ (dù số lượng ít) và nghiệm ra rằng, đây là điều cực kỳ khó. “Con hổ” này cứ phải tỉnh táo, nhẹ nhàng “lách” từng bụi cây, “tránh” từng lá cây để khỏi gây ra tiếng động, nhằm tránh được thợ săn. Suy cho cùng, quản lý văn nghệ đúng là như nước với lửa. Điều khiển như thế nào để lửa làm sôi nước và điều khiển như thế nào thì nước sẽ làm tắt lửa. Tôi đã ý thức và tự điều chỉnh mình để khi lửa nhỏ thì cho thêm củi hoặc vặn “vô luym” của bếp gas tăng lên. Nếu lửa to quá thì bớt củi ra hoặc hạ bớt gas để nước sôi mà không trào ra bếp.

Dù đã vượt ngưỡng “Cổ lai hy” nhưng tôi rất thích tin học. Niềm say mê ấy đã giúp tôi thực hành trên máy vi tính những bài thơ, những bài báo và nhất là tiếp cận với các phần mềm xử lý và sáng tác âm nhạc. Từ “Encore 4.0”, “4.2” rồi “4.5” và bây giờ là “5.0”, tôi đã làm một cuộc “đi tắt, đón đầu” để khỏi lạc hậu với thời cuộc. Dù đã cố gắng nhưng tôi thấy mình còn lẽo đẽo theo sau bao người khác,  phải gồng người lên mà vẫn không theo kịp những cái liên tục đổi mới. Với tôi là cả một sự cố gắng, bởi tuổi tác nhiều thêm, bởi vốn tiếng Anh quá ít, bởi trình độ tiếp thụ chẳng nhanh. Nhiều khi muốn xa cái vi tính nhưng trót yêu nó rồi, lại tự động viên mình. Bà vợ khuyến khích, các con cũng tạo điều kiện, nên nghị lực như được nhân đôi tự giác mà học tập. Tôi chịu khó đọc sách, báo, tạp chí. Nhiều bài viết, những mẹo vặt và các trang giải đáp thắc mắc… đã làm cho tôi say mê hơn, thử sức mình để “khám phá computer”, ít ra cũng tạo được sự phản ứng nhanh trước hai “con đường”: “yes” và “no”.

Sách báo và mạng internet đã trở thành người bạn đồng hành của tôi, bởi càng đọc, càng thực hành, mới thấy mình hụt hẫng quá nhiều về trình độ, tự nhủ lòng cần bền bỉ bổ sung. Cứ thế mỗi lần “en tơ” là một lần thở phào nhẹ nhõm.Tôi đang cố học sự “chịu chơi” trong môn “thư điện tử”(e-mail) và “Nhật ký điện tử” (Blog). Nó “luyện” cho mình có thêm tài “quên ngủ” mà thức đến quá nửa đêm, chờ khi “đường thông hè thoáng” trên không trung, nhằm “tải xuống” (download), “phóng lên” (upload) cho “sành điệu”. Hy vọng sẽ tiến bộ hơn trong học tập, ứng dụng tốt cho nghề nghiệp của mình và hạn chế bớt sự “lão hóa” của bộ nhớ. Với phương châm “chưa biết thì hỏi, chưa giỏi thì học”, đó cũng là niềm vui.

Tôi không nghĩ rằng, khi về hưu lại có ít thời gian đến vậy. Nhưng tôi vẫn thấy mình chưa quá già để không trả nổi những ân tình mà mọi người dành cho tôi. Tôi như “quả trứng”, không thể “khôn hơn vịt”, nên luôn muốn chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của mình với mọi người.

Tôi rất vui khi nhiều người vẫn nhận ra mình giữa đám đông. Có lẽ đó là phần thưởng lớn nhất của đời tôi. Tôi hay tự ví mình như cầu thủ đá bóng chuyên nghiệp, biết “giải nghệ” đúng lúc, khi khán giả vẫn còn luyến tiếc mình. Thấm thoắt đã hơn 20 năm rồi.

Tuổi đã tám tư chẳng chịu già/Vẫn luôn đàn hát với dân ca/Tre già đã có nhiều măng mọc/ Nghe người khác hát thấy khỏe ra…

 

Bình luận

    Chưa có bình luận