Phạm nhân bị bệnh nặng có thể được miễn hoặc hoãn đi tù

Bộ luật Hình sự có quy định về những trường hợp đặc biệt, trong đó phạm nhân có thể được hoãn hoặc miễn đi tù.

 

Chấp hành hình phạt là việc người bị kết án thực hiện các nghĩa vụ thuộc về nội dung của hình phạt được áp dụng đối với họ theo bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án. Khi có hiệu lực pháp luật, bản án hoặc quyết định phải được thí hành, người bị án phải thực hiện các nghĩa vụ thuộc về nội dung của hình phạt.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, tuy bị tòa tuyên án nhưng người bị kết án lại không phải thụ án trong trại giam. Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có cuộc trao đổi với PV VOV về vấn đề này.

(Ảnh minh họa: Trọng Phú)

PV: Thưa luật sư, chị có thể nêu những quy định của pháp luật Hình sự liên quan đến quy định chấp hành hình phạt?

Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh: Các hình phạt đối với người phạm tội được quy định cụ thể tại Điều 32 của Bộ luật Hình sự, trong đó có các hình phạt chính như: Phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất... Ngoài ra, có các hình phạt bổ sung như cấm đi khỏi nơi cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân...

Liên quan đến chấp hành hình phạt, chúng ta có một số quy định cụ thể như về thời hiệu thi hành bản án, một số trường hợp hoãn thi hành bản án quy định tại Điều 62 Bộ luật Hình sự về việc miễn chấp hành, hoặc giảm mức hình phạt đã tuyên, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Ngoài ra, tại luật Thi hành án Hình sự có quy định về các nguyên tắc, trình tự, thủ tục trong thi hành bản án, chấp hành hình phạt tù. Chúng ta còn có những quy định cụ thể tại Nghị quyết 01/2007 và Nghị quyết 02/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm chấp hành hình phạt.

PV: Vậy tại sao có một số trường hợp, người bị phạt tù vẫn có thể chấp hành án tại nhà?

Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh: Dù pháp luật có quy định người bị kết án phải chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ trong một thời gian nhất định. Nhưng có ngoại lệ trong một số trường hợp đặc biệt được quy định, ví dụ như người bị kết án được đặc xá, đại xá, chưa chấp hành hình phạt tù mà lập công, bị bệnh hiểm nghèo, hoặc được Viện trưởng VKS đề nghị thì tòa án có thể miễn, hoặc hoãn chấp hành hình phạt.

PV: Trong những trường hợp cụ thể nào mà phạm nhân có thể được hoãn hoặc miễn chấp hành hình phạt tù?

Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh: Theo quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự, người bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi sức khỏe được hồi phục. Theo Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì bệnh nặng có thể hiểu là bị bệnh đến mức không thể chấp hành hình phạt tù. Nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù có thể nguy hiểm đến tính mạng của phạm nhân, do đó cần phải hoãn chấp hành hình phạt tù để họ chữa bệnh.

Ví dụ như bệnh ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, HIV chuyển giai đoạn AIDS... và phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên, xác nhận nếu đưa họ vào tù thì nguy hiểm đến tính mạng của họ.

Người bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù một lần, hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

PV: Trong trường hợp nào thì người bị kết án được miễn chấp hành án Hình sự, hoặc tạm đình chỉ thi hành án?

Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh: Miễn chấp hành án Hình sự có thể thuộc các trường hợp sau đây: Khi được đại xá hoặc đặc xá. Người được kết án treo hoặc bị kết án tù nhưng chưa chấp hành hình phạt, theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, tòa án có thể xem xét miễn hình phạt trong các trường hợp: Đã lập công, mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, hoặc xét thấy người không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội... Đây là những quy định ở Điều 62 Bộ luật Hình sự.

Tử tù Hồ Duy Hải (Ảnh: Lao động)

Người đang chấp hành án phạt tù thuộc các trường hợp quy định ở khoản 1 của Điều 67 Bộ luật Hình sự thì có thể được xem xét để tạm đình chỉ. Thời hạn tạm đình chỉ không được tính vào thời hạn chấp hành án phạt tù (phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, bị bệnh nặng, bị kết án về phạm tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ...)

PV: Trong trường hợp vụ án Hồ Duy Hải, Chủ tịch nước đã có quyết định tạm hoãn thi hành án với tử tù Hồ Duy Hải. Thẩm quyền ra quyết định hoãn hoặc miễn thi hành án hình sự sẽ thuộc về cơ quan cá nhân nào, hay mọi trường hợp phải có quyết định của Chủ tịch nước?

Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh: Trường hợp hoãn chấp hành án phạt tù, đối với phạm nhân đang tại ngoại thì chánh án tòa án đã quyết định thi hành bản án có thẩm quyền hoãn chấp hành án phạt tù. Đối với thủ tục miễn chấp hành án phạt tù, Chánh án TAND Tối cao có thẩm quyền thành lập hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định miễn chấp hành án phạt tù.

Thành phần của hội đồng gồm 3 thẩm phán, phiên họp có sự tham gia của kiểm sát viên Viện Kiểm sát cùng cấp.

PV: Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà phạm nhân lại gây ra hành vi phạm tội mới thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh: Trong thời gian hoãn chấp hành hình phạt tù mà phạm nhân gây ra hành vi phạm tội mới thì tòa án sẽ buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới, theo quy định của điều 56 Bộ luật Hình sự.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Thu Trang/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận