NSND Tuyết Mai đã về nơi mây trắng...

Thế là từ nay, giọng đọc Tuyết Mai đích thực "vàng mười" quý hiếm, đã về nơi mây trắng.

 

Nghe Tuyết Minh gọi điện báo tin “Mẹ cháu mất rồi, chú ơi” mà lạnh cả người, lúng túng bấm nhầm điện thoại, phải mấy lần cháu gọi lại. Thế là từ nay, giọng đọc Tuyết Mai đích thực "vàng mười" quý hiếm, đã về nơi mây trắng.

Tuyết Mai là tên con gái lớn mà mẹ Bùi Thị Thái đặt thành nghệ danh cho giọng đọc "trời cho" của mình. Người chị Cả vô cùng yêu quý, thân thương của lớp đàn em chúng tôi, của cả đội quân phát thanh viên Đài TNVN, bây giờ chẳng còn nữa.

Ngót chục năm nay chống chịu với bệnh tuổi già. Nhờ có anh Phan Phúc, người chồng mẫu mực và cô gái quý Tuyết Minh tận tình nâng giấc từng bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi năm đôi ba lần ghé thăm, nhìn ông chồng nhạc sỹ dáng thư sinh thuở nào, kém vợ hơn chục tuổi mà giờ càng hao gầy mảnh khảnh. Tay cầm cốc nước, một tay lay nhẹ vai bà vợ “Bà uống ngụm nước cho tỉnh đi, anh Hà Phương đưa các cháu phát thanh viên trẻ đến thăm đây này”.

Tác giả tới thăm nhà NSND Tuyết Mai năm 2019. (Ảnh: Sơn Tùng)Nết người nho nhã đến lạ. Mình kém đến 4-5 tuổi mà ông anh xưng hô lúc nào cũng thế. Bà chị nằm quay mặt vào tường, lặng im như ngủ, nghe gọi vài lần mới tỉnh. Hỏi “Cụ ơi, bây giờ vẫn gọi là chị Thái như ngày xưa đươc không ạ?”. Bà cụ khó nhọc quay ra, mắt vẫn nhắm nghiền, nói nhẹ như hơi thở: “Cậu đã tám mươi rồi, gọi ta là gì cũng được”.

Một thoáng chợt tỉnh mà vẫn khẩu khí của chị Thái thuở xa xưa “Ta bảo rồi đấy, đọc chậm lại đã”. Chỉ thế thôi mà thành bài học nghề.

Ngày ấy, các em gái Kim Cúc, Hoàng Yến, Minh Khuê và sau này là Mỹ Diên, Thúy Hoa, Bích Hà ngồi nghe chị đọc trong phòng thu với đôi lời nhẹ nhàng, thấm sâu như bấm trúng huyệt rồi sửa chữa mà tiến bộ, thành danh.

Lần được chị chọn đi cùng làm tường thuật trực tiếp tại Quảng trường Ba Đình mới hiểu thêm cái nết nghề quý hóa ấy. Đó là lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Theo lệnh trên, chị em tôi từ 4h sáng ngày 30/4/1985 phải tập kết tại khu vực của Ban tổ chức ở một góc Quảng trường. Kịch bản vẫn chưa xong, phải chờ sửa chữa để duyệt lần cuối. Hàng trăm đoàn diễu hành mà thứ tự chi tiết các đội hình diễu qua lễ đài đang chờ sắp xếp lại, chưa rõ ràng. Tìm đến ông to nhất trong ban tổ chức chỉ nhận lại một câu cứng như thép “Một chữ cũng không được sai sót”.

Các đoàn người nườm nượp từ bốn phía đổ về quảng trường. Tiếng tuýt còi, tiếng loa cầm tay a lô hướng dẫn vị trí tập kết cùng lúc vang lên không át được tiếng trống ngực. Vẻ lo ngại ấy như không qua được cặp mắt tinh nhanh của bà chị.

“Này, chưa gì đã đứng như phỗng thế kia thì tí nữa đọc làm sao?” – chị nói.

Tôi chỉ tay lên cái chòi cao chừng 3 thước đang rung nhẹ, trong đó kê đủ cái bàn con và hai cái ghế gỗ vuông, hai bên buộc cót ép, phía trước và sau trống hoác. Cái thang tre ẽo ợt thế kia chẳng biết bà chị có dám trèo lên không. Rồi cũng trót lọt, hai người kéo, một người đẩy. Lên đến nơi chỉ nghe tiếng thở dồn, hồi lâu bà chị mới nói đứt quãng: “Ta sợ... muốn ngất luôn... chú mày ạ”.

Vào việc càng phục tài chị. Sắp lễ chào cờ mới nhận được kịch bản. Một tập dày giấy vàng khè, đánh máy chữ đậm, chữ nhạt lại gạch xóa, viết tay thêm bớt lem nhem vẫn không sợ bằng nghe câu dặn dò: “Các đồng chí chịu khó theo dõi các đoàn diễu hành qua lễ đài rồi liệu mà nói. Tôi không chắc mấy đoạn trong kịch bản vừa thay đổi đã trúng theo thứ tự các đoàn diễu hành. Riêng đoạn máy bay Mích 21 bay qua lễ đài thì chưa viết trong kịch bản đâu, hễ thấy nó nghiêng cánh liệng chào quan khách trên lễ đài thì liệu mà nói sao cho khớp đấy”.

Tôi đứng ngây người như không dám thở, chị lại cười: “Cậu cả ơi, cứ tỉnh bơ đi mà đọc. Mọi ngày vẫn đọc trực tiếp ngon lành mà giờ lại nhát thế. Xem ta đây này, có gì mà phải lo cuống lên”.

Rồi bà chị vội cầm bút chia giọng, phân vai từng đoạn. Nhưng chưa xong, mấy chiếc loa to cùng lúc vang lên tiếng hô dõng dạc chuẩn bị làm lễ chào cờ. Tôi chỉ kịp chốt câu cuối trước khi bật mic: “Nếu thấy đoạn nào chưa khớp với hiện trường thì chị giật áo cho em dừng đọc. Nhìn rõ đoàn nào vào đường diễu hành thì chỉ bút sang đoạn ấy để em đọc nhé”....!

Căng thẳng đến tột độ rồi cũng xong xuôi, trôi chảy, không nhầm lẫn. Ông Trần Hoàn, Trưởng ban tổ chức đến bắt tay khen ngợi. Thù lao bồi dưỡng tại chỗ hai gói xôi.

2h chiều, len lách qua mấy ngã tư ùn tắc mới đèo chị về đến nhà số 5 Trần Phú. Giở gói xôi thấy mùi chua, chị thản nhiên cười tủm tỉm: “Thiu hết rồi, đừng ăn, đau bụng đấy. Vào nhà ăn cơm với chị, cháu Minh nó để phần nhiều lắm, chị ăn hết sao được”.

Ăn sao được lúc ấy. Nhưng lại nhận về bài học nghề, biết bình tĩnh trong mọi tình huống để chủ động tập trung cho giọng đọc.

Tuyết Mai yêu quý của chúng tôi là thế. Nhẹ nhàng, tươi cười, luôn quan tâm mọi người. Tháng nào cũng để dành mấy ô phiếu mua dầu hỏa hay đậu phụ bảo tôi đem xuống cho chị lao công quét dọn phòng thu. Bà Tâm nhân viên phòng thường trực, có tiếng kỹ tính, xét nét giấy tờ ra vào mà thấy U Thái đến đọc là đon đả, dắt vội chiếc xe đạp Phượng Hoàng ấy đem để chỗ bóng râm cây bàng.

Tác giả và NSND Tuyết Mai trong phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ảnh tư liệu)...Lúc cuối đời, con trai Thắng Lợi đón mẹ về nhà ở phố Đào Tấn để phụng dưỡng. Trên tầng 2 ngôi nhà cổ số 5 xưa chỉ còn lại "liền chị" Vân Yến, một phát thanh viên kỳ cựu từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Giọng vàng Vân Yến với chuyên mục phát thanh Văn Nghệ "Tổ Quốc ta tươi đẹp" đã làm nền móng cho chuyên mục "Đọc truyện đêm khuya" được thính giả cả nước mến mộ. Chỉ tiếc, vì lý do sức khỏe, cụ Vân Yến sớm phải chuyển công tác.

Mùa hè năm ngoái (tháng 6/2021) đưa đoàn làm phim Tài liệu Trung ương đến ghi hình căn phòng cũ của cụ Trần Lâm, nguyên Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài TNVN - vị thủ trưởng đầu tiên thành lập đài TNVN đã đi xa hơn 30 năm nay - Thu Huệ, nhà biên kịch, khi hỏi chuyện cụ bà Vân Yến mới biết đó là phu nhân của vị lãnh đạo đáng kính trong bức ảnh thờ kia. Rồi xuýt xoa mãi "Bác Phương ơi, sao các cụ thời ấy lại sống thanh lịch mà đạm bạc, đơn sơ đến thế ạ?". Tôi buột miệng "Để bác cháu ta cùng nghĩ câu trả lời sau nhé".

Bà Vân Yến (phu nhân nhà báo Trần Lâm) tiếp chuyện biên kịch Thu Huệ tại nhà số 5, Trần Phú, Hà Nội. (Ảnh: Hà Phương).Nhưng không kịp nữa. Bà lão lúc đó tuổi xấp xỉ 100, tóc bạc trắng hệt bà tiên trong cổ tích. Nói chuyện cấm sai nhầm một tiếng. Thỉnh thoảng ra hiệu cho cô giúp việc tiếp thêm nước trà cho khách, còn nói với theo "chân tôi yếu lắm không ra tiễn được, các cháu về, xong phim nhớ báo tôi xem nhé". Bây giờ vì dịch bệnh, bộ phim vẫn chưa xong mà cụ bà khả kính đã rời xa cõi tạm.

Để rồi, chỉ sau đó 3 hôm, 22h12 ngày 5/3, trái tim người Nghệ sỹ tài hoa có một không hai ấy đã ngừng đập. Giọng đọc vàng Tuyết Mai - NSND Tuyết Mai vô cùng yêu quý của chúng tôi đã tuột khỏi vòng tay gia đình, bè bạn và đứa em tuổi 80 này để về với ngàn mây trắng...

Chiều 7/3. Vĩnh biệt Chị yêu quý, giọng vàng Tuyết Mai ơi.../.

NSƯT Hà Phương/VOV

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận