Nhạc sĩ Văn Dung - 'Người lữ hành' đã về với cõi sâu thẳm...

Ngày 8/3/2022, nhạc sĩ Văn Dung ra đi để lại nhiều sự tiếc thương cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp và những người yêu nhạc của ông.

 

Trong hành trình đi tìm cái hay, cái đẹp, tìm về chính mình trong cõi sâu thẳm của tâm thức thanh âm, nhạc sĩ Văn Dung là "người lữ hành không mệt mỏi". Giờ đây, ông đã khép lại hành trình của mình nhưng những cống hiến âm nhạc của ông sẽ đọng lại mãi với thời gian và công chúng.

Ngày 8/3/2022, nhạc sĩ Văn Dung ra đi để lại nhiều sự tiếc thương cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp và những người yêu nhạc của ông. Nhạc sĩ Hồng Đăng thương tiếc nhạc sĩ Văn Dung viết: "Vĩnh biệt ông. Người bạn ấm áp, chân tình và uyên bác". Nhạc sĩ Lân Cường, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhớ về người nhạc sĩ tài hoa mà nhiều thế hệ yêu quý: “Âm nhạc và cuộc đời của Văn Dung đã để lại những dấu ấn mà anh em chúng tôi mãi mãi không thể nào quên được. Vì cuộc đời của anh đã hiến dâng trọn cho âm nhạc, cho đất nước.”

Nhạc sĩ Văn Dung qua đời ở tuổi 86.Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936 tại Hà Nội. Ông theo học lớp báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức, thuộc Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc vào năm 1960. Năm 1961, ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Một thời gian sau, những đồng nghiệp của ông nhận thấy Văn Dung rất có khả năng hoạt động âm nhạc nên đã đề nghị ông chuyển sang làm công tác biên tập âm nhạc. Kể từ đó, ông gắn bó với công việc này cho đến ngày nghỉ hưu vào tháng 4 năm 1998.

Tuy không phải là người được đào tạo âm nhạc chính quy nhưng với niềm say mê âm nhạc, tinh thần ham học hỏi, Văn Dung đã hình thành cho mình một tư duy âm nhạc mạch lạc đúc kết từ kiến thức và từ những nhạc sĩ đàn anh lúc đó công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam như: Hồ Bắc, Hoàng Vân, Lưu Cầu, Phạm Tuyên.... 

Công việc của một nhà báo âm nhạc đã tạo điều kiện cho nhạc sĩ Văn Dung có cơ hội thâm nhập thực tế đời sống của nhân dân trên khắp các vùng miền, đặc biệt là chiến trường chống Mỹ khốc liệt. Ông đến mảnh đất Quảng Trị anh hùng, Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào,… được nghe kể về những chiến công, được gặp những chiến sĩ, nữ thanh niên xung phong quả cảm khiến  những cảm xúc dồn nén trong ông dâng trào, bật lên thành những giai điệu, lời ca lay động lòng người. Có thể kể đến những ca khúc “Giải phóng quân ta ra đi" (1965), “Tiến về Khe Sanh (1968), “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Bài ca Đường 9 chiến thắng” (1971)… Những sáng tác này vừa mang tính thời sự, vừa là nguồn động viên, khích lệ quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và thống nhất đất nước.

Chia sẻ với mọi người, nhạc sĩ Văn Dung nói: “Để có một ngày chúng ta được sống trong thanh bình là phải đổi bằng xương máu của bao anh hùng liệt sĩ. Thời của những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh ấy đối với tôi còn nhiều hơn cả cái gọi là kỷ niệm, nó trở thành một phần đời với nỗi ám ảnh khôn nguôn về sự hy sinh mất mát. Tôi đã thể hiện trong từng cung bậc của các bài hát, giai điệu và hôm nay khán giả còn nhớ được những bài hát ấy, thì với tôi là sự hy sinh của biết bao thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trên những con đường ra trận, con đường Trường Sơn”.

Là một nhà báo, nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam, Văn Dung có nhiều đóng góp đối với đời sống âm nhạc nước nhà thông qua các chương trình ca nhạc trên làn sóng phát thanh, trong đó có chương trình “Khắp nơi ca hát”. Ông đã cùng với các đồng nghiệp đi khắp nơi, thu thập những tiếng hát của quần chúng, phát hiện nhiều giọng hát hay, giới thiệu nhiều tác phẩm mới trên sóng, truyền tải không khí lạc quan, động viên sức mạnh tinh thần nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Ông từng nói: “Nhạc sĩ không phải chỉ là học để biết được các thể loại âm nhạc, mà cần thiết phải đi thực tế, thì tác phẩm mới sống được”.

Những đóng góp của ông đối với làn sóng phát thanh và dấu ấn mà ông đã để lại trong âm nhạc Việt Nam đương đại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nhạc sĩ Văn Dung lúc nào cũng khiêm tốn tự nhận mình chỉ là một nhà báo. Khí chất nho nhã, hào hoa của người Hà Nội cộng với chất lãng tử nghệ sĩ đã tạo nên một con người Văn Dung trong âm nhạc và trong cuộc sống, được công chúng, bạn bè, đồng nghiệp yêu mến, kính trọng.

Âm nhạc của Văn Dung lúc nào cũng tràn đầy cảm xúc, chan chứa tình yêu đời, yêu người. Như ca khúc “Đường Trường Sơn xe anh qua” ông viết trong một chuyến đi thực tế ở chiến trường nhưng giai điệu, lời ca lại hết sức mềm mại, uyển chuyển, đem tới cho người nghe rung cảm tràn đầy tình yêu mến của ông đối với những nữ thanh niên xung phong quả cảm. Hay ở ca khúc nổi tiếng “Những bông hoa trong vườn Bác” có âm hưởng trữ tình, trong sáng, nói lên những cảm xúc chân thật của nhạc sĩ đối với Bác Hồ kính yêu...

Trong âm nhạc là thế còn trong cuộc sống, nhạc sĩ Văn Dung là người tài hoa, có lối sống giản dị, luôn vui vẻ, hoà nhã, nồng nhiệt với bạn bè, tận tình với thế hệ trẻ. Ông có lối nói chuyện dí dỏm, hài hước, vốn hiểu biết sâu rộng. Những ai đã từng được gặp gỡ với nhạc sĩ Văn Dung đều có những ấn tượng tốt đẹp.

Nhạc sĩ Văn Dung cùng các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồng Đăng.Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Anh Văn Dung là một người có trí nhớ vô cùng đặc biệt, bởi lẽ anh theo dõi các hoạt động của anh em trong ban biên tập. Đối với giới nhạc sĩ nói chung, anh Văn Dung có những mối quan hệ rất rộng rãi cho nên dễ tiếp cận với đời sống của giới âm nhạc cả nước. Nếu mà nói ấn tượng của tôi với Văn Dung thì đấy là ấn tượng sâu nhất. Còn tất nhiên mỗi đợt đi công tác, sáng tác có những gì cần trao đổi, thậm chí là anh ấy còn tặng tôi những bức ảnh mà lúc đi thực tế mà tôi không bao giờ nghĩ còn giữ được như thế, đi khu 4, đi Việt Bắc,... Đấy là con người mà nói cho công bằng thì cái tố chất báo chí của anh Văn Dung rõ nét hơn, góp phần tạo nên những cảm xúc về mặt âm nhạc, để lại những tác phẩm hiện nay còn đọng lại trong trí nhớ của nhiều người". 

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nghẹn ngào nhớ lại những chuyến đi công tác cùng nhạc sĩ Văn Dung: "Anh Văn Dung đã nổi tiếng lâu rồi tôi mới bước vào con đường sáng tác. Tuy vậy anh chẳng phân biệt mau hay lâu trong nghề này nên anh luôn ủng hộ tác phẩm của bất cứ ai nếu hay. Một suy nghĩ hiếm hoi của lớp đàn anh đâu phải ai cũng có. Thế là những chuyến đi tôi luôn có mặt cùng anh. Vào Nam ra Bắc lên núi xuống biển anh luôn gọi tôi đi cùng với bao lớp đàn anh như Huy Du, Hoàng Vân, Chu Minh, Hồng Đăng, Tân Huyền,... Anh không được đào tạo ở trường nào nhưng tư duy về âm nhạc rành rõi vì vốn kiến thức tổng hợp cả nền triết học đông tây. Anh đọc nhiều, nhớ nhiều nên ngoài âm nhạc là những kiến thức uyên bác thuyết phục được người nghe". 

Nhạc sĩ Vũ Thiết, thế hệ biên tập viên được nhạc sĩ Văn Dung dìu dắt nói rằng: “Nhạc sĩ Văn Dung là một người tôi rất kính trọng. Ông là người rất thông minh, hiểu biết rộng, cẩn thận trong công việc. Tính cách ông gần gũi nhưng cũng rất thẳng thắn. Thấy gì sai, không phải là ông góp ý ngay, kể cả với những người lạ. Thẳng thắn nhưng ông cũng rất bao dung. Tôi học ở ông rất nhiều điều trong cuộc sống cũng như chuyên môn. Những năm tháng ở gần ông, với tôi nhạc sĩ Văn Dung là một người thuộc lớp nghệ sĩ đi trước khiến lớp trẻ phải kính trọng”.

Nhạc sĩ Văn Dung và nhạc sĩ Vũ Thiết trong chuyến công tác ở Mỹ Sơn, Hội An năm 1996.Sau khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Văn Dung tham gia Ban chấp hành Hội Âm nhạc Hà Nội và giữ cương vị Chủ tịch từ năm 2014-2016. Tại đây ông cùng với các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồ Quang Bình,... đã gây dựng nhiều hoạt động sôi nổi như giới thiệu tác phẩm mới, trao đổi về con đường âm nhạc của các nhạc sĩ là hội viên, tổ chức các trại sáng tác hay đi thực tế sáng tác cho nhiều ngành nghề khác nhau....

Nhạc sĩ Lân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội tâm sự: "Trong những ngày anh Văn Dung và ở Hội thì nhiều hoạt động chuyên môn của Hội, anh Văn Dung có vai trò rất quan trọng, như là một người tổng đạo diễn rất nhanh nhạy và chọn lọc, biên tập các tiết mục. Anh ấy vốn là nhà báo cho nên những điều đó thì tuyệt vời. Còn đời thường, anh Văn Dung có thể chơi với tất cả mọi người một cách hòa đồng. Anh có thể ngồi nói với chúng tôi hàng giờ về chuyện đời, chuyện nghề.

Anh Văn Dung có một câu nói rất nổi tiếng như thế này “Đằng sau những nốt nhạc chính là lòng nhân ái. Chúng ta đã trải qua những năm tháng không thể quên, đã trải qua những năm tháng bom đạn với biết bao hy sinh xương máu chính là để giành lại những khát vọng xanh, đó là khát vọng của hòa bình, của tình yêu thương”.

Nhạc sĩ Văn Dung cùng các nhạc sĩ trong Hội Âm nhạc Hà Nội.Nhạc sĩ Tân Huyền, người bạn thân thiết với nhạc sĩ Văn Dung từng gọi ông là "người lữ hành không mệt mỏi" trong hành trình đi tìm cái hay, cái đẹp, tìm về chính mình trong cõi sâu thẳm của tâm thức thanh âm. Với nhạc sĩ Văn Dung, âm nhạc không đo đếm ở cung bậc mà chỉ là những điều người ta cảm nhận trước cuộc sống hiện hữu và không hiện hữu. Người nhạc sĩ chỉ là người ghi chép lại điều đó bằng những thanh âm. Giờ đây, ông đã khép lại hành trình của mình nhưng những cống hiến âm nhạc của ông sẽ đọng lại mãi với thời gian và trong lòng công chúng./.

Hạnh Lê/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận