Nhiều tác phẩm hay, đậm hơi thở cuộc sống

Các tác phẩm phát thanh dự thi năm nay được các Đài PT-TH địa phương đầu tư nhiều công sức, chất xám, công nghệ.

 

 Nhiều tác phẩm có nội dung hay, sáng tạo phản ánh đa dạng  các vấn đề đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 được nhiều Đài PT-TH lựa chọn làm đề tài, dự thi ở nhiều thể loại.

Nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, sinh động và giàu xảm xúc

Là thành viên Tiểu ban Phóng sự, ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài PT-TH Thanh Hóa đánh giá, các tác phẩm dự thi đều đạt chất lượng tốt về cả nội dung và hình thức, qua đó cho thấy sự quan tâm, đầu tư công phu, chuyên nghiệp của các tác giả và đơn vị dự thi. Các tác phẩm có tính phát hiện, phản ánh sinh động thực tiễn và giàu cảm xúc với các đề tài như: Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; gương người tốt, việc tốt… Trong đó, dấu ấn mạnh mẽ nhất vẫn là các tác phẩm phản ánh cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19, thể hiện tinh thần dấn thân, cống hiến của các nhà báo.

Chương trình chuyên đề/talkshow – chương trình thảo luận, trò chuyện về một vấn đề, sự kiện nóng là một trong những chương trình thu hút, thính giả lắng nghe đã được các Đài PT-TH địa phương quan tâm đầu tư cả về nội dung, hình thức và cách thức thể hiện. Là Trưởng Tiểu ban giám khảo chương trình chuyên đề/talkshow, bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Đài PT-TH Yên Bái, cho biết: “Năm nay các chương trình chuyên đề/talkshow dự liên hoan nhìn chung đã có bước tiến bộ về chất lượng. Đề tài các chương trình đã mang hơi thở của thực tiễn, thực sự gắn bó với cuộc sống, lao động học tập của các tầng lớp nhân dân. Trong đó có nhiều chương trình đề cập đến cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid -19 sinh động, chân thật và nhiều xúc cảm...”.

Bên cạnh đó, những vấn đề nóng như: Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ứng xử trên không gian mạng, tội phạm trên không gian mạng, trẻ em với mạng xã hội,… được các Đài PT-TH dàn dựng kỳ công đã phản biện thấu đáo, thuyết phục. Cũng theo bà Nguyễn Thanh Thủy, nét mới của Liên hoan Phát thanh lần này là một số Đài PT-TH đã chọn những vấn đề của vùng, của khu vực để làm đề tài và tổ chức cho phóng viên tác nghiệp liên tỉnh chứ không gói vấn đề trên địa bàn tỉnh mình.

Ông Mạc Kỉnh Hào, Trưởng phòng Phát thanh, Đài PT-TH TP Cần Thơ, thành viên Tiểu ban giám khảo Giải thưởng giọng vàng, Dàn dựng chương trình, Ứng dụng nền tảng số cho biết, lần đầu tiên được tổ chức, phần thi quy tụ gần như đầy đủ các đài địa phương đăng ký tham gia, các tác phẩm mang đến nét đặc trưng các vùng miền, tạo nên sự đa dạng, phong phú và sinh động cho cuộc thi. Đặc biệt là ở cuộc thi giọng vàng, các phát thanh viên, người dẫn chương trình chuyên nghiệp đã thể hiện rất rõ kỹ năng giọng nói ở nhiều thể loại, khả năng tương tác và làm chủ một chương trình radio và truyền cảm hứng bằng giọng nói chạm đến trái tim người nghe.

Phỏng vấn phát thanh được đánh giá là một thể loại khó trong việc tạo sự hấp dẫn, cuốn hút thính giả, vì toàn bộ nội dung cơ bản chỉ thể hiện qua phần nói chuyện giữa người hỏi và người trả lời. Bởi thế, để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn thính giả, bên cạnh việc đầu tư công phu cho nội dung câu chuyện thì các tác giả đã có những cách thể hiện mới, cách dẫn dắt mới. Là thành viên của Tiểu ban giám khảo Phỏng vấn, ông Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm thông tin tỉnh Quảng Ninh cho biết, đề tài về thể loại phỏng vấn khá đa dạng, song chiếm ưu thế là viết về gương người tốt việc tốt, đặc biệt là các tấm gương lao động, cống hiến vì cộng đồng. Có tới gần 40% số tác phẩm tham gia chọn mảng đề tài này.

Ban Tổ chức nhận được 349 tác phẩm tham dự LHPT lần thứ XV, trong đó: 80 phóng sự, 55 phỏng vấn, 30 câu chuyện truyền thanh, 66 chương trình chuyên đề/talkshow, 39 kịch truyền thanh, 35 chương trình trực tiếp, 24 tác phẩm thi giọng vàng, 18 chương trình thi dàn dựng chương trình, chương trình đăng ký thi nền tảng số. 195 tác phẩm ở miền Bắc, 42 tác phẩm ở miền Trung-Tây Nguyên, 107 tác phẩm miền Nam.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Đài VOH, thành viên Tiểu ban giám khảo Câu chuyện truyền thanh nhận xét: Qua chấm sơ khảo, chung khảo thể loại Câu chuyện truyền thanh tôi thấy có mấy nhóm vấn đề nổi lên đó là: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm rõ tư tưởng phản động; cuộc chiến chống Covid-19; các quy định pháp luật về giao thông đường bộ; giới thiệu về nét đẹp của địa phương; bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt… Hầu hết các tác phẩm Câu chuyện truyền thanh vào vòng chung khảo đều đạt chất lượng tốt, nhiều tác phẩm đã có sự đổi mới về công nghệ, có sự chuyển đổi linh hoạt cách thức sản xuất chương trình... Tuy nhiên theo ông Nguyễn Quốc Bình, khi nói đến kịch truyền thanh thì phải có tính kịch, vì thế cần phải nâng cao tỷ lệ tính kịch trong tác phẩm.

Nhiều cách làm mới theo xu hướng phát thanh hiện đại

Phát thanh ngày nay không thuần túy chỉ là nghe, mà cần đáp ứng nhu cầu của công chúng dưới nhiều dạng thức, nhiều loại hình truyền thông khác nhau gồm: video, audio, văn bản, phát trực tiếp liên tục 24/7, Internet, podcast, mobile để tạo ra ảnh hưởng lớn nhất và rộng rãi nhất. Công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong kỷ nguyên số của phát thanh hiện đại.

Ông Nguyễn Quốc Bình, thành viên Tiểu ban giám khảo Câu chuyện truyền thanh, cho biết: “Tham dự LHPT lần này, nhiều tác phẩm Câu chuyện truyền thanh đã có sự đổi mới về công nghệ, có sự chuyển đổi linh hoạt cách thức sản xuất chương trình... Phóng viên sử dụng âm thanh, tiếng động, âm nhạc để minh họa rất tốt, giúp người nghe có thể tưởng tượng câu chuyện diễn biến, vẽ trong đầu họ là hình ảnh chứ không chỉ âm thanh”. Cũng theo ông Bình, các tác giả đã sử dụng âm nhạc rất hay, trước chỉ minh họa một đoạn ngắn, nay xuất hiện cả một trường đoạn  để nuôi cảm xúc cho thính giả. Cách sử dụng công nghệ của các tác phẩm dự thi khá tốt và giữa các đài không có sự chênh lệch nhiều về công nghệ. Về cách thể hiện tác phẩm, một số Đài TP-TH địa phương dùng đan xen nhiều thủ thuật về thời gian, đan xen lúc hiện tại lúc quá khứ, một số tác phẩm sử dụng từng chương, từng phần, chia từng phần nội dung để kể câu chuyện.

Qua chấm các tác phẩm lọt vào chung khảo, đa phần các giám khảo đều nhận thấy sự đầu tư, nỗ lực ứng dụng công nghệ trong việc thể hiện các tác phẩm phát thanh. Trước đây, phóng viên hoặc tác giả khi làm phát thanh “lẩn” trong sóng, thính giả không “thấy”, nhưng giờ đây phóng viên phải chấp nhận hữu hình bởi các tác phẩm phát thanh xuất hiện trên mạng xã hội, trang web, phải tương tác trực tiếp với thính giả, phải chấp nhận tư duy làm phát thanh mới.

Ông Mạc Kỉnh Hào cũng cho rằng, cách thức thể hiện của các tác phẩm lần này thể hiện của các tác phẩm, chương trình tham dự liên hoan năm nay rất có sự đổi mới, sáng tạo, rất sinh động và lôi cuốn người nghe. Các tác giả đã sử dụng một cách hợp lý, nhuần nhuyễn và hiệu quả giữa lời nói và tiếng động âm nhạc... Đáng chú ý, hình thức phát thanh hiện đại, tương tác với thính giả  được thể hiện rất rõ nét. Nhiều chương trình không còn là biên tập viên hay phát thanh viên dẫn đọc nữa mà mang đậm chất “talk” hơn.

                            

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Tiểu ban giám khảo Chương trình chuyên đề/Talkshow:

Các chương trình chuyên đề có bước tiến bộ về chất lượng

Năm nay các chương trình Chuyên đề/ Talkshow dự liên hoan nhìn chung đã có bước tiến bộ về chất lượng. Đề tài các chương trình đã mang hơi thở của thực tiễn, thực sự gắn bó với cuộc sống chiến đấu, lao động và học tập của các tầng lớp nhân dân. Trong đó có nhiều chương trình đề cập đến cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid - 19 sinh động, chân thật và nhiều xúc cảm...

 

Ông Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm thông tin tỉnh Quảng Ninh:

Với phát thanh hiện đại, ranh giới thể loại dần bị xóa nhòa

 Phần lớn các tác phẩm  có sự đầu tư công phu trong cách thức thể hiện, sử dụng nhiều chất liệu khác nhau ngoài âm nhạc, tiếng động hiện trường có thêm voxpop, phóng sự, thể hiện theo hình thức phát thanh thực tế nên nghe rất sinh động, hấp dẫn. Hơn nữa, với phát thanh hiện đại, ranh giới thể loại dần bị xóa nhòa khi trong 1 tác phẩm phỏng vấn phát thanh có thể có sự kết hợp sử dụng nhiều thể loại khác nhau. Và điều quan trọng là phong cách thể hiện của cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn. Cách hỏi và trả lời càng gần gũi, tự nhiên thì càng thu hút được sự chú ý của công chúng.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận