Nhớ thời chúng tôi làm báo

Trên quãng đường dài 45 năm trong quân ngũ của tôi, thời gian gắn bó với chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân là một chặng đường ý nghĩa.

 

Tháng 9/1964, từ một cộng tác viên, tôi được chuyển về Hà Nội làm nghề báo. Đầu năm 1965, chưa vui trọn cái Tết đầu tiên ở Hà Nội, tôi và bạn đồng nghiệp đã ba lô lên vai, rong ruổi đạp xe vào khu Bốn, nơi trở thành tuyến lửa của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ. Quảng Bình, Vĩnh Linh đang từng ngày chống trả quyết liệt những đợt ném bom, bắn phá điên cuồng của máy bay Mỹ. Phóng viên Ngô Trung Sơn, một trong những nhà báo có mặt sớm nhất ở thị xã Đồng Hới đã có bài tường thuật tại chỗ trận chiến đấu với những âm thanh sống động của quân dân Quảng Bình bên sông Nhật Lệ.

Cuộc chiến đấu trên tuyến đầu miền Bắc đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của quân dân cả nước hướng về mảnh đất miền Trung gian khó.

Hơn nửa tháng trời đạp xe qua những xóm làng, trận địa đang chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi đến Vĩnh Linh, mảnh đất tuyến đầu miền Bắc hậu phương lớn, bên bờ bắc sông Bến Hải.

Thị trấn Hồ Xá vừa bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá. Trước mắt chúng tôi là một vùng đất hoang, nhà cửa bị thiêu rụi, cây cối gãy đổ bên những hố bom lở lói đất đỏ. Đây đó còn vương mùi khét cháy. Dân sơ tán, xóm làng thưa vắng.

Dò hỏi mãi, gần nửa đêm, chúng tôi mới tìm đến được sở chỉ huy Trung đoàn 341, bộ đội giới tuyến. Cơ quan chỉ huy đặt trong căn hầm chữ A nửa nổi nửa chìm trong khu vườn một ngôi nhà nhỏ ở xã Vĩnh Chấp.

Gặp chúng tôi, Chính ủy Đặng Kình mừng rỡ thốt lên: “Hay quá, các anh ở Hà Nội vào thật đúng lúc. Mấy hôm nay, địch đánh rất dữ. Bộ đội ta chiến đấu rất anh dũng. Nhất là các chiến sĩ ngoài đảo Cồn Cỏ. Có nhiều gương chiến đấu hay mà chúng tôi chẳng thể nào viết được!”

Dưới ánh trăng xuyên qua căn hầm nhỏ, giọng người Chính ủy trầm ấm, với vẻ xúc động rất riêng, ông kể về những chiến sĩ thân yêu của mình. Ông nói về Thái Văn A, một chiến sĩ trinh sát gan góc giữa đạn bom, ngày ngày đứng trên cái chòi quan sát cao nhất đảo; về pháo thủ Lê Ngọc Vân, chiến đấu bị thương nặng không chịu rời mâm pháo, về Đinh Kinh, chiến sĩ nuôi quân tần tảo, sau mỗi đợt bom lại với bao tải trên vai lang thang kiếm rau rừng lo bữa ăn cho đồng đội…

Câu chuyện kể của người chính ủy bộ đội giới tuyến thiết tha như khẩn khoản đặt ra với người làm báo chúng tôi một yêu cầu khó có thể chối từ. Cũng là vô tình gợi thêm nỗi khát khao chúng tôi tìm đến những nơi mũi nhọn chiến đấu.

Hôm từ Hà Nội ra đi, Trưởng Ban biên tập Ngô Thế Kỷ dặn chúng tôi cố gắng mang về những tư liệu tốt, những gương chiến đấu mà đài cần cổ vũ.

Thôi thúc vì trách nhiệm, lòng hăng hái của tuổi trẻ, tối hôm sau trên chiếc thuyền của ngư dân, tôi theo các chiến sĩ vận tải vượt biển ra đảo Cồn Cỏ. Lần đầu đi đảo khó khăn, nguy hiểm song là dịp hiếm có để tôi hiểu thêm về cuộc sống chiến đấu của bộ đội. Lo lắng, bỡ ngỡ nhưng rồi tôi nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của chiến sĩ trên đảo.

Thời gian này, máy bay địch liên tục quần đảo, bắn phá cả ban ngày ban đêm, tàu chiến địch quấy rối, bao vây ngăn chặn việc chi viện từ đất liền ra đảo. Bằng sức mạnh của không quân, hải quân khống chế, uy hiếp, kẻ địch muốn nhổ cái vị trí tiền tiêu như cái gai cản trước mắt chúng. Còn chiến sĩ ta thì không lơ là cảnh giác. Những nòng súng cao xạ suốt ngày nóng bỏng dưới nắng, luôn hướng về phía có máy bay địch. Bởi những trận đánh ở đây phút chốc có thể diễn ra tưởng dễ như một trận gió lướt qua.

Cố thu nhận vào tâm trí mình những gì được nghe, được thấy về cuộc sống chiến đấu của chiến sĩ trên đảo; đêm về, tôi lặng lẽ ghi những điều thu thập được vào trong cuốn sổ nhỏ. Để rồi hôm sau, ghi lại trên mảnh giấy điện báo, nhờ chiến sĩ thông tin qua đường dây tải ba chuyển về Hà Nội. Bên tôi, trong căn hầm pháo bên bờ đảo, các chiến sĩ lắng nghe từng tiếng động lạ của tàu địch trong tiếng sóng biển triền miên.

Trở về Hà Nội, cùng với những tư liệu hiếm hoi có được, tôi có thêm được bài học quý từ tinh thần chiến đấu kiên cường mà lạc quan của chiến sĩ trên đảo.

Nghe tôi kể lại những ngày ở đảo, nhà báo Hồ Tương Phùng động viên: Viết ngay đi! Người nghe đang nóng lòng mong tin Cồn Cỏ!

Anh cũng đang khao khát có được một chuyến đi như tôi. Chỉ tiếc là, mấy tháng sau, trong một chuyến hành quân cùng tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân chiến đấu, anh đã hy sinh trong lúc đang tác nghiệp trên một trận địa ở quê hương Bác.

Trưởng Ban biên tập Ngô Thế Kỷ tỏ ra hài lòng với chuyến đi của tôi, tìm cho tôi một nơi yên tĩnh, dặn dò như ra lệnh: Nội bất xuất, ngoại bất nhập, viết xong bài mới được ra khỏi Cửa Đông!

Trọn một tuần ăn, ngủ trong thành Hà Nội, tôi cắm cúi viết xong loạt bài “Kể chuyện Cồn Cỏ anh hùng” phát nhiều lần trên sóng Đài TNVN, viết thêm một số bài khác cho các báo ở Hà Nội rồi mới được “giải phóng” ra ngoài thành.

Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ngày càng lan rộng ra nhiều địa phương trên miền Bắc. Nhiều việc, ít người, chúng tôi phải cố gắng thu xếp để có được những chuyến đi.

Các phóng viên tìm cách phát huy thế mạnh của các thể loại phát thanh. Trong nhóm, phóng viên Tào Hòa là người chịu khó, xông xáo xuống cơ sở, luôn mang theo chiếc máy ghi âm cồng kềnh. Cùng lớp bổ sung với anh Tào Hoà, có Ngọc Bảo tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội. Hòa nhập vào cuộc sống thực tế ở nhiều đơn vị, anh thường viết về mảng hậu cần, kỹ thuật quân đội. Còn Úy Anh Khóa viết về dân quân tự vệ, hậu phương quân đội, Cao Minh Việt lúc nào cũng sẵn sàng máy ghi âm lên vai xuống trận địa. Có thêm Duy Khán được điều về từ Báo Phòng Không - Không quân; Sỹ Hưởng trẻ trung, xốc vác từ bộ đội hải quân lên. Sau này còn có phóng viên nữ Ngọc Sương cũng là sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Tổng hợp Hà Nội… Lúc nhiều nhất, số phóng viên của chương trình Phát thanh Quân đội cũng chỉ 7, 8 người.

Trên các chiến trường miền Nam, cuộc chiến đấu ngày càng quyết liệt, tin chiến sự đưa về dồn dập. Trưởng Ban biên tập Ngô Thế Kỷ được cấp trên điều động vào chiến trường Nam bộ. Thay thế ông là Phó Ban biên tập Phạm Hồng Lân, cũng là một cán bộ làm việc tận tụy, kỹ lưỡng. Bận rộn với công việc thuờng ngày, chăm chút lo từng bài tin, ông thường là người cuối cùng dời nhiệm sở. Ông cùng các biên tập viên suy nghĩ, tạo lập trang Sổ tay chiến sự, kết hợp thể tường thuật và bình luận nhằm cải tiến thông tin chiến sự, tạo điểm nhấn mới đối với người nghe.

: Chiến sự diễn ra nhiều nơi, nhiều hướng, phóng viên mỗi người một mảng viết, kết nối thành một tường thuật hay phóng sự thu thanh tổng hợp. Đôi lần do yêu cầu đưa gấp thông tin, sắp đến giờ phát sóng, bài viết chưa xong, phát thanh viên chỉ kịp đọc trên bản viết tay của phóng viên.

Chương trình phát thanh quân đội được coi là một báo nói tổng hợp. Bởi ngoài chức năng thông tin thời sự còn có chuyên mục, chương trình về văn học nghệ thuật, câu chuyện truyền thanh. Các nhạc sĩ sáng tác, biên soạn, dàn dựng các chương trình văn nghệ có dịp là xuống cơ sở, phát hiện những đề tài mới. Người nghe đã có thể quen tên các nhạc sĩ Văn An, Thanh Phúc, Quốc Bảo và nghệ sĩ Văn Ngải với câu chuyện truyền thanh sáng Chủ nhật hằng tuần.

Thời điểm chiến đấu quan trọng như 12 ngày đêm cuối năm 1972, Mỹ dùng máy bay chiến lực B52 ồ ạt đánh phá Hà Nội và các tỉnh lân cận, cả ban biên tập cùng hợp lực vượt qua thử thách. Chiến sự diễn ra rất nhanh, Đài TNVN cần đưa tin kịp thời khiến phóng viên lúc nào cũng phải sẵn sàng tiếp cận sự kiện để tác nghiệp nhanh, sớm đưa tin, bài lên sóng.

Viết trong thời chiến, mỗi người chúng tôi đã trải qua những thử thách nghề nghiệp và từng bước trưởng thành./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận