Chiều ngày 28/1, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án dân “Tranh chấp liên quan đến hoạt động báo chí” giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và bị đơn là báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) vì đăng tải thông tin sai sự thật về chương trình sữa học đường của Vinamilk.
Vụ án được đưa ra xét xử khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa, đại diện Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và luật sư bảo vệ quyền lợi cho rằng 5 bài báo mà cơ quan này đã đăng tải trong tháng 4/2019 liên quan đến chương trình sữa học đường của Vinamilk là đúng quy định. Vì vậy, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị Tòa không chấp nhận khởi kiện của Vinamilk; tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND quận Hoàn Kiếm.
Đại diện phía bị đơn bày tỏ mong muốn được hòa giải với nguyên đơn với điều kiện nguyên đơn chấp nhận rút đơn khởi kiện, bị đơn sẽ chấp nhận rút kháng cáo.
Về phía nguyên đơn, Vinamilk thể hiện quan điểm không chấp nhận các kháng cáo của bị đơn. Đến phần đặt câu hỏi và trả lời, đại diện Vinamilk đã đưa ra nhiều dẫn chứng thuyết phục, trả lời rõ ràng những câu hỏi liên quan đến sữa học đường mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đặt ra.
Trước HĐXX, luật sư phía Vinamilk đề nghị bị đơn chứng minh sữa học đường Vinamilk gây hại cho sức khỏe, tính mạng con người như thế nào?
Cũng liên quan đến nội dung này, để làm rõ hơn nữa, chủ tọa phiên tòa đọc, trích dẫn các chi tiết, lập luận trong bài báo và đặt câu hỏi với phía bị đơn, có văn bản nào kết luận và khẳng định việc uống sữa trong thời gian dài gây ảnh hưởng sức khỏe; phía báo đã có cảnh báo với các cơ quan ban ngành, Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội thì có văn bản không…? Chủ tọa phiên tòa còn đặt câu hỏi, loạt bài về chương trình sữa học đường có đúng tôn chỉ mục đích của báo hay không?
Về nội dung này, đại diện bị đơn trả lời chung chung, không thuyết phục trước câu hỏi. Sau đó, đại diện bị đơn cho rằng việc chứng minh gây hại là việc của Bộ Y tế? Phía đại diện bị đơn còn từ chối trả lời nhiều câu hỏi khác của luật sư nguyên đơn tại tòa...
Nghị án, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội xác định: Đơn kháng cáo của Tạp chí Giáo dục Việt Nam đủ căn cứ để Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử. Quá trình xét hỏi, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xác định, những bài báo được đăng tải trong vụ án không đúng theo tôn chỉ, mục đích, mục tiêu tuyên truyền mà giấy phép hoạt động báo chí cấp cho Báo Giáo dục Việt Nam (trước đây), nay là Tạp chí Giáo dục Việt Nam.
HĐXX cho rằng, các sản phẩm Sữa học đường do Vinamilk cung cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đều được công bố đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đúng theo quy định của Bộ Y tế, và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Việc Vinamilk khởi kiện Tạp chí Giáo dục Việt Nam buộc gỡ bỏ bài viết đưa thông tin không chính xác, công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng là có căn cứ, phù hợp với quy định Luật báo chí và được HĐXX chấp thuận.
Việc Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm không giải quyết đơn phản tố của Tạp chí Giáo dục Việt Nam là một thiếu sót nhưng không phải là căn cứ để hủy án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát. Về đề nghị đưa Sở Giáo dục và Đào tạo vào tham gia tố tụng, HĐXX khẳng định, vụ việc cần có trưng cầu ý kiến của cơ quan chuyên môn. Văn bản của Cục An toàn thực phẩm đã trả lời rõ ràng, không phải chung chung. Do vậy, không cần thiết phải xem xét và xác định Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là đơn vị có liên quan.
Căn cứ các qui định của pháp luật, HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên: Kháng cáo của bị đơn Tạp chí Giáo dục Việt Nam là không có căn cứ. Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên: Chấp nhận đơn khởi kiện của Vinamilk; không chấp nhận các nội dung phản tố của Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc yêu cầu Vinamilk phải bồi thường, xin lỗi; buộc Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam phải xin lỗi công khai đối với Vinamilk; Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam phải có văn bản thông báo về việc xin lỗi nói trên; gỡ loạt 5 bài của tác giả Hồng Thủy nhưng lưu trữ trên hệ thống để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, buộc Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm thông báo với các báo, tạp chí, trang thông tin có hợp tác để gỡ bỏ loạt bài nói trên.
Trước đó, trong các ngày 28 - 30/9/2020, TAND quận Hoàn Kiếm đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện này. Tòa buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải gỡ bỏ ngay các thông tin liên quan đến chương trình sữa học đường sai sự thật, gửi thông báo cho Vinamilk.
Ngoài ra, Tòa còn yêu cầu Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải đăng tải thông tin cải chính, xin lỗi công khai Vinamilk trên báo chí; có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí, trang tin tổng hợp sử dụng các tin bài của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về chương trình sữa học đường phải đăng cải chính xin lỗi theo quy định của luật báo chí.