Đó là những gì mà tác phẩm “Đường về nhà - Câu chuyện của Na”của nhà báo Đặng Mai Phương và Nguyễn Xuân Hưng, Ban Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV5) muốn nói. Tác phẩm đã giành giải xuất sắc hạng mục phát thanh, thể loại phóng sự thời sự của Hiệp hội PT-TH châu Á - Thái Bình Dương (ABU) 2024.
Câu chuyện về bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã
“Đường về nhà - Câu chuyện của Na” kể về hành trình giải cứu một chú gấu ngựa sau 20 năm bị nuôi nhốt. Đây là thành quả của những nỗ lực nhiều ngày đêm không ngừng nghỉ của đội ngũ bác sĩ và nhân viên cứu hộ Four Paws International - tổ chức quốc tế bảo vệ phúc lợi của động vật. Mỗi chú gấu được giải cứu được nhân viên cứu hộ ở tổ chức này đặt cho một cái tên, tượng trưng cho cuộc sống mới và gia đình mới tại cơ sở bảo tồn gấu ở Ninh Bình. Chú gấu trong phóng sự tên Na, là chú gấu vừa được tổ chức này giải cứu.
Từ thông cáo báo chí của Tổ chức Four Paws ở Việt Nam, nhà báo Mai Phương và Xuân Hưng biết tổ chức này mới giải cứu thành công một chú gấu ngựa. Hai nhà báo thấy đây là đề tài hay, phù hợp với chuyên mục Chủ Nhật (Sunday Show) - chương trình lớn nhất tuần của VOV5. Hơn nữa, hai chị em cũng tò mò không biết là gấu sau khi giải cứu thì họ chăm sóc thế nào, có sống tốt hơn không nên đã quyết định liên hệ với Tổ chức Four Paws hẹn lịch phỏng vấn. “Chúng tôi lựa chọn câu chuyện về việc giải cứu chú gấu không chỉ vì đây là một câu chuyện cảm động và nhân văn mà còn bởi nó phản ánh một vấn đề lớn hơn: Bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã. Đây là chủ đề không chỉ khán, thính giả ở Việt Nam quan tâm mà còn là mối quan tâm của mọi người trên hành tinh này” - nhà báo Mai Phương chia sẻ.
Nhóm thống nhất lấy tên tác phẩm là “Đường về nhà - Câu chuyện của Na” bởi vì cái tên nghe giản dị nhưng bao quát được ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện, gửi gắm thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải. “Tôi, bạn hay những bạn gấu, nhà chính là nơi ta muốn về nhất. Đối với gấu Na hay những chú gấu khác, dù hành trình về với thiên nhiên có thể đầy gian nan và thử thách, nhưng mọi sinh vật đều xứng đáng có một mái nhà, nơi chúng được sống và không bị giam cầm” - nhà báo Mai Phương nhận định.
Những con người nhiệt huyết với công việc
Nhân vật mà Hưng muốn gặp là chú gấu Na nhưng đến khu bảo tồn ở Ninh Bình, Hưng mới được thông báo là gấu Na phải cách ly 2 tuần, chỉ được xem qua ảnh. Bù lại, Hưng được anh Jeremy Lamberton, Giám đốc truyền thông của Four Paws dắt đi bộ cả ngày qua từng khu: từ hồ nước, khu vui chơi của gấu, đến vườn rau tự trồng. “Bố mẹ tôi định đưa tôi đến đây rồi đi thăm người quen nhưng thấy cảnh đẹp quá nên cũng nán lại tham quan. Tôi định viết về nơi tuyệt vời này vì việc giải cứu vất vả thế nào trong thông cáo báo chí đã nói rõ rồi” - Xuân Hưng chia sẻ.
Thế nhưng khi anh Jeremy dẫn Hưng đến gặp Leslie và Marc - hai bác sĩ phẫu thuật cho gấu Na, Hưng mới biết được là chẳng từ nào, câu nào lột tả hết cái đau mà những chú gấu phải chịu đựng trước khi được giải cứu về đây. Anh Marc nói, 10 năm làm việc, anh chưa thấy loài vật nào chịu nhiều loại bệnh cùng lúc như gấu ở đây. Thế là cái ý tưởng viết một bài về nơi tuyệt đẹp biến đi lúc nào không biết. Bản nháp của Hưng đầy những chi tiết đau lòng.
Sau chuyến công tác, về nhà Hưng vẫn liên hệ và trao đổi công việc với anh Jeremy Lamberton để xác thực thông tin trong bài viết. “Anh Jeremy Lamberton để lại cho em nhiều ấn tượng. Có hôm, hai anh em trao đổi bài vở đến 2 giờ đêm để nắn lại câu chữ cho chính xác. Thường anh ấy cũng hay ngủ muộn và dậy sớm chạy bộ, nhất là từ lúc làm ở đây một ngày anh ấy chỉ ngủ 4 tiếng là chuyện bình thường. Theo lời anh ấy thì ở đấy ai cũng thế vì tính chất công việc nên đồng hồ sinh học của mọi người phải hòa hợp với đồng hồ sinh học của gấu. Giải thích của anh ấy đơn giản nhưng em thì cho rằng bởi các anh chị ở đây rất yêu nghề, nhiệt huyết với công việc nên mới có được sự hòa hợp đó”- Xuân Hưng chia sẻ.
Hành động nhỏ tạo thay đổi
Một câu chuyện hay đầy những chi tiết nhưng khi gửi tham dự cuộc thi, tác phẩm chỉ được dài 5 phút. Nhà báo Mai Phương, người biên tập và đạo diễn dựng phóng sự này cho biết: “Thách thức lớn nhất với tôi chính là việc sắp xếp và cô đọng nội dung. Một câu chuyện có rất nhiều chi tiết thú vị và giàu cảm xúc, nhưng thời lượng giới hạn buộc tôi phải lựa chọn thật kỹ lưỡng những phân đoạn truyền tải được tinh thần và ý nghĩa của tác phẩm. Ngoài ra, việc kết hợp hài hòa giữa tiếng động, lời nói của nhân vật, âm thanh và lời dẫn để giữ sự hấp dẫn trong thời gian ngắn cũng là một bài toán khó. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để tôi rèn luyện khả năng kể chuyện hiệu quả bằng âm thanh và lời nói, và cả những khoảng lặng cũng được dùng như âm thanh cho tác phẩm phát thanh. Trong lúc xây dựng tác phẩm, chúng tôi coi gấu Na là nhân vật chính của câu chuyện, Gấu không biết nói, chỉ biết gầm gừ, nhưng là tiếng gầm gừ có cảm xúc, hoặc những tiếng động lạch xạch của chuồng gấu, những âm thanh của máy móc trong phòng cấp cứu, tiếng nói của các bác sĩ thú y, những tiếng bước chân trong rừng,… Có lẽ đó là những chi tiết khiến câu chuyện bằng âm thanh nhưng lại giàu hình ảnh”.
Hai nhà báo hy vọng câu chuyện của gấu Na là một câu chuyện truyền cảm hứng, qua đó, nhóm muốn truyền tải thông điệp rằng mỗi hành động nhỏ bé của con người đều có thể tạo nên sự thay đổi lớn cho cuộc sống của các loài động vật đang gặp nguy hiểm. Theo nhà báo Xuân Hưng, các bộ, ngành, cơ quan chức trách, địa phương, các bác sĩ, nhân viên cứu hộ không chỉ ở Four Paws, mà rất nhiều nơi khác, đều đang nỗ lực. Vậy thì mảnh ghép còn lại là giáo dục và nâng cao nhận thức về sự tôn trọng thiên nhiên hoang dã cho người dân, nhất là học sinh. Tại khu bảo tồn ở Ninh Bình, sắp tới khách thăm quan sẽ được lên đài quan sát nhìn ra nơi yên nghỉ của những chú gấu. Có chị HDV thường kể cho các bạn học sinh đến tham quan về câu chuyện một chú làm việc lâu năm ở đây đã hái hoa đem đến mộ bạn gấu vừa mất, để các bạn ấy biết rằng, gấu cũng cần được yêu thương như con người.
Câu chuyện nhân văn sẽ chạm vào cảm xúc
Đại diện nhóm tác giả đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận giải, Nguyễn Xuân Hưng học hỏi được nhiều điều hay từ đồng nghiệp. Xuân Hưng cho biết, chủ đề của ABU năm nay là "Mối liên hệ giữa AI, phát thanh và xã hội”. Đến Istanbul, Hưng học hỏi được cách sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí từ những đồng nghiệp quốc tế. ABU năm nay có rất nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc lấy “Đạo đức khi sử dụng AI” làm gốc và cốt lõi cho cách tiếp cận của mình, như sử dụng AI tái tạo giọng nói của người đã khuất, với sự cho phép của thân nhân, đã tạo ra những hiệu quả cảm xúc mạnh mẽ. Việc tiếp xúc với những cách làm mới mẻ này giúp Hưng nhận ra sự khác biệt to lớn giữa việc sử dụng AI đơn thuần và sử dụng AI đặt con người và yếu tố đạo đức làm gốc. Hưng cho rằng, đây là một khía cạnh đáng tìm hiểu và Hưng đang có những nghiên cứu riêng của mình về vấn đề này.
Còn với nhà báo Mai Phương, giải thưởng này là một sự khích lệ lớn lao, giúp chị tự tin hơn trong cách tiếp cận các đề tài xã hội. “Tôi nhận ra rằng những câu chuyện giản dị nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó, tôi chú trọng hơn vào việc tìm kiếm và xây dựng nội dung có giá trị nhân văn cao, và chú trọng các kỹ năng để sản xuất một tác phẩm phát thanh, cách xử lý tiếng động, âm thanh, âm nhạc, lời nói. Việc đầu tư nhiều hơn vào cách thể hiện sẽ giúp mỗi sản phẩm không chỉ là cung cấp thông tin mà còn chạm được vào cảm xúc của khán giả” - nhà báo Mai Phương chia sẻ.
“Tác phẩm "Đường về nhà - Câu chuyện của Na" là lời kêu gọi mọi người chung tay xây dựng một thế giới nơi con người và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa. Qua câu chuyện, chúng tôi cũng muốn chia sẻ với thính giả các nước về nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn động vật hoang dã” - Nhà báo Đặng Mai Phương
|