15 giờ 20 phút ngày 9/3/2022, Nhà báo Kpă Si Mon, nguyên Phó Giám đốc Cơ quan thường trú khu vực Tây Nguyên – Đài Tiếng nói Việt Nam, đường đột giã từ cuộc sống. Anh sinh ngày 3/8/1959. Tôi nhận hung tin và nhận luôn gợi ý của lãnh đạo cơ quan là viết thật nhanh đôi dòng về anh. Viết từ đâu? Mấy chục năm là đồng nghiệp, là lính, là thằng em của anh; không nhớ rõ uống với nhau bao nhiêu chén rượu, hút với nhau bao nhiêu điếu thuốc; bao đêm ngủ buôn làng nghe khan, ngủ rừng đốt lửa nướng thịt … Chất phóng viên VOV Tây Nguyên của chúng tôi đơn giản đi vào cuộc sống như vậy.
Tôi có lý do rất “căn bản” để nhớ rõ ngày tôi gặp anh Kpă Si Mon. Đó là buổi chiều ngày 1/7/1994. Hôm ấy tôi đến nhận bản hợp đồng làm PV Đài TNVN khu vực Tây Nguyên. Anh vừa từ huyện Ea Kar về đầu quân nhà đài. Năm ba câu hỏi han, anh nhại giọng tiếng Quảng Trị của tôi: “Mi Quảng Trị à? Rứa đã có chỗ ở chưa? To nhất đài ta bựa ni là đồng hương mi đó”.
Tôi vốn tính luộm thuộm mà không hiểu sao anh lại cho ăn ở cùng. Thị xã Buôn Ma Thuột hồi ấy được mệnh danh là 3B-Buồn-Bụi-Bẩn. Anh rất sạch sẽ, thuê một căn phòng 16 mét vuông, nền láng xi măng được lau bóng, lại có cả chiếc quạt bàn, khi có điện mát rười rượi… Tiền lương hàng tháng của anh hồi đó, già một nửa dùng để thuê phòng, mua hoa tươi.
Khi chuyển từ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ea Kar (Đắc Lắc) về làm biên dịch phát thanh viên chương trình tiếng Jarai của Đài TNVN, anh đã tròm trèm 18 năm ăn gạo nhà nước từ nghề dạy học, tổ chức biểu diễn của Sở Văn hóa Thông tin, thậm chí dạy khiêu vũ… Cuộc đời anh lắm phen lên bờ xuống ruộng. Nhờ những năm ấy mà vốn liếng về văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên của anh sâu thêm, dày lên. Anh thuộc Tây Nguyên như thuộc lòng bàn tay.
Con người với tính tình phóng khoáng như cây kơnia, như chim kơtia này, ít ai nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với một nơi nào đó. Vậy mà nghiệp làm báo phát thanh đã cột chặt lấy anh.
Anh cao, to hơn cả Tây. Có lần anh rủ tôi đi mua dép, tìm mãi, đến một hàng nọ ở đường Nguyễn Tất Thành mới thấy một đôi vừa chân. Chị bán hàng trố mắt rồi tặng luôn đôi dép cho anh vì hai năm rồi không ai đi vừa đôi dép này.
Các biên tập viên, phóng viên của Cơ quan thường trú Tây Nguyên nhiều người nặng ân với anh. Rời buôn làng, rời trường đại học, bỡ ngỡ với công việc, anh chỉ bảo cho từng li từng tí. Từ cách bắt tay, xưng hô, cả cái cách cụng ly cho đến việc dựng vợ gả chồng. Thậm chí đặt tên, làm khai sinh cho con, nhiều người cũng nhờ anh. Mọi chuyện đều đến tai, mọi việc đều đến tay anh. Tất tần tật đều êm xuôi, tròn trịa.
Anh quen biết nhiều, lại rộng tính nên khách đến nhà thường xuyên. Có người ở luôn mươi ngày, nửa tháng; ai cũng được tiếp đãi cơm rượu vui vẻ, khi đi lại được dúi ít tiền tàu xe. Khách của anh từ quan chức, chính khách, nhà báo, văn nghệ sĩ đến xe ba gác, thậm chí có cả đám du thủ du thực… Nhiều lần tôi càu nhàu với anh về việc cho mấy đứa ơn trời tá túc, anh nói: “Tao biết mà, nhưng bọn nó lỡ chân, mình cưu mang năm ba bữa, biết đâu ở đời bớt đi một chuyện không hay”. Anh nghỉ hưu, quan chức, doanh nghiệp vơi dần, căn phòng như rộng ra. Nhưng nhiều thằng ôn vật ngày trước trong mắt tôi, lại thường xuyên chở vợ con, mang trái cây, gà vịt đến ríu ran.
Mỗi lần anh đến một buôn làng nào đó đều như về buôn của chính mình. Vài ché rượu cần, mấy con gà, hoặc một con heo. Tất cả đều từ tiền túi của anh. Tiếng chiêng vang lên, người đến nhiều thêm, rồi những vòng xoang. Xuyên đêm, thủng ngày với những bài dân ca và lời khan.
Anh luôn lè kè bên mình cuốn vở và cây bút bi. Mấy chục năm nay vẫn vậy. Đọc báo, lúi húi ghi; nghe đài, xem ti vi chép; lắm lúc duyệt bản tin phát thanh, anh cũng cầm bút, lật vở ra ghi một vài từ mới, từ khó để tra cứu. Giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa của anh nổi lên hai nốt sần như hai vỏ lạc vàng cháy vì cầm bút và ám thuốc lá. Chắc chắn anh cũng không thể biết mình đã dùng hết mực bao ngàn cây bút bi? Những cuốn vở ghi chép kia cứ chất dày lên theo năm tháng. Từ tên của một nguyên thủ quốc gia, một tổ chức nào đó trên thế giới, hay tên một buôn làng ở Tây Nguyên. Tẩn mẩn ghi bằng chữ phổ thông rồi bằng chữ Jarai. Gạch xóa, rồi ghi…
Đi, nghe, đọc và ghi chép hơn 20 năm ròng để rồi bắt tay vào công việc ít ai ngờ tới. Đó là biên soạn bộ từ điển dùng cho ngành phát thanh. Bộ từ điển Jarai - Việt - Pháp, hay Việt - Jarai trước đây chỉ xấp xỉ 11.000 từ. Bộ từ điển anh biên soạn lên đến trên 20.000 từ.
Anh đã làm điều gì thì hết mình với nó. Nhớ một lần tôi làm đạo diễn dựng một câu chuyện truyền thanh. Hôm ấy anh thể hiện. Kịch đang diễn ngọt đèn đỏ phòng thu tắt vụt. Anh diễn nhập vai quá: Đập bàn, rồi đứng dậy chỉ tay, quát! Cậu kỹ thuật viên giật thót, tưởng mình bị mắng nên vội kéo chiết áp bàn trộn xuống.
Những dịp tôi đến các buôn ở vùng sâu vùng xa, khi gặp những vị cao niên, hoặc những người am hiểu văn hóa của dân tộc Jarai, tôi thường ghi lại một vài bài dân ca, hoặc một câu chuyện cổ mang về làm quà cho anh. Một lần như thế ở Ayun Pa (Gia Lai) tôi bật máy, ghi âm lời kể một câu chuyện cổ chừng 30 phút. Xong việc, tôi hỏi người kể chuyện, ông bà hay bố mẹ đã kể cho anh câu chuyện này? - Ồ! Mình nghe Si Mon kể trên đài. Hay quá nên nhớ và kể lại đó mà.
Anh đã nhận rất nhiều bằng khen, có lẽ đến vài ba chục. Một lần tôi đến buôn làng Jarai ở Ia Pa (Gia Lai), biết tôi người nhà đài cùng với Kpă Si Mon, bà con ở đây hỏi: Si Mon đau ốm gì hay sao mà cả tuần nay không nghe nó nói trên đài? Chắc chắn đây là tấm bằng khen sáng danh nhất dẫu không chữ ký và dấu đỏ.
Năm 2001, bọn Ful-rô lưu vong do Ksor Kơk cầm đầu đã dụ giỗ lôi kéo nhiều người dân tộc thiểu số đi biểu tình đòi thành lập cái gọi là nhà nước Đê-ga tự trị. Một số buôn làng ở Tây Nguyên thành điểm nóng về an ninh chính trị. Nhiều người hoang mang, lo lắng. Anh Kpă Si Mon đã nghĩ ra một cách tuyên truyền rất hay. Đó là đến nhà của mẹ Ksor Kơk (Tổng thống Đê-ga tự xưng) ở buôn Broái, xã Ia Broái, huyện Ia Pa (Gia Lai) để tìm hiểu cặn kẽ sự việc, để có cách nói cho bà con nghe đài hiểu đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Anh đã có cuộc trò chuyện thân mật, thấm đẫm tình người và lẽ phải với người mẹ đáng thương này bằng tiếng Ja rai. Chúng tôi ghi âm những lời tâm sự của bà về phát trên sóng phát thanh. Bà khuyên người dân ở các buôn làng đừng nghe theo lời thằng con ngỗ ngược, phản động của mình. Tôi nhớ mãi hình ảnh người mẹ già nua, lập cập tiễn anh xuống cầu thang gỗ ngôi nhà sàn cũ nát. Bà rân rấn nước mắt khi anh cố nhét vào túi áo bà mấy chục nghìn đồng.
Kpă Si Mon là thế, phóng khoáng với đời, nhưng tẩn mẩn và hết lòng với công việc. Đối với các chương trình phát thanh tiếng các dân tộc Tây Nguyên anh chăm chuốt từng li từng tý. Hiệu đính chuẩn từng câu chữ, nghe kỹ từng chương trình đã phát sóng để nhặt dần những hạt sạn. Anh thường đến phòng thu để hướng dẫn cách nén hơi, nhả chữ cho các phát thanh viên. “Tin trong nước phải đọc khác với tin thế giới; đọc tin tai nạn khác với đọc tin được mùa. Diễn kịch, đọc truyện cổ lại càng phải khác nhau nữa”.
Nhớ hồi hai vợ chồng chúng tôi sau khi về quê cưới, vào Buôn Ma Thuột làm bữa cơm ra mắt hai cơ quan. Anh bảo: “Mày không được mời miệng như thế. Phải mua thiệp cho trịnh trọng. Mà thôi, ghi danh sách khách mời ra. Mọi việc anh lo cho”. Rồi anh mua thiệp, viết và gửi. Gần 27 năm rồi, đôi ba cái thiệp cưới năm nào tôi không gửi hết, vẫn còn giữ lại. Chữ của anh rắn rỏi. Chữ o viết rất tròn nhưng không kín miệng.
Chuyến xe lặng lẽ rời Buôn Ma Thuột đêm nay đưa anh về lại nơi cất tiếng khóc chào đời bên chân núi Chư Mố, Bến Mộng của Sông Ba./.
Lê Xuân Lãm