Xã hội hiện đại, việc đọc sách cũng có nhiều thay đổi. Cùng với sách giấy truyền thống, người đọc giờ đã có thêm sách điện tử (eBook), có cơ hội tiếp cận với các trang web, các sàn giao dịch sách online, chợ sách trực tuyến… Và hẳn sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một phương thức khác nữa của văn hóa đọc được rất nhiều người ưa chuộng - đó chính là “nghe sách”.
Với Đài Tiếng nói Việt Nam, từ lâu các chương trình giới thiệu sách, các tác phẩm văn học nghệ thuật được các kênh của VOV đọc và giới thiệu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều thính giả, góp phần đáng kể trong việc lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng... Cùng VOV trò chuyện với nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng ban Văn học - Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam.
PV: Thưa nhà báo Trần Nhật Minh! Đài TNVN từ trước đến nay luôn thể hiện vai trò đặc biệt của mình trong phong trào phát triển văn hóa đọc. Điều này được xem như là sứ mệnh của Đài TNVN và sứ mệnh ấy được trao cho Ban Văn học - Nghệ thuật VOV6 với các “thương hiệu” như là: Đọc truyện đêm khuya, các chương trình giới thiệu sách, rồi các tác phẩm văn học nghệ thuật được VOV6 đọc và giới thiệu trên sóng phát thanh… Vậy Đài TNVN nói chung và Ban Văn học - Nghệ thuật VOV6 nói riêng đã thể hiện vai trò của mình như thế nào trong việc đẩy mạnh văn hóa đọc, thưa ông?
Nhà báo Trần Nhật Minh: Không chỉ Ban Văn học - Nghệ thuật mà rất nhiều Ban với những chương trình phát thanh, với những chương trình truyền hình, với những trang điện tử thì Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục tạo cho các lớp thính giả, độc giả, khán giả niềm yêu thích những cuốn sách, để cộng đồng đến với những cuốn sách, giá trị văn chương, những giá trị về văn hóa, cả những sách về chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật một cách sâu sắc nhất, dẫn dụ họ tới tình yêu với những trang sách. Tôi nghĩ đấy là sứ mệnh cũng như trách nhiệm, chúng tôi liên tục phải làm, liên tục phải thay đổi cách truyền thông để là cầu nối giữa các lớp công chúng với những trang sách.
PV: Trong thời đại số hiện nay, như chúng ta đều biết việc đọc sách, thường thức sách cũng đã có những thay đổi. Vậy VOV6 đã thích ứng ra sao và có những thay đổi gì để đáp ứng nhu cầu nghe - đọc của độc giả cũng như khán, thính giả hiện nay, thưa ông?
Nhà báo Trần Nhật Minh: Chúng tôi đưa văn hóa đọc đan cài vào nhiều format. Format trực diện người nghe thấy ngay như: Mục “Thư viện VOV6” trong chương trình Văn nghệ, chúng tôi giới thiệu những tác phẩm mới, những tác giả mới có tiếng vang trong cộng đồng. Đan cài vào đó, chúng tôi có những chương trình luôn lồng ghép, ủng hộ văn hóa đọc ví dụ như những chương trình về chân dung các văn, nghệ sĩ như “Hành trình sáng tạo” hay mới đây là chương trình “Tôi và Tôi”.
Cũng một cách nữa là các tác phẩm hay, chúng tôi giới thiệu trên sóng với thương hiệu quen thuộc đó là “Đọc truyện đêm khuya”, bài thơ hay thì giới thiệu trong chương trình “Tiếng thơ”. Và một cách nữa là các tác phẩm hay, chúng tôi chuyển thể thành câu chuyện truyền thanh, các tiểu phẩm cho trẻ em.
Thế rồi, chúng tôi phối hợp với các đơn vị truyền thông có thế mạnh về mạng, về số để đưa các chương trình hay lên nền tảng số. Gần đây, chúng tôi phối hợp với Trung tâm quảng cáo truyền thông đa phương tiện của Đài Tiếng nói Việt Nam đưa lên trang VOV Live. Và Đọc truyện đêm khuya của chúng tôi còn dành được nút bạc của Youtube. Thì đấy là cách mà tôi nghĩ công chúng cũng rất ủng hộ và cũng chứng tỏ rằng văn hóa đọc vẫn đang có giá trị trong lòng công chúng.
PV: Những câu chuyện như thế nào sẽ được lựa chọn để đáp ứng thị hiếu của thính giả hiện nay (vì nhu cầu hiện nay các bạn trẻ hướng tới những gì ngắn gọn, súc tích) cũng như giúp tăng thêm niềm đam mê với văn hóa đọc, thưa ông?
Nhà báo Trần Nhật Minh: Rõ ràng phải là những tác phẩm hay, mang giá trị nhân văn, nhân bản rồi những yếu tố về thẩm mỹ và đặc biệt ngôn ngữ viết phải rất trong sáng Tiếng Việt. Phù hợp với tốc độ cuộc sống thì chúng tôi cũng chọn những tác phẩm với lối viết nhanh mang tính hiện đại để làm sao thính giả, độc giả có thể tiếp cận được tác phẩm theo không khí, không gian hiện đại. Chúng tôi liên tục quảng bá trên các trang mạng để giới thiệu cho người đọc những địa chỉ nghe vào những giờ thích hợp. Với những tác phẩm dài như các tiểu thuyết, chúng tôi cũng chia nhỏ ra từng phần, đọc trong từng chương trình và kèm theo đó là lời bình, lời giới thiệu để giúp cho thính giả, độc giả có thêm nguồn tư liệu, có thêm những cái góc nhìn, góc tiếp cận, góc hiểu biết, góc bình phẩm về những tác phẩm thì người đọc và người nghe sẽ tiếp thu tác phẩm được trọn vẹn và thuận lợi hơn.
PV: Và ông có nghĩ việc “nghe sách” qua đài từ những giọng đọc vàng của các nghệ sĩ, phát thanh viên tên tuổi của VOV cũng đã làm tăng thêm tính hiệu quả, tạo sự thu hút người nghe?
Nhà báo Trần Nhật Minh: Tôi nghĩ đây là yếu tố nối trang sách ra với đời và nó hoàn toàn phù hợp với thế mạnh của phát thanh. Tiếng nói gây ra sự tưởng tượng và sự tưởng tượng đó lại rất phù hợp với văn chương. Những áng văn hay, những áng thơ hay mà được ngân giọng lên rồi kết hợp với âm nhạc thì nó tạo nên một cái không gian hết sức thú vị, hết sức rung cảm để người nghe lại có quyền sáng tạo thêm một lần nữa bằng sự tưởng tượng của chính mình. Nghìn người nghe, triệu người nghe là nghìn, triệu sự tiếp nhận khác nhau. Đây là một thế mạnh mà Ban Văn học - Nghệ thuật cũng đang tận dụng và sẽ phải tiếp tục khai thác cái giá trị, cái thế mạnh này để làm cho làn sóng văn nghệ được phong phú và chất lượng hơn.
PV: Theo ông, làm thế nào để giúp các bạn trẻ đến với sách nhiều hơn (bao gồm cả sách nói lẫn sách in, sách điện tử)?
Nhà báo Trần Nhật Minh: Tôi nghĩ ngoài vai trò của các cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí rồi các nhà xuất bản phải liên tục có những cách thức để làm sao đưa sách đến với độc giả bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong nhà trường việc đẩy mạnh văn hóa đọc phải làm sao đi vào chiều sâu và thiết thực, chúng ta không nên chỉ là ngày đọc sách thì mới nhắc tới, rồi những đợt ra quân tặng sách cho bà con vùng sâu vùng xa thì điều đó cũng tốt nhưng nếu chúng ta chỉ dừng ở hình thức thì mãi mãi sách sẽ nằm chết. Tôi đã chứng kiến nhiều nơi là sách rất quý, vùng xuôi lặn lội mang tới cho bà con nhưng cuối cùng là nằm chất đống, mốc meo ở trong nhà kho.
Thì tôi nghĩ chính quyền địa phương, nhà trường và thậm chí các gia đình hướng dẫn, kích hoạt tình yêu sách đến với lớp trẻ. Không chỉ là đưa ra quyển sách rồi ép các em đọc mà làm sao để các em thấy rằng đọc sách rất cần thiết cho cuộc sống, nó tái tạo cho các em sự sáng tạo và thực sự nó giúp ích trong con đường khởi nghiệp, trong con đường sáng tạo và trong con đường mà các em tiếp tục đi. Nếu các bạn không đọc sách, nếu không có sách làm bạn đồng hành thì con đường của các bạn sẽ rất nghèo nàn.
PV: Trân trọng cảm ơn nhà báo Trần Nhật Minh!./.
Thu Hằng/VOV2