Đạo diễn - nhà biên kịch Phan Huyền Thư: Đài TNVN như một nơi trở về

Sinh năm 1972 tại Hà Nội, Phan Huyền Thư là một nhà thơ, đạo diễn - nhà biên kịch để lại nhiều dấu ấn với dòng phim tài liệu.

 

Các tác phẩm tiêu biểu của chị như: Cha mẹ xin lỗi con, Quyền được học, Mẹ - con đã về, Cuộc đua, Cuộc đời sau trang sách… Chị nhận được nhiều giải thưởng nghề nghiệp uy tín tại các Liên hoan phim điện ảnh và truyền hình, Giải cánh diều của Hội điện ảnh Việt Nam, Giải báo chí Quốc gia. Một số tác phẩm của chị được mua bản quyền phát sóng ở nước ngoài, tham dự  nhiều Liên hoan phim tài liệu quốc tế và được công chiếu ở các trường đại học lớn trên thế giới.

“Lần đầu tiên bước vào phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi mới 5 tuổi và bắt đầu sinh hoạt trong đội Sơn ca của Đài, tham gia đóng kịch, thu thanh những ca khúc thiếu nhi, diễn xuất chương trình Văn nghệ thiếu nhi. Sau này trở thành người viết thì lại cộng tác với Chương trình Văn nghệ, Tiếng thơ. Đài Tiếng Nói Việt Nam như một nơi trở về của tôi”. Đó là những lời bộc bạch của nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư. Là con gái đầu lòng của nhạc sỹ Phan Lạc Hoa và ca sỹ NSND Thanh Hoa, chị lớn lên trong khu tập thể của Đài Tiếng nói Việt Nam, sớm quen với lịch đi công tác và biểu diễn dày đặc của mẹ, sớm đảm đương vai trò chị cả chăm sóc các em khi mẹ vắng nhà. Dù đã nhiều năm rời xa căn nhà cũ, nhưng mỗi khi gặp lại các cô chú cùng thế hệ của mẹ, hay những người bạn cùng trang lứa, chị vẫn chào hỏi thân tình, ôn lại kỉ niệm thời thơ bé, như thể chuyện mới hôm qua hôm kia.

“Tôi không dám nhận mình là người trưởng thành đâu. Đôi khi tôi nghĩ tôi vẫn là cô bé 5 tuổi sinh hoạt trong đội Sơn ca của Đài, và suy nghĩ của cô bé 5 tuổi là mình sẽ lớn lên như thế nào, sẽ làm gì. Những mơ ước, suy nghĩ ấy như bầu không khí để tôi hít thở hàng ngày” - Phan Huyền Thư chia sẻ.

Thừa hưởng từ cha mẹ tố chất âm nhạc, từng có hơn mười năm theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nhưng Phan Huyền Thư lại thành danh với văn chương và điện ảnh. Tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, chị vào làm việc tại Tạp chí Thế giới Điện ảnh. Từ đây chị bén duyên với môn nghệ thuật thứ 7 và nỗ lực để trở thành biên kịch, đạo diễn phim tài liệu.

Từ phim tài liệu ngắn mang tên “Khoa” cũng là tác phẩm tốt nghiệp khóa đào tạo đạo diễn phim tài liệu tại Pháp, trong hai năm 2007 – 2008, Phan Huyền Thư liên tiếp gặt hái thành công với các phim: Cha mẹ xin lỗi con, Quyền được đi học, Mẹ - con đã về. Từ đây, chị kiên định với phong cách làm phim tài liệu trực tiếp, tiếp cận hiện thực, kể những câu chuyện qua hình ảnh và âm thanh đời sống. Thời điểm đó, phim tài liệu không lời bình còn mới mẻ ở nước ta và chị đã ghi một dấu ấn sáng tạo đậm nét.

 Phan Huyền Thư thường hướng tới những số phận bé nhỏ chịu nhiều thử thách, éo le, bị thua thiệt về sức khỏe, về hoàn cảnh sống song luôn nỗ lực vươn lên với nghị lực đầy trân trọng. Một trong những tác phẩm gây tiếng vang của chị, tiêu biểu như phim tài liệu “Cha mẹ xin lỗi con”. Vào thời điểm năm 2006, khi tiếp cận vấn đề này, nước ta là một trong những Quốc gia đứng đầu thế giới về tỉ lệ nạo phá thai. Nhân vật chính trong phim hằng ngày đi gom nhặt những xác thai nhi ở bệnh viện và nhiều nơi khác, lập nghĩa trang cho các bé. Đằng sau nghĩa cử này là thực tế đầy xót xa, những câu chuyện buồn day dứt.

Đạo diễn -  nhà biên kịch Phan Huyền Thư dành tình yêu đặc biệt cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Phan Huyền Thư cho biết, khi thực hiện bộ phim này, chị chỉ muốn kể một câu chuyện bình dị để lay động lòng người, không muốn xoáy vào sự nhức nhối, đau đớn, hay nhấn mạnh nó như một vấn nạn. Khi bộ phim phát sóng đã tạo được dư luận rất lớn, nhiều bạn gái trẻ đã có những thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi và tự bảo vệ mình, sống có trách nhiệm hơn. Thông điệp từ tác phẩm tác động đến xã hội – đó là một phần thưởng vô giá, khiến chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Sau “Cha mẹ xin lỗi con”, nhiều tác phẩm vẫn tiếp tục khai thác đề tài này. Hành động nạo phá thai, vứt bỏ thai nhi, thậm chí là vứt bỏ trẻ sơ sinh hiện nay vẫn đang là một thực trạng nhức nhối của xã hội.

Lựa chọn vấn đề là bước đầu tiên của người làm phim tài liệu. Khi tham gia đào tạo cho các bạn trẻ ở Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh TPD, trả lời câu hỏi của học viên: Khi nào thì quyết định làm một bộ phim?, chị chia sẻ rằng: Khi một câu chuyện, một vấn đề mà mỗi lần nghĩ đến đều khiến cho tim bạn đập nhanh hơn, miếng ăn của bạn không còn vị giác nữa, giấc ngủ của bạn không còn tròn đầy, bạn trằn trọc với nó, nhắm mắt lại vẫn cứ nghĩ đến - thì đó là lúc bạn nên làm phim. Các tác phẩm của Phan Huyền Thư đều xuất phát từ những bất an trăn trở như vậy. Và ở vị trí của người đi trước truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sau, Phan Huyền Thư luôn đầy nồng nhiệt, hết lòng.

Quá trình thực hiện một tác phẩm tài liệu hiện thực, có lẽ khó khăn nhất vẫn là khả năng thuyết phục nhân vật của mình, làm thế nào để họ có thể tin tưởng gửi gắm cuộc đời riêng cùng những tâm sự sâu kín qua góc máy quay phim? Đây thực sự là kỹ năng quan trọng nhất, cũng là kỹ năng đầu tiên cần phải học, nếu thực lòng khao khát thực hiện được những tác phẩm có chiều sâu và sự rung cảm. Một trong những kỉ niệm mà Phan Huyền Thư không bao giờ quên, đó là quãng thời gian làm phim “Ba mùa”. Chị cùng các đồng nghiệp vào lòng hồ Sông Sắt (tỉnh Ninh Thuận). Những ngày đầu, chị không được cộng đồng người Raglay ở đó đón nhận, bởi ngôn ngữ bất đồng, bởi họ và chị vốn hoàn toàn xa lạ. Đến bữa cơm, khi họ quây quần bên nhau vui vẻ, chị lủi thủi ra gốc cây bẻ gói mỳ tôm sống ăn rồi uống nước lọc dưới cái nắng khô khát. Nhưng khi đã đến được gần hơn với những người bản địa rồi thì chị ăn cùng họ, đêm nằm trong lều không có điện, xung quanh tối mù mịt, giữa thảo nguyên nhìn lên bầu trời đầy sao. Họ làm gì chị cũng làm theo, đi trồng ngô, đi câu cá, cho gà vịt ăn. Về sau thì họ dường như quên mất sự tồn tại của những người lạ. Nói cách khác, họ đã quen với sự có mặt của đoàn làm phim, coi như người nhà, thân thiết, tin cậy, trải lòng. Và khi ấy, khung hình đầu tiên được bắt đầu.

Thành công với phim tài liệu mở ra cho Phan Huyền Thư nhiều cơ hội hợp tác ở các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và truyền hình. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, các game show do chị làm đạo diễn tạo được dấu ấn trong lòng khán giả. Hào quang dành cho người nổi tiếng cũng rất hấp dẫn. Song có lẽ Phan Huyền Thư đủ tỉnh táo để nhận diện và bước tiếp. Một điều đáng quý nơi chị là tình yêu chị dành cho làn sóng Tiếng nói Việt Nam. Đó là một tình yêu thân gần như người nhà, như ruột thịt. Bởi chị hiểu sâu sắc nơi này là cả tuổi trẻ, sự nghiệp của mẹ chị - NSND Thanh Hoa. Nơi này cũng in dấu ấn buổi đầu làm quen với nghệ thuật, buổi đầu lớn lên với biết bao niềm vui và cả những nỗi buồn – những vui buồn đã trở thành tài sản quý giá của đời người. Những lần trả lời phỏng vấn, hay khách mời phòng thu các chương trình chuyên đề, Phan Huyền Thư đều nhiệt tình chu đáo. Năm ngoái gặp chị, chị lại nhắc về dự định tìm mua một căn chung cư trong khu tập thể của Đài, lấy đó như một nơi đi về của chị…./

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận