Nhà báo Bá Duy: 'Tôi chỉ đóng vai là người kết nối, kể lại câu chuyện'

Tác phẩm 'Bài ca trên núi' của nhà báo Bá Duy, VOV2 mới đây được vinh danh ở giải thưởng truyền thông ABU, hạng mục phát thanh Tác phẩm xuất sắc về con người.

 

Câu chuyện về cô giáo Ly Thị Cộng là hình ảnh đẹp của giáo dục Việt Nam khi giáo viên sẵn sàng hy sinh, chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi để thực hiện mục tiêu: “Nơi nào có trẻ em nơi đó có trường học”. Nhà báo Bá Duy chia sẻ về quá trình thực hiện tác phẩm này.

Cần tăng lương hoặc phụ cấp cho giáo viên ở địa bàn khó khăn

Anh biết đến cô giáo mầm non Ly Thị Cộng trong hoàn cảnh nào? Lý do gì mà trong bao nhiêu cô giáo vùng cao, anh lại chọn cô Cộng làm nhân vật phát sóng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam? 

Hơn 8 năm được phân công theo dõi lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tôi có cơ hội được đặt chân đến nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa, được tiếp xúc với nhiều thầy giáo, cô giáo đang công tác tại các địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Cô Ly Thị Cộng, giáo viên mầm non (xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) là một trong những nhà giáo để lại trong tôi nhiều ấn tượng.

 Tôi biết được thông tin về cô Cộng trong một bản tin ngắn. Sự nhạy cảm nghề nghiệp giúp tôi có niềm tin rằng, cô là một nhân vật hay đem đến cho khán giả nhiều câu chuyện xúc động. Cuộc điện thoại với cô Tòng Thị Nọi - Hiệu trưởng trường mầm non Nậm Tin - càng củng cố cho tôi niềm tin ấy. Và cô Ly Thị Cộng đã được chọn trong chương trình Mỗi tuần một nhân vật được phát sóng dịp Ngày nhà giáo 20/11.

Nhà báo Bá Duy chụp với giải thưởng ABU tại nơi anh làm việc.Trước nay, những gian khó của giáo viên đang công tác tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo hay giáo viên dạy trẻ khuyết tật đã xuất hiện khá nhiều trên mặt sóng. Mỗi thầy giáo, cô giáo là một câu chuyện, một hoàn cảnh khác nhau, với cô Ly Thị Cộng, tôi nhìn thấy ở cô tình yêu, sự nhiệt huyết đối với nghề - một tình yêu nghề không hề toan tính, sự giản dị của một giáo viên người Mông giống như chính cuộc sống của bà con nơi núi rừng.

Anh tự đi xe máy mất hơn 1,5 tiếng từ trung tâm huyện Nậm Pồ đến điểm trường Vàng Lếch 2 để thực hiện phóng sự về cô trò ở điểm trường  này. Qua quá trình di chuyển, anh cảm nhận như thế nào về nỗi vất vả trong hành trình gieo chữ của cô giáo Cộng?

Điểm trường Vàng Lếch 2 không phải là điểm trường khó khăn nhất mà tôi từng đặt chân đến. Vẫn còn rất nhiều điểm trường “3 không” - không sóng điện  thoại, không điện lưới quốc gia, không nước sạch. Nhưng bất cứ ai đặt chân đến điểm trường Vàng Lếch 2 sẽ có thêm lý do để ủng hộ đề xuất cần tăng thêm lương hoặc phụ cấp cho giáo viên mầm non đang công tác tại những địa bàn khó khăn. 

Điểm trường Vàng Lếch 2 nằm trong số 117 điểm trường mầm non trên toàn huyện Nậm Pồ. Tại thời điểm chúng tôi thực hiện chương trình, để đến được điểm trường, giáo viên phải tự chèo bè qua suối, phải leo núi với con dốc thẳng đứng. Nếu tính về khoảng cách với điểm trường chính, Vàng Lếch 2 không quá xa, nhưng giáo viên phải chèo bè, leo núi vất vả, thậm chí nguy hiểm nên hành trình mang con chữ đến với học sinh rất khó khăn. Gặp hôm mưa gió, buộc giáo viên phải ngủ lại điểm trường.

Cô Ly Thị Cộng và học trò tại lớp học.“Tôi ghi lại hành trình của cô trong một ngày” 

Trong tác phẩm, học sinh và cô giáo Ly Thị Cộng chia sẻ với phóng viên rất cởi mở. Trước đó, anh đã làm gì để lấy được sự tin tưởng của cô và trò?

 Khi kể câu chuyện về cô giáo Ly Thị Cộng, bên cạnh việc bám sát fomat của chương trình Mỗi tuần một nhân vật thì tôi muốn triển khai theo hướng phóng sự đồng hành hoặc theo định dạng của một phóng sự hiện trường, tài liệu… Dù ở định dạng nào thì điều tôi muốn là có thể mang đến cho công chúng một câu chuyện chân thực, không tô vẽ, không lý tưởng hóa nhân vật. Và mỗi thính giả có thể tự cảm nhận về nhân vật theo góc nhìn riêng của mình chứ không phải qua góc nhìn của phóng viên.

Nhưng để làm được điều này phải nhận được sự đồng hành, hợp tác của nhân vật. Bằng kinh nghiệm của mình, việc phóng viên hiểu nhân vật là điều không khó, nhưng để nhân vật hiểu  được công việc của phóng viên lại không hề dễ dàng chút nào. Đôi khi, giáo viên họ chỉ muốn âm thầm làm việc, cống hiến mà ngại nói ra công việc của mình. Và cô Cộng cũng vậy - sự ngần ngại là không tránh khỏi.

 Tuy nhiên, tôi có chia sẻ với cô rằng, hằng ngày, hành trình đến trường, giảng dạy như thế nào thì cô cứ làm như vậy. Chiếc máy ghi âm của tôi giống như một chiếc camera thu nhỏ, ghi lại toàn bộ hành trình của cô trong một ngày. Ban đầu, cô giáo có chút ngần ngại nhưng sau đó đã quên đi chiếc máy ghi âm của tôi. Chương trình Mỗi tuần một nhân vật có thời lượng 30 phút, nhưng hôm đó thời lượng ghi âm của tôi là gần 6 tiếng. Tôi biết, việc xử lý hậu kỳ sẽ rất vất vả nhưng để thính giả cảm nhận được sự chân thực nhất của câu chuyện thì sự vất vả đó là điều xứng đáng.

Tác phẩm “Bài ca trên núi” đúng là bài ca ca ngợi cô giáo vùng cao. Nhan đề tác phẩm có phải xuất phát từ tiếng hát của cô trò trong lớp học vang vọng giữa đỉnh núi Nậm Tin?

Trước khi bắt tay vào sản xuất chương trình nhiều từ khóa xuất hiện trong đầu tôi, ví dụ “Cô giáo trên đỉnh núi Nậm Tin”, “Cô giáo ở điểm trường 3 không”, “Đường đến trường”, “Hành trình gieo chữ”… Tuy nhiên, khi đến điểm trường Vàng Lếch 2 trên đỉnh núi Nậm Tin và có một ngày trải nghiệm cùng cô trò ở đây, tiếng hát của cô giáo và học sinh là âm thanh để lại cho tôi nhiều  ấn tượng. Chị cứ tưởng tượng, trên đỉnh núi heo hút, trong một gian nhà học tạm vẫn vang lên tiếng hát, tiếng nói cười của cô và trò. Tiếng hát không chỉ phá đi sự yên ắng của núi rừng, không chỉ biểu hiện của sự sống mà còn cho chúng ta nhìn thấy sự trong trẻo, lạc quan, hạnh phúc của cô trò. Do vậy, tôi đã lấy cái tứ này để đặt tên cho chương trình.

Không chỉ có tiếng hát, trong lớp còn có tiếng khóc của một cô bé kéo dài suốt cả buổi học, mặc cho cô giáo dỗ dành. Tiếng khóc của cô bé là âm thanh đắt giá khiến người nghe cảm nhận rõ hơn nỗi vất vả của cô giáo Ly Thị Cộng. Khi đưa tiếng khóc của trẻ vào bài viết, anh có dụng ý này không?

Sự vất vả của giáo viên mầm non ở điểm trường Vàng Lếch 2 không chỉ bởi điều kiện đường sá, khoảng cách, mà còn là đặc thù học sinh. 100% trẻ em, học sinh nơi đây là con em đồng bào DTTS, sự quan tâm đến học tập của bố mẹ là có hạn. Giáo viên mầm non ở đây đúng nghĩa như một người mẹ thứ hai của các em. Không chỉ giúp các em học chữ, học múa, học hát mà còn chăm sóc cả miếng ăn, giấc ngủ cho các em.

7 giờ 30 phút, giáo viên có mặt tại điểm trường, đón đàn con hơn 20 cháu. Cháu thì chưa ăn sáng, cháu thì quên không đeo dép, cháu thì bố mẹ quên chưa rửa mặt, cháu thì ăn mặc xộc xệch, cháu thì khóc thút thít vì phải dậy sớm… Tất cả những điều này đều phải đến tay những giáo viên mầm non như cô Cộng. Cô giáo đã mất khá nhiều thời gian để dỗ dành một cô bé quấy khóc vì muốn theo bà, theo mẹ lên nương. Điều này này hầu như được lặp lại hằng ngày. Ai chăm trẻ nhỏ đều sợ trẻ quấy khóc bởi nó đánh vào sự kiên trì của chúng ta. Trẻ khóc mãi có người không giữ được bình tĩnh mà quát, mắng trẻ, nhưng có lẽ sự kiên trì, kỹ năng nghề nghiệp và tình yêu thương con trẻ đã giúp cô Cộng bình tĩnh dỗ dành, an ủi như một người mẹ thứ hai. Tiếng khóc của con trẻ chính là một ẩn ý không chỉ giúp thính giả cảm nhận được không khí lớp học mà còn thấy được sự vất vả của giáo viên.

Ai đã từng đến các điểm trường miền núi thường gặp hình ảnh học sinh lem luốc, quần áo xộc xệch, đi chân đất… Tôi ấn tượng ở cách giáo viên đón học sinh bởi nó phần nào nói lên tình yêu thương học trò.

Công việc vất vả trong khi thu nhập của các cô giáo vùng cao cũng chỉ đủ chi tiêu, tháng nào hết tháng đấy, không có dư. Các cô vẫn phải chăn nuôi, làm vườn để tăng thêm thu nhập. Thế nhưng khi được hỏi về điều mong muốn các cô bày tỏ, chỉ mong tại các điểm trường có đường đi lại thuận lợi để bà con và giáo viên đi lại đỡ vất vả. Điều này để lại cho anh suy nghĩ gì?

Nhiều năm nay đã có rất nhiều kiến nghị, mong muốn cải thiện đời sống, thu nhập cho nhà giáo, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non. Chúng ta đã chứng kiến không ít câu chuyện chua xót khi giáo viên xin nghỉ việc vì đồng lương, thu nhập không đảm bảo cuộc sống. Những giáo viên miền núi như cô Ly Thị Cộng - mức thu nhập từ nghề giáo còn khiêm tốn so với công sức, điều kiện giảng dạy. Để duy trì cuộc sống, cô Cộng cũng như nhiều giáo viên khác phải tăng gia sản xuất hoặc phải duy trì nghề phụ. Nhưng chúng ta thật xúc động bởi trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, điều mà cô Cộng mong muốn không phải là tăng lương, cải thiện thu nhập mà mong ước về một cây cầu. Năm học này, cô được luân chuyển sang một điểm trường khác, nhưng nếu có một cây cầu bắc qua suối sẽ đảm bảo sự an toàn cho đồng nghiệp của cô, cho học sinh và cả phụ huynh. Chúng ta cùng mong chờ những cây cầu được bắc qua những con sông, con suối - không chỉ ở điểm trường Vàng Lếch 2 - mà ở nhiều điểm trường khó khăn khác để đường đến trường của  cả học sinh và  giáo viên được rút ngắn lại và không còn nguy hiểm.  

Cô Ly Thị Cộng phải tự chèo bè đến điểm trường.Tác phẩm “Bài ca trên núi” đoạt giải nhất giải thưởng báo chí “Vì hành tinh, con người và hoà bình” do UNESCO và ABU tổ chức. Sau giải thưởng này, cách làm phát thanh của anh có gì thay đổi hay không?  

Không phải đến khi bắt tay thực hiện tác phẩm “Bài ca trên núi”, cách làm phát thanh của tôi mới thay đổi. Trước đó, cũng giống như nhiều đồng nghiệp ở VOV2, bản thân tôi cố gắng tìm tòi, đổi mới cách làm phát thanh làm sao vừa hiện đại nhưng đồng thời cũng phải dễ nghe, tạo được sự kết nối cảm xúc với thính giả. Điều mà tôi mong muốn là thính giả được đồng hành, được sống cùng với câu chuyện của nhân vật và phóng viên chỉ đóng vai là người kết nối, người kể lại câu chuyện.

Trong thời gian qua, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp của VOV đã được học hỏi rất nhiều khi tham gia các giải báo chí quốc tế. Chúng tôi đã nghe, phân tích rất nhiều tác phẩm, chương trình phát thanh của các nhà báo quốc tế. Họ có cách kể chuyện thực sự độc đáo, cuốn hút và mang đậm tính chất phát thanh. Và tôi cũng đang kiên trì học hỏi, nghiên cứu để có thể đổi mới cách làm phát thanh của mình.

Sau giải thưởng này, tôi càng nhận ra tầm quan trọng của việc kể những câu chuyện thật sự chân thực từ chính cuộc sống của những con người bình dị. Tôi sẽ chú trọng hơn vào việc tìm hiểu và lắng nghe nhân vật, không chỉ dừng lại ở việc đưa tin mà còn phải tạo ra những tác phẩm có sức lan tỏa, có giá trị nhân văn.

Xin cảm ơn anh!

Minh Thư thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận