Vân Yến - giọng đọc 'Tổ quốc ta tươi đẹp'

Một trong những phát thanh viên thời kỳ đầu của Đài Phát thanh Quốc gia là Vân Yến. Bà tên thật là Trần Thị Ý.

 

Nếu như không vì con mèo thì bà vẫn đi lại nhanh nhẹn. Số là vài năm trước, ngủ dậy, bà thả chân xuống sàn nhà thì đụng ngay chú mèo mến chủ, chẳng may ngã ngồi nên rạn xương. Tôi chia sẻ, bà cười hồn hậu: "Ông nhà tôi có lần tránh xe máy, ngã ngồi trên hè đường Trần Phú cũng bị rạn xương anh ạ. Hình như cái số vợ chồng là vậy, càng về già càng bện lấy nhau".

Tôi biết bà đang nhớ ông. Còn tôi thì nhớ buổi trưa 21 tháng 6 năm 2005, tôi cùng mấy anh chị em nhà báo của Ban Kinh tế Khoa học và Công nghệ đến thăm ông Trần Lâm, thủ trưởng đầu tiên của Đài. Trời nắng, ông mặc áo may ô. Bà bảo ông mặc áo sơ mi cẩn thận để còn chụp ảnh kỷ niệm.

Ông Trần Lâm cười sảng khoái: "Ấy, ở trần thì người ta mới biết mình khỏe chứ. Tôi còn sống để dự kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long kia mà".

Vậy mà, kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (2010) ông lâm bệnh nặng. Một năm sau ông qua đời. Nhắc nhớ kỷ niệm 13 năm trước, cũng trong căn phòng này, cũng giữa trưa tháng 6 như thế này, phát thanh viên Vân Yến, bà Trần Thị Ý bùi ngùi nhớ lại, rồi chậm rãi: "Anh Lâm dắt tôi vào đời, đưa tôi vào nghề đấy chứ".

Phát thanh viên Vân Yến và tác giả.

Thiếu 4 tuổi đầy một trăm mà bà vẫn gọi chồng quá cố là anh, mới thật thân thương, ngọt ngào. Những lần gặp trước ông bà thường kể cho tôi nghe “những chặng đường gian nan mà kỳ thú” của Đài Phát thanh Quốc gia, nay bà mới dành thời gian nói về mình.

Bà Trần Thị Ý sinh ngày 27/1/1923 trong một gia đình có 7 người con ở Hàng Đào, Hà Nội. Nhà có cửa hàng buôn bán ở phố nổi tiếng Hà thành nên có của ăn, của để. Năm 1943, cô gái 20 tuổi Trần Thị Ý xinh đẹp đang học trường Thăng Long thì gặp anh học sinh trường Bưởi Trần Lâm. Theo như bà kể lại thì hồi ấy con gái mặc áo dài trắng tha thướt, tóc dài, mượt, mái uốn lưỡi trai, duyên dáng lắm. Con trai cứ nhìn theo mê mệt. Không biết ông mết bà từ khi nào, nhưng cứ thấy nhau là đi không dứt. Họ yêu nhau bằng mắt. Khi nắm được tay nhau thì ngỏ lời cầu hôn. Năm 1946, bà Ý sắm áo cưới thì kháng chiến bùng nổ. Ông Lâm lăn vào công việc mới mẻ xây dựng Đài Phát thanh Quốc gia theo chỉ thị của Bác Hồ.

Gia đình bà Ý tản cư mỗi người một nơi. Bà Trần Thị Ý về ở với chị gái, tận Kim Bảng, Hà Nam. Ngày 1/6/1948 đám cưới thời chiến đơn giản, gọn, nhẹ của cô dâu Trần Thị Ý, chú rể Trần Lâm được tổ chức tại nhà chị gái ở Kim Bảng. Ngày hôm sau lên đường. 10 ngày sau đến căn cứ của Đài ở Tuyên Quang. Lúc này ở Đài TNVN chỉ có một nữ phát thanh viên là bà Dương Thị Ngân. Bà Ý được bổ sung ngay vào công việc hàng ngày đọc tin, bài. Theo như bà Ý thì lúc đó thấy chữ là đọc cho đúng, chứ không biết thế nào là nghề phát thanh viên. Trời phú cho bà chất giọng Hà Nội sáng, đẹp, uyển chuyển, dịu dàng nên được người nghe đài khen hay, mến mộ.

Hai bà Ngân, Ý đều là gái Hà thành, con nhà trí thức, tiểu tư sản nên chưa biết việc đồng ruộng, chưa hiểu ngóc ngách cuộc sống thôn quê, nhất là miền đồng rừng. Các ông Trần Lâm, Nguyễn Văn Nhất, Lê Quý, Hoàng Tuấn phải bổ túc thêm kiến thức cuộc sống cho hai nữ phát thanh viên để thể hiện tin bài cho đúng, cho hay. Ông Trần Sinh kể lại, có lần đi họp ở Nha Thông tin về, ông Trần Lâm kiếm được cây bút chì liền chặt làm đôi coi là quà tặng cho hai nữ phát thanh viên. Hai bà mừng lắm, vì có bút để đánh dấu ngắt nghỉ khi đọc bài.

Theo bà Trần Thị Ý, cái khó của nữ phát thanh viên hồi ở chiến khu Việt Bắc cho đến khi về lại Thủ đô không chỉ là tự học nghề, mà chính là nuôi con nhỏ. Bà bảo, năm 1947 bà Ngân sinh cháu Việt Bắc thì năm 1950 bà Ý cho ra đời con gái đầu lòng ở Bản Đung, liền đặt tên Đung cho dễ nhớ. Sau này nghĩ lại, con gái tên Đung nghe cứng quá nên đổi là Dung. Không hiểu sao thời buổi khó khăn thiếu thốn như thế mà ông bà Ngân Nhất liên tục cho ra 4 cậu con trai, ông bà Lâm Ý sinh một lèo hai trai, hai gái.

Kể lại chuyện xưa giữa trưa Hà Nội nóng gần 40 độ, bà Trần Thị Ý thủng thẳng: "Hồi ấy khổ cực ghê lắm, nhưng không hiểu sao vẫn vui, vẫn động viên nhau làm việc. Tôi và bà Ngân thay nhau vừa làm phát thanh viên vừa làm cô giữ trẻ. Vai nào cũng tròn mới lạ chứ".

Tôi hỏi vì sao lại có tên Vân Yến, bà Ý nói: "Hồi ấy, anh Lâm, anh Nhất nói là làm phát thanh viên phải có cái tên kêu kêu, hay hay một chút. Tôi dỗi: chẳng lẽ tên tôi dở dở à? Anh Lâm cười khà khà: Ý hay hay chứ. Thế người ta mới lấy. Còn bây giờ lên sóng, tên phải khác khác đi. Tôi nghĩ, đời tôi như con chim yến bay ra khỏi tổ ấm gia đình lên tận núi rừng Việt Bắc, chỉ có mây với gió, liền đặt tên phát thanh viên là Vân Yến".

Từ đấy người nghe đài quen thân với cái tên Vân Yến chuyên đọc tiết mục “Tổ quốc ta tươi đẹp”. Đó là tiền thân của chương trình Văn nghệ sau này trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình chủ yếu đọc bút ký, tiểu luận với chất giọng ngợi ca. Một thời như thế ca ngợi Kháng chiến thành công, ngợi ca Miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn của tiền tuyến lớn Miền Nam anh hùng. Chất giọng Hà Nội trong trẻo, dìu dặt, đầy xúc cảm của Vân Yến một thời gắn liền với “Tổ quốc ta tươi đẹp”.

Năm 1961, bà Trần Thị Ý bị bệnh chùng thanh đới. Vân Yến thôi nghề phát thanh viên chuyển sang công tác hành chính của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cả một đời cùng chồng làm việc, cống hiến, thủy chung với hai tiếng “Phát thanh”. Trần Thị Ý đã làm nhiều việc cho Đài, nhưng đọng lại sâu thẳm trong trí nhớ, trong tâm can của bà là phát thanh viên Vân Yến với “Tổ quốc ta tươi đẹp”./

CTV Vĩnh Trà/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận