Phát thanh chỉ có giọng nói để giữ chân thính giả
Bên cạnh nội dung mang tính thời sự cao, các chương trình phát thanh trực tiếp dự thi trong kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 còn được xây dựng ấn tượng, tích hợp đối công nghệ mới để phát sóng đa phương tiện trên nhiều nền tảng như Facebook, Youtube, Tiktok… tạo sức hút lớn với khán thính giả.
Với 30 đơn vị tham gia thi, phát thanh trực tiếp đã minh chứng vai trò là “linh hồn” của mỗi kỳ Liên hoan Phát thanh.
Là khách mời trong Chương trình “Điện ảnh TP.HCM vượt sóng” của Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6), Đài TNVN, tham gia dự thi hạng mục phát thanh trực tiếp, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẽ sự hồi hộp khi xuất hiện trước thính giả, trước công chúng với vai trò là một thí sinh.
Chia sẻ sau khi kết thúc chương trình, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Tôi đã rất nhiều lần tham gia trả lời phỏng vấn hay các buổi giao lưu, nhưng đến với chương trình hôm nay tôi cũng rất hồi hộp, cảm nhận như mình là một thí sinh trong chương trình. Trên sóng trực tiếp, tôi không sợ những câu hỏi khó, tôi chỉ sợ những câu hỏi nhạy cảm. Đây chính là cái khó của phát thanh trực tiếp, khi nhận câu hỏi của thính giả mà lại không thể trả lời”.
Có một ấn tượng mới về phát thanh, đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng chia sẻ cảm nhận, những người làm phát thanh chỉ có giọng nói để giữ chân thính giả. Chỉ bằng giọng nói, chứ không phải hình ảnh để truyền tải câu chuyện tới khán thính giả.
Từ hội trường theo dõi các chương trình dự thi phát thanh trực tiếp, không ít ý kiến cho rằng, nhiều tác phẩm được dàn dựng giống như một chương trình truyền hình. Như vậy “chất liệu tiếng” có bị đánh rơi?
Trả lời câu hỏi này của PV Báo Điện tử VOV, ông Vũ Quang Hào, Giảng viên cao cấp Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Tiểu ban Phát thanh trực tiếp cho rằng: “Ý kiến đó chúng ta trân trọng, nhưng xét về chuyên môn thuần tuý, chúng tôi không cho rằng đó là những chương trình dàn dựng theo cách làm truyền hình. Thực tế, đây là nhưng chương trình phát thanh trực tiếp và trong bối cảnh hiện nay, nhờ có công nghệ và sự chế định của công nghệ nên nhiều chương trình đã tận dụng đa nền tảng để đầu ra đa dạng hơn. Bên cạnh sóng phát thanh, phát thanh trên internet chúng ta còn Facebook, Tik Tok… và đi theo các kênh có thính giả nhiều hơn và tiện lợi nhiều hơn so với trước đây. Có một yếu tố nếu kíp sản xuất không thận trọng thì có thể đây đó đánh rơi mất “linh hồn” của âm thanh, chất liệu và cách thức trình diễn âm thanh để thu hút công chúng”.
Cũng theo ông Vũ Quang Hào, phát thanh trực tiếp là phương thức thực sự hiện đại, có tính tinh hoa và phù hợp với lối sản xuất phát thanh cho thính giả Việt Nam. Phát thanh trực tiếp vẫn luôn giữ được vai trò và linh hồn của mình ở việc tạo cơ hội cho công chúng, thính giả được tương tác với những người làm phát thanh và đưa tiếng nói của mình lên sóng trực tiếp: “Với nghiên cứu của riêng chúng tôi cũng như sự thừa hưởng các kết quả nghiên cứu ở nước ngoài, cho đến nay, chưa có phương thức phát thanh hiện nào thay thế được phát thanh trực tiếp. Sự tương tác này thực sự là một cuộc đối thoại, trong đó, công chúng không đơn thuần đón đợi thông tin từ phát thanh mà còn phản hồi, phản biện, chia sẻ và trông đợi những phải hồi, giải thích, phân tích… mà bấy lâu nay họ khó tìm kiếm được ở các kênh truyền thông khác”.
Một tháng để chuẩn bị cho chương trình 30 phút
Là đơn vị đầu tiên thi Chương trình phát thanh trực tiếp tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15, BTV Khánh Ngọc, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội cho biết, điều này có gây một chút áp lực. Tuy nhiên, với kinh nghiệm tham gia nhiều kỳ liên hoan phát thanh, chị đã học hỏi nhiều từ các đồng nghiệp từ các Đài trên cả nước.
Theo BTV Khánh Ngọc, qua mỗi kỳ thi, Chương trình phát thanh trực tiếp lại được đầu tư thêm về mặt kỹ thuật, theo đó, sự giao lưu tương tác với thính giả nhiều hơn. Đây cũng là thách thức với các biên tập viên vì phải xử lý được những câu hỏi khó của thính giả ngay trên sóng trực tiếp.
“Tôi rất vui khi đã hoàn thành phần thi trọn vẹn và phần thi đã thu hút sự theo dõi khá đông đảo của thính giả. Chương trình phát thanh nhận được càng nhiều câu hỏi và sự tương tác của thính giả cho thấy sức hấp dẫn của nội dung. Như vậy, phát thanh vẫn đang thu hút được rất nhiều thính giả và công chúng”, BTV Khánh Ngọc chia sẻ.
Là chương trình phát thanh tiếng Pháp, với khách mời là người nước ngoài, ê-kíp dự thi Chương trình phát thanh trực tiếp của Ban Đối ngoại (VOV5), Đài TNVN đã giành nhiều tâm huyết và công sức để giàn dựng chương trình. Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên ê-kíp thực hiện livestream, nên không khỏi lo lắng từ vấn đề kỹ thuật đến vấn đề bản quyền.
BTV Thùy Văn một trong 2 MC dẫn chương trình “Gặp gỡ Kenjah David - Đại sứ âm nhạc Pháp tại Việt Nam” của VOV5 chia sẻ: “Ê-kip thực hiện chương trình gồm 2 MC, một kỹ thuật viên và một bạn hỗ trợ livestream. Chúng tôi đã mất 1 tháng để chuẩn bị nội dung, “làm xong bỏ, làm xong bỏ” nhưng cuối cùng đã thống nhất được một kịch bản vừa có chiều sâu nội dung vừa đảm bảo thời lượng. Khi thực hiện chương trình, cả hai MC đều rất căng thẳng, đều phải nhìn màn hình, nhìn đồng hồ và ra hiệu cho nhau để biết là đến phần này là làm tốt rồi, phần sau được chưa và trao đổi ra hiệu với bạn kỹ thuật viên là phần âm thanh này cần phải to lên hay nhỏ đi. Cả ê-kip đều đã rất ăn ý với nhau để hoàn thành chương trình”.
Với mỗi kỳ Liên hoan Phát thanh toàn quốc, Chương trình phát thanh trực tiếp luôn luôn là “linh hồn”. Qua những kỳ liên hoan, số lượng các đơn vị tham gia Chương trình phát thanh trực tiếp ngày càng đông đảo. Năm nay có 30 đơn vị tham gia và số lượng này nói lên rằng thời nay không chỉ đơn giản là thời của phát thanh, mà là thời của phương thức phát thanh trực tiếp.
Phát thanh trực tiếp đã có lịch sử 30 năm qua ở Việt Nam, nhưng những năm gần đây đặc biệt là thông qua những kỳ liên hoan phát thanh, phát thanh trực tiếp thực sự đánh dấu vị trí quan trọng trong phát thanh hiện đại./.
Theo VOV.VN