Tìm góc tiếp cận mới
Tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 719 vụ cháy, nổ, làm 25 người chết và 61 người bị thương, tài sản thiệt hại ước tính 197,4 tỷ đồng. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, tính từ ngày 17/12/2018 đến ngày 16/7/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy, làm bị thương 1 người, giá trị thiệt hại ước tính 585 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chưa nghiêm. Đây không chỉ là bài học của riêng tỉnh Phú Thọ mà còn là bài học chung cho cả nước trong PCCC.
Phan Thị Nội Hà, phóng viên Đài PT-TH Phú Thọ cho biết: Nhiều người trong chúng ta vẫn chưa quên hai vụ cháy xảy ra tại Hà Nội, đó là vụ cháy ngay cạnh Bệnh viện Nhi TƯ khiến hai vợ chồng ở Thanh Sơn, Phú Thọ thiệt mạng và vụ cháy xưởng sản xuất nhựa tại quận Nam Từ Liêm khiến 8 người tử vong. Trong đó, có 4 người trong 1 gia đình quê xã Hương Nha, huyện Tam Nông, Phú Thọ.
Dù vụ cháy đã trôi qua một thời gian, nhưng phía sau đó vẫn còn những nỗi đau dai dẳng cho người ở lại, là gánh nặng cha già, mẹ yếu, là những đứa con thơ chưa biết tương lai sẽ thế nào và còn là những bài học kinh nghiệm đắt giá và đau đớn bởi sự lơ là, thiếu trách nhiệm cứ diễn nhiều năm. Chính vì thế, khi làm chương trình này nhóm phóng viên Đài PT-TH Phú Thọ đã tìm hướng tiếp cận mới đó là đưa tiếng nói và những nỗi đau của những người trong cuộc với mong muốn góp phần nâng cao lời cảnh báo để mọi người tránh không xảy ra hậu quả đáng tiếc. Với góc tiếp cận đó, nhóm phóng viên đã đến tận nhà của gia đình nạn nhân Lương Quốc Việt để phản ánh một phần cuộc sống hiện tại của người thân nạn nhân.
Nói về ấn tượng khi đi tác nghiệp, phóng viên Nội Hà chia sẻ: “Khi đến gia đình nạn nhân Lương Quốc Việt, dù đã biết trước hoàn cảnh nhưng tôi đã không tránh khỏi sự thảng thốt, xót xa khi thấy 4 bức ảnh thờ của 2 bố mẹ trẻ và 2 đứa con. Trong căn nhà tuềnh toàng giờ chỉ còn lại 2 cụ già đau yếu, cô đơn vì mất đi chỗ dựa tuổi già. Cụ ông thì bị u tuyến giáp, còn cụ bà sức cũng đã yếu. Ở cái tuổi 70 cùng lúc mất đi 4 người thân là nỗi đau quá lớn đối với hai ông bà. Vì thế, vừa gặp chúng tôi cụ bà đã bật khóc... Mong muốn của nhóm khi làm chương trình là cố gắng làm sao để người trong cuộc tự nói lên nỗi đau của mình, còn phóng viên tận dụng những cuộc nói chuyện với họ và tiếng động nền”.
Theo nhóm phóng viên, để chương trình này mang được hơi thở cuộc sống thì điều khó khăn nhất là việc thuyết phục nhân vật nói lên nỗi đau của mình, kể lại câu chuyện đau buồn đó. Bởi những chia sẻ đó là lời cảnh tỉnh rất hữu hiệu không gì bằng chính người trong cuộc. Dù không muốn nhắc lại câu chuyện buồn, nhưng hiểu được ý nghĩa của chương trình, bố của nạn nhân Lương Quốc Việt đã thắt lòng chia sẻ nỗi đau mất mát mà gia đình đã hứng chịu. Không chỉ có thế, ông còn gửi lời nhắn nhủ tới thính giả về việc nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy để tránh xảy ra hậu quả đau lòng.
Ngoài ra, chương trình còn có khách mời là đại diện cơ quan PCCC nói về một trong những thực trạng báo động của công tác PCCC hiện nay, không chỉ đối với tỉnh Phú Thọ mà cả các tỉnh thành khác trên cả nước. Bên cạnh đó, còn có ý kiến của người dân, của chính quyền và cơ quan công an xã nói về những vấn đề xung quanh việc PCCC tại địa phương…
Phản hồi tích cực vì đề tài thiết thực với người dân
Không chỉ đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, chương trình này còn có nhiều sáng tạo, đổi mới đổi mới hình thức thể hiện. Theo phóng viên Nội Hà cho rằng: “Về hình thức chúng tôi vẫn tôn trọng theo mô típ thường làm, tuy nhiên điểm mới của chương trình này là thực hiện theo lối phát thanh hiện đại - phát thanh thực tế, là khi phóng viên trò chuyện với nhân vật tại hiện trường. Thứ hai, nhóm phóng viên cũng khuyến khích khách mời kể những câu chuyện ám ảnh họ trong quá trình thực thi nhiệm vụ trong những vụ cháy. Đó cũng là cách thức tạo ấn tượng cho khán thính giả, bởi khi nghe những câu chuyện chân thực, đó họ cảm thấy “giật mình” hoặc ám ảnh về những hậu quả, từ đó sẽ thay đổi một phần ý thức trong vấn đề này”.
Phóng viên Nguyễn Thị Lê cũng cho biết: “Khi thực hiện chương trình phát thanh chúng tôi luôn xác định, muốn có một chương trình hay thì yêu cầu đầu tiên là đề tài gần gũi với cuộc sống người dân. Đặc biệt, tăng cường tương tác với khách mời và khai thác sâu tâm lý nhân vật. Chương trình “Phía sau những vụ cháy” khi lên sóng đã nhận được phản hồi tích cực của thính giả vì đề tài thiết thực với cuộc sống của người dân. Có một số cuộc gọi của thính giả tới nhóm thực hiện, cho rằng, nếu như công tác PCCC ở cơ sở tốt, người dân được tập huấn về cách xử lý khi hoả hoạn xảy ra và ý thức cá nhân nâng cao thì hậu quả đã không lặp lại. Và thính giả mong rằng: Những đề tài như thế này nên được lên sóng thường xuyên vì đó không chỉ là thông tin mà còn là kênh cung cấp những kiến thức và sự hiểu biết pháp luật cho người dân”.
Với mục tiêu thường xuyên bám sát thực tế của cuộc sống, phản ánh trung thực khách quan, coi trọng yếu tố về tính thời sự, tiếp cận với phong cách làm báo hiện đại, nên phóng viên vẫn rất nỗ lực đổi mới, như thay đổi mô-típ của chương trình làm sao cho cách thể hiện mang tính tương tác nhiều hơn, nhằm tăng tính thuyết phục trong các chương trình phát thanh./.
“Phía sau những vụ cháy” - Chương phát thanh tổng hợp do nhóm tác giả Phan Thị Nội Hà, Nguyễn Thị Lê, Nguyễn Trần Nhật, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Phương Thúy thực hiện, với thời lượng 28 phút 55 giây. |