Thấy gì từ vụ tranh chấp 'rúng động' ở Hà Nội? Bài 3: Những điều không cần phải chứng minh

Sau vụ 'chữ ký giả' bị 2 cấp tòa bác bỏ và không thể đẩy ông Quân ra khỏi Công ty TNHH Kim Anh (Kim Anh), ông Thế tiếp tục làm 'nóng' vụ tranh chấp.

 

Sau vụ “chữ ký giả” bị 2 cấp tòa bác bỏ và không thể đẩy ông Quân ra khỏi Công ty TNHH Kim Anh (Kim Anh), ông Thế tiếp tục làm “nóng” vụ tranh chấp khi tự ý bán 14 căn biệt thự trị giá trên 400 tỷ đồng nhưng lại không cho ông Quân (chiếm 50% vốn điều lệ của Cty) biết. Rồi gây ngỡ ngàng khi có thêm một bản án áp dụng điều luật “không phải chứng minh” để xác định trách nhiệm của ông Thế

Thấy gì từ vụ tranh chấp 'rúng động’ ở Hà Nội

Từ chuyện phản tố của Giám đốc Kim Anh...

Ngày 31/8/2020, TAND quận Ba Đình ra Bản án sơ thẩm số 63/2020/DS-ST tuyên xử vụ tranh chấp đòi tài sản và chia tài sản chung giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Đoàn Văn Vinh và bà Đỗ Thị Kim Ngân (bố mẹ của ông Đoàn Minh Quân) và bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Lương Thế, Giám đốc Cty Kim Anh và bà Nguyễn Kim Anh (thành viên Kim Anh).

Bản án buộc vợ chồng ông Thế phải thanh toán cho vợ chồng ông Vinh trên 93,5 tỷ đồng, trong đó, tiền nợ gốc là 39,71 tỷ đồng, còn lại gần 54 tỷ đồng là tiền lãi trong hạn, quá hạn và chậm trả.

Bản án sơ thẩm số 63/2020/DS-ST ngày 31/8/2020 của TAND quận Ba Đình Tp Hà Nội xử bác phản tố của ông Nguyễn Lương Thế, tuyên buộc vợ chồng ông Thế phải thanh toán tổng cộng 93.577.752.138 đồng cho nguyên đơn.

Tòa án đã áp dụng cả Điều 92 “Những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh” của Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) năm 2015 để nhận định và tuyên xử.

Theo đó, với khoản nợ 28,1 tỷ đồng, tại Giấy quyết toán ngày 24/10/2013 do bà Ngân lập có nội dung: “Anh Thế hết nợ anh Vinh món vay 28,1 tỷ đồng”. Tuy nhiên, phần của ông Thế viết lại có nội dung: “Tôi không đồng ý với cách xử lý riêng tại mục 4 của bản quyết toán ngày 20/10/2013. Hà Nội ngày 24/10/2013. Ông Thế ký ghi rõ họ tên”. Từ chứng cứ này, HĐXX cho rằng, tại Bản quyết toán ngày 24/10/2013, ông Thế đã không đồng ý với đề xuất quyết toán của bà Ngân nêu; và như vậy, ông Thế vẫn thừa nhận còn nợ ông Vinh và bà Ngân số tiền 28,1 tỷ đồng.

Cũng theo HĐXX, tại phiên sơ thẩm, nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận có ký Biên bản họp ngày 13/7/2015, có nội dung: “Bán nhà trong ngõ 123 Hoàng Quốc Việt và nhà 46A Mỹ Đình, 124 Liên Hà, Đông Anh thì ông Thế trả vào tiền nợ gốc 28,1 tỷ đồng cho ông Vinh”.HĐXX đánh giá: “Đây là những vấn đề không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật TTDS”.

Cùng các chứng cứ ông Thế có ký và viết tên Nguyễn Lương Thế tại Biên bản các cuộc họp ngày 15/11, 07/12 và 13/12/2015, HĐXX kết luận: “Ông Nguyễn Lương Thế, bà Nguyễn Thị Kim Anh có nợ ông Đoàn Văn Vinh, bà Đỗ Thị Kim Ngân số tiền 28,1 tỷ đồng từ ngày 20/9/2012”

Với khoản nợ 11,61 tỷ đồng cũng vậy. HĐXX cũng cho rằng: Đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo qui định tại Điều 92 Bộ luật TTDS năm 2015, vì cả nguyên đơn và bị đơn đều thừa nhận có ký kết Biên bản ngày 24/6/2015 với nội dung: “Kể từ ngày 24/6/2015, ông Thế nợ thêm ông Vinh 11,61 tỷ đồng tính theo lãi suất 12%/năm”.

Chưa hết, trong nội dung phản tố, ông Thế lại cho rằng, ông Vinh, bà Ngân nợ ngược lại ông Thế 2 khoản: 10,15 tỷ đồng và 1,9 tỷ đồng, yêu cầu Tòa buộc vợ chồng ông Vinh phải thanh toán 2 khoản nợ này cùng khoản lãi kèm theo là hơn 5,64 tỷ đồng và hơn 1,56 tỷ đồng.

Cũng căn cứ vào “tình tiết, sự kiện không phải chứng minh”, HĐXX xác định cả 2 khoản gọi là “nợ” kể trên lại chính là số tiền chênh lệch giá trị lợi thế giữa các căn nhà tại dự án D4 Trần Thái Tông (Dự án D4) của Kim Anh. Các căn nhà này được vợ chồng ông Thế thỏa thuận với vợ chồng ông Vinh chia cho nhau bằng cách bốc thăm. Do các căn nhà vợ chồng ông Vinh bốc được có giá trị lợi thế cao hơn nên vợ chồng ông Vinh phải bù cho vợ chồng ông Thế khoản chênh giá trị kể trên.

HĐXX nhận định: Dự án D4 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Kim Anh, không phải là tài sản của ông Vinh, bà Ngân và ông Thế, bà Anh; nên việc bốc thăm chia các căn biệt thự tại Dự án D4 là trái pháp luật, không có giá trị pháp lý, chưa tuân thủ quy định tại Điều 76 Luật Doanh nghiệp năm 2015. Vì vậy, ông Vinh, bà Ngân không có nghĩa vụ phải thanh toán số tiền chênh lệch giá trị kể trên cho vợ chồng ông Thế. Từ đó, bác yêu cầu phản tố của ông Thế.

Khai trước Tòa, bản thân ông Vinh, bà Ngân cũng thừa nhận: “Sau này, qua tìm hiểu pháp luật mới biết Dự án D4 thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Kim Anh, không phải là tài sản của ông Thế, bà Anh, ông Vinh, bà Ngân; nên việc bốc thăm chia các căn biệt thự tại Dự án D4 là trái pháp luật, không có giá trị pháp lý”.

Phản tố “những nội dung không cần phải chứng minh”, lại dựa vào căn cứ phản ánh không đúng sự thật, thậm chí trái pháp luật, việc làm của ông Thế đã được các bản án làm rõ trắng đen, đồng thời cho thấy, với nhận thức pháp luật của một Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV như thế, tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động của Kim Anh đang là một dấu hỏi lớn.

Đến vụ chỉ đạo cấp dưới làm rõ... điều không cần phải chứng minh?

Liên quan tới hành vi phản tố khó hiểu của ông Thế trong vụ tranh chấp “rúng động” giữa các thành viên của Kim Anh, dư luận bất ngờ về việc ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội có văn bản số 9583/VP-ĐT, ngày 9/10/2019, chỉ đạo Thanh tra Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT Hà Nội kiểm tra hồ sơ vụ việc, làm rõ nội dung kiến nghị của Kim Anh về việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) lần thứ 5 đã cấp cho Cty.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Quốc Hùng, sau đó lại có phiếu chuyển đơn của ông Quân đến Thủ tướng Chính phủ khi ông Hùng tiếp tục chỉ đạo làm rõ nội dung kiến nghị thu hồi GCNĐKDN cấp lần thứ 5 cho Kim Anh.

Văn bản của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết, vụ việc tranh chấp tại Kim Anh đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình có văn bản chỉ đạo giải quyết, Sở KH&ĐT Hà Nội, Bộ KH&ĐT đã có quan điểm rõ ràng; và đã qua 2 cấp xét xử, bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng ông Hùng vẫn có văn bản chỉ đạo cấp dưới tiếp tục giải quyết vụ việc này, khiến cho vụ việc bị tiếp tục phức tạp, kéo dài, gây ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của công dân.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Quốc Hùng.

Trước đó, ngày 19/10/2016, ông Hùng đã từng ký văn bản số 6021/UBND-ĐT chỉ đạo Sở KH&ĐT Hà Nội thu hồi GCNĐKDN lần thứ 5 đã cấp cho Kim Anh. Điều khó hiểu là mặc dù Sở KH&ĐT Hà Nội đã có báo cáo “việc thu hồi sẽ thực hiện được nếu Tòa án có phán quyết hoặc có bản án có hiệu lực pháp luật”, nhưng sau đó ông Hùng vẫn tiếp tục chỉ đạo:Thu hồi!.

Nếu bị thu hồi GCNĐKDN lần 5, ông Quân sẽ bị mất trắng 50% vốn góp đã đầu tư vào doanh nghiệp. May mà tháng 11/2017, Văn phòng Chính Phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Căn cứ kết quả kiểm tra của Bộ KH&ĐT tại Văn bản số 8624/BKHĐT-ĐKKD ngày 23/10/2017, Sở KH&ĐT Hà Nội cấp GCNĐKDN lần thứ 5 choKim Anh ngày 31/10/2012 là đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội có văn bản trả lời ông Đoàn Minh Quân và ông Nguyễn Lương Thế- Giám đốc Kim Anh”.

Ngày 22/3/2018, Sở KH&ĐT Hà Nội có văn bản số 1539/KH&ĐT - ĐKKD trả lời ông Thế và ông Quân, khẳng định: “Việc ông Nguyễn Lương Thế tiếp tục kiến nghị thu hồi GĐKDN thay đổi lần thứ 5 của Kim Anh là không có cơ sở pháp luật”.

Sau đó, các bên kiện nhau ra toà. Bản án sơ thẩm số 07/2019/KDTM-ST ngày 6/3/2019 của TANDTP Hà Nội tuyên: Không chấp nhận yêu cầu của ông Thế, bà Anh và yêu cầu độc lập của Kim Anh về việc tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng 50 tỷ đồng vốn góp giữa ông Quân với ông Thế và bà Anh ngày 16/10/2012 vô hiệu.

Xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục khẳng định: Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu về việc tuyên các Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ký ngày 16/10/2012 vô hiệu là có cơ sở.

Bản án phúc thẩm cũng buộc ông Thế, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Kim Anh phải làm thủ tục lập Chi nhánh theo Biên bản họp HĐTV ngày 11/1/2013. Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã có văn bản yêu cầu ông Thế tuân thủ phán quyết của toà.

Bản án phuc thẩm đã có hiệu lực nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vẫn chỉ đạo làm rõ nội dung kiến nghị thu hồi GCNĐKDN  lần thứ 5 đã cấp cho Kim Anh.

Diễn biến vụ việc đã đi tới hồi ngã ngũ như trên, nhưng ngày 9/10/2019, Văn phòng UBND TP Hà Nội vẫn ban hành Văn bản số 9583/VP-ĐT truyền đạt chỉ đạocủa Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng với nội dung “kỳ lạ”: Tiếp tục làm rõ nội dung kiến nghị thu hồi GCNĐKDN cấp lần thứ 5 của Cty Kim Anh (?!).

Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và nhiều cơ quan liên quan, ông Quân đề nghị làm rõ việc ông Hùng nhiều lần chỉ đạo thu hồi GCNĐKDN, tước bỏ quyền lợi hợp pháp của ông tại Kim Anh dù vụ việc đã được Phó Thủ tướng Thường trực và nhiều cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt là toà án đã có bản án có hiệu lực pháp luật, đã phán quyết, kết luận rõ ràng.

Cùng với Điều 92 (Bộ luật TTDS), Điều 79 (Luật Tố tụng Hành chính) cũng qui định: “1. Những tình tiết, sự kiện sau đây không phải chứng minh: a) Những tình tiết, sự kiện rõ ràng mà mọi người điều biết và được bản án thừa nhận; b) Những tình tiết sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;...”

Bản án của Tòa án là văn bản tố tụng pháp lý của Nhà nước, khi có hiệu lực pháp luật thì có giá trị thi hành. Quyết định được tuyên trong bản án là mệnh lệnh của Nhà nước, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan bắt buộc phải tuân theo.

Vụ tranh chấp tại Kim Anh đang cho thấy, doanh nghiệp chỉ có 3 thành viên nhưng trở nên “rúng động” vì đã “chạm” tới vùng “nhạy cảm” của đạo lý và pháp lý./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận