Nhập nhèm đất đai tại Ninh Hiệp - Gia Lâm (Hà Nội):
Bài 4: Vì sao Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm bị tố cáo?
Cho rằng Quyết định số 10987/QĐ-CT, ngày 31/12/2019 do ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ký biến đất riêng của gia đình sử dụng hơn 100 năm nay thành ngõ đi công, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình, ông Nguyễn Khắc Tiệm đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm. Nhưng vụ việc không chỉ có như vậy.
Tin tưởng nên bị hành
Trong đơn kiện, ông Nguyễn Khắc Tiệm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, nhà đất, bao gồm cả phần ngõ đi mà gia đình ông đang quản lý sử dụng tại xã Ninh Hiệp có nguồn gốc là do các cụ để lại hàng trăm năm nay. Thế nhưng, quyết định số 10987 do Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần ký đã bê nguyên nội dung quyết định số 103 của UBND xã Ninh Hiệp rồi khẳng định một phần đất do gia đình, dòng tộc ông Tiệm đang sử dụng là đất công. Quyết định 10987 vì thế là trái pháp luật; không tôn trọng lịch sử, sự thật khách quan; không tôn trọng ý kiến của các hộ liền kề và cư dân địa phương; bỏ qua các văn bản hợp pháp, cố tình bám vào các văn bản sai trái, không hợp pháp để kết luận giải quyết khiếu nại.
Theo ông Nguyễn Khắc Tiệm, vì tin tưởng huyện Gia Lâm và thành phố Hà Nội nên ông đã phải đi lại nhiều lần, thời gian kéo dài mà vụ việc không được giải quyết, xử lý thỏa đáng. Cụ thể là ngày 14/02/2020, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 1334 yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, kiểm tra, rà soát hồ sơ, giải quyết vụ việc theo đúng qui định của pháp luật. Sau đó, ngày 01/07/2020, Văn phòng UBND thành phố có văn bản nhắc lại yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm phải thực hiện nghiêm chỉ đạo tại văn bản 1334 và báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố trước ngày 15/07/2020.
Thực hiện quyền của cử tri, ngày 24/06/2020, ông Nguyễn Khắc Tiệm đề nghị Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm là ông Lê Anh Quân xem xét yêu cầu tại văn bản 1334 của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội. Ông Lê Anh Quân nói: “Vấn đề bác Tiệm nêu huyện sẽ xem xét lại, huyện sẽ mời xã lên để xem xét lại”.
Trước đó, trong năm 2019, ông Nguyễn Khắc Tiệm từng 3 lần gửi đơn tới Bí thư – Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân, đã đăng ký xin được tiếp xúc với ông Lê Anh Quân để trao đổi, trình bày vụ việc. Thế nhưng huyện Gia Lâm không đáp ứng yêu cầu của ông Tiệm, và sự tin tưởng của ông ngày càng vơi dần đi… Nguyên nhân vì sao? Xã Ninh Hiệp và huyện Gia Lâm đã sai như thế nào? Trong các bài trước chúng tôi đã phân tích.
Trả lời câu hỏi của phóng viên là tại sao ông Lê Anh Quân đã hứa xem xét lại, Thành phố đã có văn bản yêu cầu ông Lê Anh Quân thực hiện nghiêm thông báo 1334 và báo cáo trước 15/07/2020 mà đến giờ không có gì thay đổi? Ông Tiệm nói rằng, tại sao lại thế thì chỉ có các ông ấy mới biết. “…ông Phó chủ tịch huyện (Nguyễn Ngọc Thuần) biết rõ như lòng bàn tay các ông ấy, còn tôi làm sao mà biết động cơ của các ông ấy?” – lời ông Tiệm.
Huyện Gia Lâm có muốn giải quyết?
Để làm rõ quan điểm của huyện Gia Lâm, Báo TNVN đã đặt lịch làm việc với Bí thư - Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Anh Quân. Ông Quân chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Chánh thanh tra huyện làm việc với phóng viên. Bà Hà cho biết: Để xã định nguồn gốc đất cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố, như: sổ mục kê, sổ sách ghi biến động về đất đai, bản đồ qua các thời kỳ. Xã căn cứ vào bản đồ năm 1984, bản đồ 1992 - 1993 cho thấy đất ngõ nhà ông Tiệm không thể hiện là ngõ đi riêng. Hiện nay, sự việc nhà ông Tiệm đã vượt quá thẩm quyền của huyện vì Thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập đoàn thanh tra. Đến khi nào có kết quả của Thanh tra Hà Nội thì huyện sẽ thực hiện đúng theo kết luận.
Ở đây có một số câu hỏi đặt ra.
Nếu bản đồ năm 1984 và bản đồ 1992 - 1993 thể hiện đất ngõ nhà ông Tiệm là đất công thì việc gì xã cần phải tổ chức nhiều cuộc họp, lập nhiều biên bản để đi tìm hiểu xác định về nguồn gốc đất ngõ đi của nhà ông Tiệm?
Năm 1984 bản đồ khẳng định là đất công thì tại sao lãnh đạo thôn, xã, các tổ chức đoàn thể qua các thời kỳ lại xác nhận-khẳng định đất ngõ nhà ông Tiệm là đất thổ cư của gia đình ông vào thời điểm sau này, kể cả đến thời điểm hiện tại?
Bản đồ năm 1984, 1992 và 1993 mà UBND xã Ninh Hiệp đang giữ có giá trị pháp lý không?
Tại buổi làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh Hà chỉ cung cấp bản Photo một góc bản đồ 1984. Thực tế cho thấy, trước năm 1993 công tác quản lý nhà nước về đất đai rất yếu kém, ai dám khẳng định bản đồ năm 1984 vẽ là chính xác?
Sự thật về nguồn gốc sử dụng đất đai là như vậy, song Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm vẫn căn cứ vào bản đồ năm 1984 khẳng định ngõ đi là đất công. Thực tế không ai dám khẳng định bản đồ năm 1984 được vẽ chính xác. Tại thời điểm này, chỉ có gia đình cụ Du quản lý sử dụng đất; đất do tổ tiên để lại nên khi lập bản đồ cụ Du và gia đình ông Tiệm không ký văn bản nào để xác nhận ngõ đi là đất công.
Nhận thấy quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ông Nguyễn Khắc Tiệm đã làm đơn tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm. Đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã thụ lý và giao Thanh tra thành phố Hà Nội thanh tra, xem xét.
Vậy là, một vụ việc nhỏ không được xã và huyện quan tâm giải quyết thấu tình đạt lý, những người thực thi tiền hậu bất nhất nên khiếu kiện kéo dài, và vụ việc đã “nhẹ nhàng” được đẩy lên Thành phố.
Ông Nguyễn Khắc Tiệm, một cán bộ hưu trí 75 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, sẽ phải chờ đợi đến bao giờ?
Báo TNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.
Quốc Hưng