'Thể hiện tác phẩm văn học qua làn sóng là cách để tác phẩm có thêm một đời sống mới'

Là một trong những giọng đọc đẹp, sáng và giàu cảm xúc, PTV Hải Yến đã cống hiến cho nghề phát thanh những dấu ấn khó quên.

 

Nhân dịp Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, 21/4, phóng viên VOV có cuộc trò chuyện cùng chị về nội dung này.

Là PTV văn nghệ kỳ cựu của làn sóng Tiếng nói Việt Nam, chị có những cảm xúc gì khi thể hiện các tác phẩm văn học?

Trong phát thanh, giọng nói chiếm ưu thế vô cùng quan trọng. Bằng âm thanh, giọng nói, phát thanh viên phải thể hiện làm sao để thính giả hiểu hết được nội dung mà tác giả muốn chuyển tải và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Đặc biệt hơn là những tác phẩm văn học nghệ thuật. Cho nên, nắm được hồn cốt của tác phẩm là điều vô cùng quan trọng, từ đó người đọc thổi hồn vào từng con chữ, tạo cảm xúc cho người nghe. Trong các chương trình văn nghệ của VOV6 có rất nhiều thể loại như ký, ghi chép, tản văn, thơ, truyện ... Mỗi một thể loại, người thể hiện phải biến hoá con chữ, sắc thái giọng đọc thay đổi liên tục và điều quan trọng là bắt đúng cảm xúc của nhân vật... Tất cả để cho tác phẩm đến với thính giả một cách trọn vẹn nhất.

Khi thể hiện các tác phẩm trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya”, chắc hẳn có những cảm xúc đặc biệt với chị?

Riêng với chương trình “Đọc truyện đêm khuya”, với nhiều đề tài phong phú, những câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn nên chúng tôi được thoả sức tung tẩy với từng con chữ, được sống và được thăng hoa cảm xúc với từng nhân vật trong tác phẩm.

Tôi nhớ mãi lần được thể hiện truyện ngắn “Chiếc võng dù” của tác giả Ngọc Diệp. Câu chuyện kể về một người lính trở về sau chiến tranh. Đó là một câu  chuyện lấy nhiều cảm xúc của tôi. Một PTV chuyên nghiệp khi thể hiện tác phẩm phải làm chủ được cảm xúc nhưng vì đó không phải là chương trình phát thanh trực tiếp nên tôi đã cho phép mình được vỡ oà cảm xúc theo bản năng. Tôi đã rơi nước mắt, cố kìm nén nhưng không thể. Kỹ thuật viên thu thanh hôm đó là chị Hương Giang đã rất đồng cảm và nói với tôi rằng: “Chị ơi, mình nghỉ giải lao tí xíu rồi đọc tiếp nhé”. Gần đây nhất, tôi đọc truyện ngắn “Như giọt chuông ngân” của tác giả Hồ Loan, đoạn nói về tâm sự của người cha chia tay con gái khi cô sắp chết và tình nguyện hiến tạng, đó là lời sau cuối của tình phụ tử, mắt tôi nhòa đi, giọng tôi nghẹn lại, tôi cố đọc trong tâm trạng buồn đau của nhân vật. Lúc ấy, biên tập viên chương trình theo dõi và vẫn để tôi đọc hết đoạn này. Sau đó, chúng tôi nghe lại, quả thực rất xúc động. Chắc chắn thính giả cũng có sự đồng cảm đó với nhân vật, với người thể hiện. Trong suốt mấy chục năm làm nghề, tôi đã vinh dự được thể hiện rất nhiều tác phẩm hay, đã để lại ấn tượng sâu sắc cho chính người thể hiện cũng như người nghe.

Các chương trình Văn nghệ của VOV6 hấp dẫn cũng một phần là nhờ sự thể hiện của các giọng đọc, trong đó có giọng đọc của chị. Chị có suy nghĩ gì khi nhận được sự phản hồi của thính giả cả nước dành cho chương trình?

Khi tác phẩm phát sóng nhận được phản hồi tích cực của thính giả hay của chính tác giả là điều hạnh phúc đối với tôi và những người làm chương trình. Điều này đã động viên, khích lệ tôi rất nhiều trong công việc. Tôi đã nhận được rất nhiều thư, tin nhắn của thính giả gửi đến, họ bày tỏ niềm vui sướng, cảm xúc, tình cảm khi được nghe những truyện ngắn hay, những bài ký, tùy bút… Hạnh phúc nào hơn khi nhận được tình cảm của thính giả gần xa dành cho chương trình, dành cho các giọng đọc. Họ phản hồi rằng, tác phẩm hay quá, câu chuyện cảm động quá, giọng đọc ấm áp quá…Tôi như vỡ òa niềm vui. Có một thính giả sau khi nghe đã nhắn tin ngay trong đêm cho tôi rằng: “Em nghe chị đọc truyện mà em khóc theo, buồn vui cùng nhân vật. Chị đọc như rút ruột người ta vậy”. Điều đó khiến cho tôi có thêm động lực để thể hiện tác phẩm hay hơn, hấp dẫn hơn.

