'Báo chí hãy tranh thủ 'cưỡi sóng' trong cuộc cách mạng AI'

Trong khuôn khổ các hoạt động của LHPT toàn quốc, Đài TNVN đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: 'Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam'...

 

Con người là yếu tố quyết định

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc VOV cho rằng, gần đây cụm từ chuyển đổi số (CĐS) được báo chí liên tục được nhắc đến. Tuy nhiên, để hiểu và triển khai được diều này không hề dễ dàng.

Tại nhiều cơ quan báo chí, công nghệ hiện đại đã được áp dụng cho quá trình tác nghiệp và phát sóng, xuất bản tới công chúng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nữa của CĐS chính là ở con người, sự thay đổi về tư duy để làm sao tạo ra được một quy trình sản xuất mới, những thông tin mới, thậm chí cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong CĐS. "Rõ ràng, không có công nghệ thì không thể có CĐS hiệu quả, nhưng không có con người thì dù có đầu tư công nghệ lớn đến đâu cũng chưa chắc thực hiện được. Chính vì thế, để CĐS báo chí thực sự đi vào đời sống, cần sự thay đổi lớn ở chính những người làm báo. Thay đổi để phù hợp, thay đổi để phát triển. Câu chuyện không chỉ một sớm một chiều nhưng lại là tương lai của phát thanh - truyền hình trong công cuộc chinh phục công chúng” - Phó Tổng Giám đốc VOV Vũ Hải Quang nhấn mạnh.

Ông Ahmad Shafiq Mirza Mansor, Đài RTM (Malaysia) chia sẻ kinh nghiệm số hoá truyền thông của Đài RTM trong việc quản lý lưu trữ, hiệu quả chuyển giao, kinh nghiệm vận hành, khắc phục, bảo dưỡng cần thiết trong quá trình ứng dụng công nghệ AI/ML vào toàn bộ quy trình hoạt động phát sóng, đặc biệt với các vấn đề tin tức, thời sự giữa trụ sở và các đài khu vực. “Để làm được điều này đòi hỏi sự phối hợp của cả yếu tố kỹ thuật và con người, sự tham gia của phóng viên, quay phim, biên tập hình ảnh, nhà sản xuất, kỹ sư phát sóng” -  ông Ahmad Shafiq Mirza Mansor cho biết.

TS. Veysel Binbay, Giám đốc Ban Công nghệ và Đổi mới ABU khẳng định, CĐS báo chí là xu hướng tất yếu, việc này sẽ giúp tự động hoá các khâu sản xuất tin tức; dùng trí tuệ nhân tạo để hiểu độc giả, để sản xuất podcast, video và các sản phẩm đa phương tiện khác; trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ sắp bài tự động trên trang chủ, gợi ý tin liên quan dựa theo hành vi của độc giả. Điều cần lưu ý là môi trường thay đổi đi liền với thách thức, vì vậy, người làm báo luôn phải đảm bảo sự chính xác, tin cậy về tin tức.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo Matthew O’Sullivan, Tổng Biên tập ABC News khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ở ABC News, tự giác cập nhật kiến thức CĐS vào việc sáng tạo tác phẩm báo chí là điều bắt buộc với phóng viên. Từ hội thảo hôm nay, Việt Nam nên quyết liệt hơn để trí tuệ nhân tạo, nền tảng số là một phần trong quá trình phát triển. Muốn vậy, đào tạo - cập nhật kịp thời những xu hướng, cách làm mới từ báo chí khu vực nên được gấp rút tiến hành.

Ứng dụng AI trong tác nghiệp báo chí

Trí tuệ nhân tạo (AI) xâm nhập, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Có ý kiến lo ngại, AI đặt dấu chấm hết cho ngành báo chí. Tuy nhiên, các chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng, nếu biết tận dụng lợi thế, AI hỗ trợ cho báo chí rất tốt.

Theo chuyên gia AI Francesco Marconi, Trưởng bộ phận R&D của WSJ, thực tế AI không lấy mất việc mà hỗ trợ cho phóng viên, biên tập viên nhiều hơn họ nghĩ. CEO của tập đoàn truyền thông Ringier Group lưu ý, báo chí đã để lỡ tàu trong cuộc cách mạng công nghệ, kết quả là đã bị các nền tảng xuyên biên giới bỏ xa; vì vậy, báo chí hãy tranh thủ cưỡi sóng trong cuộc cách mạng AI.

Không muốn để lỡ tàu, 50% lãnh đạo tòa soạn tham gia khảo sát của INMA (Hiệp hội Truyền thông quốc tế) vào tháng 5/2023 cho rằng sẽ tập trung đầu tư vào data và AI.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập Vietnamplus thừa nhận, đúng là AI tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nỗi sợ hãi dường như đang bị phóng đại. Thay vì lo ngại, không ít cơ quan báo chỉ ở Việt Nam đã sử dụng AI vào hoạt động sản xuất báo chí. Ví như ứng dụng chatbot trước đây đã được nhiều tờ báo nâng cấp bằng trợ lý ảo ra lệnh bằng giọng nói, đọc các tin tức tổng hợp bằng AI; Dùng AI tự động hóa các khâu sản xuất tin tức (viết tin, tóm tắt tin, đặt tít, chọn từ khóa...); Dùng AI để điều tra độc giả, để hiểu thị hiếu của đối tượng mình hướng tới (Độc giả là ai? Ở đâu?  Muốn gì?); Dùng AI để sản xuất podcast, video và các sản phẩm đa phương tiện khác.

Thực tế tại Việt Nam, một số cơ quan truyền thông (CQTT) đã sử dụng Al hỗ trợ hoạt động sản xuất. Ví như báo Thanh niên dùng AI hỗ trợ sắp bài tự động trên trang chủ, gợi ý tin liên quan dựa theo hành vi của độc giả; Báo Vnexpress dùng AI sản xuất podcast tin tổng hợp, lọc bình luận của độc giả, kiểm tra từ khóa trong bài viết; Vietnamplus tạo ảnh minh họa, trực quan hóa dữ liệu, sản xuất podcast trên nền tảng loa thông minh; TTXVN dịch văn bản, tóm tắt tin, soát chính tả, text-to-speech, speech- to-text trên nền tảng ChatGPT-4.

Ông Chiaki Shimura, Đài PT-TH NHK (Nhật Bản) chia sẻ, Đài PT-TH NHK cung cấp những tin tức mới nhất từ Nhật Bản, châu Á và trên thế giới bằng nhiều ngôn ngữ. Hiện, Đài PT-TH NHK đã ứng dụng AI trong quy trình làm việc như: Live-streams với phụ đề đa ngôn ngữ được dịch bởi AI; Xây dựng hệ thống thu thập, tổng hợp phụ đề đa ngôn ngữ theo thời gian thực; Nội dung đa ngôn ngữ do AI dịch, bao gồm tin tức và các video theo yêu cầu; Hệ thống hỗ trợ sáng tạo nội dung đa ngôn ngữ có độ chính xác cao; Dịch vụ tổng hợp giọng nói bằng AI; Ứng dụng AI cho hệ thống chuyển đổi từ giọng nói sang văn bản.

Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Vũ Hải Quang, cho biết, Đài TNVN đã có các bước tiến ứng dụng công nghệ thành công trong các cuộc cách mạng công nghệ như phát thanh vi tính hóa, ứng dụng công nghệ truyền dẫn số, quản trị điều hành, số hóa lưu trữ kho băng với gần 100 ngàn giờ âm thanh. Với thành công của công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn đang từng bước được áp dụng rất hiệu quả trong các công đoạn quản lý, sản xuất, phát sóng, truyền thông. Nhiều kết quả tạo ra hướng mở mới có thể ứng dụng vào thực tế như báo chí dữ liệu, AI để dựng lại giọng đọc của những nghệ sĩ đã đi vào huyền thoại một thời như NSƯT Tuyết Mai, Kim Cúc, Việt Hùng, Trịnh Thị Ngọ, Hà Phương,... để đọc tự động các chương trình “Đọc truyên đêm khuya”, “Đọc truyện dài kỳ”, đọc các bản tin,...  vừa dựng lại được ký ức của một thời với các thế hệ công chúng, vừa giảm bớt được biên chế trong lúc đang phải tinh giản như hiện nay.

Trước mắt, Kênh VOV Giao thông, Đài TNVN - kênh phát thanh tương tác số 1 ở Việt Nam - đang nghiên cứu ứng dụng chatbot được nâng cấp bằng trợ lý ảo ra lệnh bằng giọng nói, đọc các tin tức tổng hợp bằng AI.

Vấn đề quan trọng nữa của CĐS chính là ở con người.

Tuy vậy, các cơ quan báo chí Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong CĐS cũng như ứng dụng AI vào quá trình sản xuất, từ việc thiếu hành lang pháp lý cho đến công nghệ lõi để bước vào sân chơi này. Ông Nguyễn Hoàng Nhật lý giải, do chi phí dành cho nghiên cứu phát triển quá lớn nên đa phần các cơ quan báo chí chưa chủ động về mặt công nghệ để biến những nguy cơ của AI thành lợi thế. Các khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện để hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thừa nhận điều này, chị Nguyễn Thị Thùy, biên tập viên Đài PT-TH Hưng Yên thông tin, đơn vị đã thử ứng dụng AI trong sản xuất nhưng phải đầu tư kinh phí lớn và gặp nhiều vấn đề bản quyền khi đưa lên các nền tảng số.

Phó Tổng giám Đốc Đài TNVN Vũ Hải Quang thừa nhận kinh phí đang gây trở ngại cho quá trình CĐS của các CQTT tại Việt Nam. CĐS là tất yếu nhưng phải đúng thời điểm và có một hướng đi đúng, phù hợp với xu thế hiện nay và phù hợp với khả năng của mình. “Việc cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông với nhau, giữa các CQTT với nhau, với sức ép cạnh tranh với các mạng xã hội trong thời gian tới sẽ diễn ra quyết liệt hơn, có những CQTT sẽ đạt tới đỉnh cao của nó nhưng cũng có những CQTT không tiếp tục đứng vững được trên môi trường báo chí hiện nay, đó cũng là quy luật chung của thị trường” - ông Vũ Hải Quang cảnh báo.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Matthew O’’Sullivan, Tổng Biên tập ABC News khu vực châu Á- Thái Bình Dương, cho rằng dù có ứng dụng AI hay không, vai trò của nhà báo luôn phải đảm bảo giá trị cốt lõi là đưa tới công chúng tin tức nhanh chóng, tin cậy. Chúng ta phải chiếm được lòng tin của công chúng. Chính vì thế, Đài ABC khá thận trọng khi ứng dụng AI vào quá trình sản xuất, sáng tạo nội dung. 

“Công chúng có nhiều nguồn, nhiều nền tảng tiếp cận thông tin, làm thế nào để ứng dụng các nguồn lực tạo ra thông tin có giá trị hơn nữa phục vụ công chúng là điều chúng ta cần hướng tới. Trong mọi thay đổi, công chúng vẫn luôn ở vị trí trọng tâm. Thay đổi phải xuất phát từ mục tiêu đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và duy trì các giá trị cốt lõi của báo chí ”. Ông Matthew O’’Sullivan, Tổng Biên tập ABC News khu vực châu Á - Thái Bình Dương

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận