Ham thích nghe đài từ tuổi thiếu nhi
Tôi sinh ra ở quê lúa Thái Bình. Thời chiến tranh chống Mỹ, hầu như gia đình nào cũng có con em đi bộ đội, ra chiến trường nên ai cũng đón nghe tin tức chiến sự. Nhưng ngày ấy nghèo lắm, chỉ cán bộ xã trở lên may ra mới có cái đài bán dẫn. Mà có đài lại phải lo có pin để nghe, hết pin là chịu vì pin chỉ bán phân phối, rất hiếm. Vì thế, ai đạp xe trên đường lại đeo cái đài đang nói là oai lắm, được mọi người ngưỡng mộ. Câu “đài đeo bên hông, đồng hồ đeo tay” là nói về những người đẳng cấp cao thời ấy.
Một số người dân có sáng kiến dựng 2 cột tre cao gần chục mét ở trước sân. Một sợi dây đồng dài 15 - 20m nối 2 đầu cột và có dây dẫn vào nhà. Một sợi dây khác được chôn xuống đất. Cả hai dây dẫn “âm - dương” ấy cùng đấu vào một ống dây đồng rồi nối ra cái hộp nhựa, bên trong có miếng sắt tròn mỏng và miếng nam châm, gắn bằng nhựa đường. Thế là có tín hiệu âm thanh nhưng phải áp vào tai mới nghe được.
Cái đồ làm thủ công ấy gọi là “đài ga len”. Nó có ưu điểm là không cần pin. Chỉ khi nào trời có sấm sét thì nối cái dây “dương” với dây “âm” cho an toàn. Thỉnh thoảng tôi sang nhà bác hàng xóm nghe nhờ một lúc và thấy thú vị, hấp dẫn lắm.
Từ năm 1965 trở đi thì vùng nông thôn có đài bán dẫn (stranstor), vỏ bằng gỗ, bên trong có những mảng linh kiện đơn giản với mấy cái bóng bán dẫn. Nhưng với đài 2 - 3 bóng thì vẫn phải có dây trời và dây đất hỗ trợ mới bắt được sóng.
Khi tôi 11 tuổi thì bố mẹ mới sắm được cái đài lắp 3 bóng, chạy 4 pin. Khi không có pin thì dùng một chậu nước muối khá đậm, thả những cục pin cũ vào đó rồi đấu dây vào đài. Cứ thấy âm thanh nhỏ dần đi thì lại thay mẻ nước muối khác.
Sáng dậy, tôi nghe hết chương trình thể dục, nông thôn và thời sự thì đi học. Thời bao cấp, đài không phát liên tục mà chỉ phát 3 khung giờ sáng, trưa và chiều, tối. Từ trưa đến chiều tôi ở nhà đan cót, gầu, chẻ nan nên dường như nghe đài không sót buổi nào. Bà con, bạn bè hàng xóm cũng mang nan nứa sang làm cùng để nghe đài. Có thông tin gì thì các ông bà lại cùng nhau bàn luận sôi nổi. Tối thứ bảy, bên ấm nước chè xanh, mọi người quây quần đón nghe “Câu chuyện cảnh giác truyền thanh” và “Sân khấu truyền thanh”. Tối Chủ nhật, 22 giờ mới có buổi “Tiếng thơ” nhưng không mấy ai bỏ.
Hai chương trình “Thời sự” và “Quân đội nhân dân” được mọi người háo hức đón nghe hằng ngày để nắm được tình hình chiến sự ở cả hai miền Nam - Bắc. Cánh đàn ông am hiểu một chút thì nghe xong là bình luận rôm rả. Và thế là tôi vừa được nghe đài, vừa được nghe những lời bình luận rất bổ ích. Tôi dần dần được biết đến các thể loại tin, phóng sự, bình luận… Nhiều kiến thức tôi tiếp thu được qua Đài TNVN. Đến khi đi thi vào khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, mặc dù không được ôn tập nhiều nhưng một nửa kiến thức tôi có được là qua nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Đồng thời, tôi biết được hàng nghìn bài hát, hàng trăm bài thơ hay.
Cạnh nhà tôi có anh làm ở đài truyền thanh huyện, thỉnh thoảng tôi theo anh đi các xã lấy tin. Tối đến, tôi lên “tổng đài” xem anh đọc tin trực tiếp vào hệ thống loa truyền thanh của huyện. Và tôi bắt đầu có suy nghĩ sau này sẽ đi học nghề báo. Vì vậy, tôi rất chăm chú theo dõi những bài viết của các tác giả được phát trên đài. Cứ như thế, học xong phổ thông, tôi đã tập viết. Và khi đang học đại học, tôi đã có bài đầu tiên phát ở Chương trình phát thanh Thanh niên, Đài TNVN.
Những kỷ niệm không quên với VOV
Tốt nghiệp đại học, tôi được điều về làm việc ở Phòng phát thanh Quân đội nhân dân (QĐND) thuộc Cục tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Tôi rất toại nguyện bởi đã đạt được niềm mơ ước của mình. Và vui hơn nữa là được làm “báo nói”, phương tiện truyền thông mà tôi yêu thích từ nhỏ.
Nhận công tác được một tuần, tôi đã được đi chuyến thực tế đầu tiên cùng các anh Cao Nham, Mai Thế Chính, Nguyễn Văn Nhung lên biên giới Lạng Sơn, tháng 2/1980. Vốn đã được nghe bình luận viên Cao Nham qua mục “Sổ tay chiến sự”, nay tôi lại may mắn được làm học trò của ông. Các anh Lê Hào, Hải Tân, Hồng Lân chỉ bảo tôi tận tình cách viết bài cho phát thanh; hướng dẫn cách sử dụng máy ghi âm; rồi sang đài bá âm học cách chuyển, trích băng.
Sau 3 tháng, Đại tá Phạm Hồng Lân, lúc đó là Trưởng phòng biên tập, giao cho tôi mang máy ghi âm đi làm bài ghi nhanh thu thanh về tuyển quân của Hà Nội. Đeo chiếc máy R6 chạy 6 quả pin, nặng tới 6kg, tôi đạp xe đến nhiều điểm tuyển quân để làm việc. Đầu giờ chiều, tôi đưa bài ông Lân duyệt. Vì đã đến giờ thu thanh nên bài không kịp đánh máy. Ông Lân bảo tôi sang đọc trực tiếp bản viết tay vì ông bảo “chữ của cậu thì cậu đọc được, phóng viên cần thể hiện trực tiếp bài viết của mình thì sinh động và tăng sức thuyết phục hơn”.
Ngồi trước micro, nhìn lên tường có dòng chữ đỏ “Hàng triệu thính giả đang theo dõi ta”, tôi hồi hộp lắm. Tôi đọc được một đoạn thì chị Phương là nhân viên thu thanh ngồi ngoài cười và tắt máy. Anh Đặng Quý bảo tôi: “Đọc chậm lại một chút, nhanh quá”. Tôi đọc tiếp và trôi chảy hết bài. Phòng thu thời ấy không có điều hòa, nóng vã mồ hôi. Đầu giờ làm việc hôm sau, tôi lên cơ quan xem ý kiến nhận xét của ban biên tập. Rất may, các anh đều bảo được.
15 năm công tác ở Phát thanh QĐND, tôi đã được trải qua nhiều công việc, làm các chuyên mục, viết các thể loại. Đặc biệt, tôi có 7 năm làm biên tập viên chương trình dành cho các bạn trẻ trong quân đội, trong đó có tiết mục “Chuyện kể ở đại đội”. Vì vậy, tôi và NSƯT Phạm Đông có thời gian dài gắn bó thân thiết, được anh chị em Đài bá âm 39 Bà Triệu coi như người nhà. Những hôm anh Phạm Đông đi vắng, tôi thay anh đọc “Chuyện kể ở đại đội”. Năm 1990, NSƯT Văn Ngải phụ trách “Câu chuyện truyền thanh” sáng Chủ nhật hằng tuần đi học, tôi thay anh làm chương trình này gần 2 năm. Có hôm thiếu diễn viên diễn xuất kịch bản, tôi cũng vào vai một nhân vật.
Thời bao cấp, báo chí, ti vi rất ít nên Đài Tiếng nói Việt Nam chiếm vị thế hàng đầu trên hệ thống truyền thông cả nước. Cũng vì thế, các phóng viên của Đài TNVN sớm có danh tiếng vì đi công tác ở đâu, qua bài viết phát trên đài là người thân và bạn bè biết ngay.
|
Tháng 12/1994, tôi mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang đài bá âm để thực hiện cuộc phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam. Các anh chị em ở đài bá âm rất muốn được gặp gỡ và chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng. Tôi nói lại với Đại tướng và được ông đồng ý. Tôi dẫn Đại tướng đi thăm một số phòng làm việc rồi sau đó xuống trước cửa tòa nhà để chụp ảnh. Đây cũng là lần duy nhất Đại tướng trực tiếp đến trả lời phỏng vấn tại Đài bá âm 39 Bà Triệu.
Mấy chục năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm sâu sắc với Đài TNVN vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Không bao giờ tôi quên Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi đã chắp cánh cho tôi bước vào nghề báo và trở thành nhà báo./.
Đại tá Bùi Đức Toàn