 Chị có cho rằng, tác phẩm văn học qua giọng đọc truyền cảm của phát thanh viên được nâng lên một tầm cao, sáng rõ hơn và hấp dẫn hơn?

Vâng, đúng vậy. Tác phẩm văn học nếu chỉ đọc bằng mắt thì mới chỉ dừng lại ở cảm nhận nội dung trong suy nghĩ, nhưng khi thông qua giọng đọc truyền cảm của các PTV thì ngoài cảm nhận được nội dung, thính giả còn cảm nhận được cái hay, cái đẹp của ngôn từ tiếng Việt. Thể hiện tác phẩm văn học nghệ thuật qua làn sóng là một cách làm mới để tác phẩm có thêm một đời sống mới, đó là vẻ đẹp của Tiếng nói Việt Nam. Cho nên khi đã vào phòng thu và ngồi trước micro để thể hiện tác phẩm, PTV phải tạm quên đi những công việc ngoài đời để hoá thân vào nhân vật của tác phẩm thông qua từng con chữ. Lúc ấy, những vẻ đẹp lấp lánh văn chương, thế giới của nhân vật, câu chuyện,... sẽ cuốn PTV say mê với con chữ mà truyền tải đến thính giả, và người đọc sẽ bộc lộ hết khả năng của mình. Tôi nghĩ, PTV cũng có sự sáng tạo để góp phần làm tăng thêm sự hấp dẫn, lôi cuốn của tác phẩm.

Các chương trình Văn nghệ của VOV6 hấp dẫn cũng một phần là nhờ sự thể hiện của các giọng đọc, trong đó có giọng đọc của phát thanh viên Hải Yến.

          Việc nghe đài, đọc sách là rất quan trọng. Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ yêu thích đọc sách, nghe đài?

Ai cũng biết lợi ích của việc đọc sách, đọc tác phẩm văn học hay nghe tác phẩm qua âm thanh, qua làn sóng phát thanh. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT như hiện nay đã tác động rất lớn đến thói quen đọc sách của mọi người, nhất là các bạn trẻ. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của các phương tiện nghe nhìn khác cũng tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của giới trẻ. Nhưng khi các bạn nhận thức được đầy đủ vai trò của đọc sách hay nghe những tác phẩm hấp dẫn qua âm thanh thì chắc chắn các bạn sẽ trân quý những giá trị mà tác phẩm mang lại. Thay đổi thói quen bằng cách tập nghe Đài, theo dõi các chương trình Văn nghệ trên làn sóng, tập bỏ thói quen chơi facebook, điện thoại,… mà hãy cầm một cuốn truyện hoặc nằm nhắm mắt, thư thái nghe Đài… Bạn hãy cảm nhận qua âm thanh, qua tiếng nói của người đọc. Bạn sẽ được thưởng thức một thế giới âm thanh sống động, đẹp đẽ của Tiếng Việt, được nghe những tác phẩm tuyệt vời. Đó là một thế giới khác mà bạn được chạm đến. Như thế không thú vị sao?

Thông qua giọng đọc của PTV, tác phẩm trở nên hấp dẫn với thính giả hơn. Từ đó họ có thể tìm đến các tác phẩm khác của tác giả đó. Điều này có khiến cho chị vui không khi mình đã góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm và sự lan tỏa văn hóa đọc?

Tác phẩm văn học có giá trị là khi tác phẩm ấy mang lại những điều tốt đẹp cho con người, đạt đến chân - thiện - mỹ. Qua làn sóng, tác phẩm văn học đến với thính giả cả nước, kiều bào xa Tổ quốc,… nơi đâu cũng được nghe Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói dân tộc mình. Các nhà văn, nhà thơ cảm thấy hạnh phúc khi tác phẩm được phát sóng trên Đài, càng hạnh phúc hơn khi qua nghe tác phẩm phát sóng, thính giả tìm kiếm những tác phẩm khác của họ. Tôi cũng cảm thấy mình đã góp phần cộng hưởng những giá trị tốt đẹp mà tác phẩm văn chương mang lại, góp phần vào sự lan tỏa “hữu xạ tự nhiên hương” của tác phẩm. Hãy nghe thật nhiều, đọc và cảm nhận thật nhiều, thật sâu, chúng ta càng cảm nhận được vẻ đẹp lấp lánh của Tiếng nói Việt Nam.

    Cảm ơn chị đã chia sẻ!.

                                                                                             Vân Khánh thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận