Ngày 3/3/2021, TANDTP Huế thêm một lần nữa phải tuyên hoãn phiên xét xử vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Định với bị đơn là Công ty cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (Cty Hoàng Cung)…
Bị đơn liên tiếp xin hoãn phiên tòa
Một tháng trước, vào ngày 3/2/2021, TAND TP Huế đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này. Tuy nhiên, đúng như luật sư đại diện nguyên đơn đã dự đoán trước, phía bị đơn đã xin hoãn phiên tòa với lý do luật sư phía bị đơn vắng mặt.
Sau khi tuyên bố hoãn phiên xét xử, các nhà báo tham dự phiên tòa đã đặt câu hỏi: Vụ kiện liên quan đến trường hợp cá nhân mua nợ xấu của ngân hàng, chưa từng có tiền lệ, liên quan đến Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, liệu có xảy ra trường hợp “con nợ” dùng cách hoãn phiên tòa để kéo dài thời gian tố tụng, gây sức ép cho chủ nợ?
Phó Chánh án TAND TP Huế, chủ tọa phiên tòa - Hoàng Quang Bình khẳng định: “Không ai có thể dùng Tòa để chây ỳ nghĩa vụ trả nợ. Hoãn phiên tòa là theo qui định của pháp luật. Trong vòng không quá 1 tháng, Tòa sẽ tiếp tục phiên xét xử. Đúng là vụ kiện này đang có ý kiến khác nhau về Nghị quyết 42 của Quốc hội và Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước. Mọi việc sẽ được giải quyết trong quá trình xét xử.”
Lần xét xử này, vào ngày 25/2, sau 2 ngày nhận được Thông báo và Giấy triệu tập của TAND TP Huế, ông Nguyễn Xuân Đức, Tổng Giám đốc Cty Hoàng Cung – đại diện bị đơn đã có đơn đề nghị TAND Tp Huế cho hoãn phiên tòa. Lý do là Cty Hoàng Cung đang có đơn trình báo dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến nguyên đơn và đã được Cơ quan điều tra Công an Tp Huế có Thông báo vào ngày 25/2 là đang thụ lý đơn.
TAND Tp Huế đã phải có văn bản trao đổi với Cơ quan điều tra Công an Tp Huế và cuối cùng vẫn quyết định tiếp tục xét xử như kế hoạch đã định vào ngày 3/3.
Tuy nhiên, đến ngày 3/3, phiên tòa đã phải hoãn vì tình huống bất ngờ đã xảy ra. Cả luật sư phía bị đơn và nguyên đơn đều cư trú tại phường có người nhiễm vius-sars-covy2 tại Hà Nội nên không thể vào Huế để tham dự phiên tòa.
Covid đã tạo nên tình huống bất khả kháng để hoãn phiên tòa theo đúng ý của bị đơn. Câu hỏi đặt ra là vì sao bị đơn phải liên tiếp xin hoãn phiên tòa?
Ở phiên tòa đầu tiên, trước hôm xét xử, ông Nguyễn Xuân Đức đã đến gặp đại diện và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn để xin thương lượng nhưng không thành.
Sau khi hoãn phiên tòa ngày 3/2 thì ngày 15/2 ông Đức đã bất ngờ làm Đơn trình báo gửi Công an Tp Huế đề nghị điều tra 3 nội dung được cho là có dấu hiệu vi phạm pháp luật của nguyên đơn và ngân hàng, từ đó lấy làm lý do xin hoãn phiên tòa tiếp theo, đồng thời đề nghị Tòa tạm đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, TAND Tp Huế đã không chấp nhận lý do của ông Đức.
Bị đơn thay đổi quan điểm khác với nội dung phản tố?
Sau khi hoãn phiên tòa, Chủ tọa đã cung cấp tình tiết mới của vụ án cho nguyên đơn và các bên đương sự liên quan. Đó là Đơn trình báo của ông Đức đề nghị Công an Tp Huế xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật của nguyên đơn và ngân hàng; Đơn xin hoãn phiên tòa của ông Đức; văn bản trao đổi của TAND Tp Huế và trả lời của Công an Tp Huế về việc có khởi tố vụ án hình sự cũng như TAND Tp Huế có tiếp tục xét xử hay không?
Căn cứ vào nội dung Đơn trình báo dấu hiệu nguyên đơn và ngân hàng vi phạm pháp luật kể trên, cho thấy ông Nguyễn Xuân Đức đã bỏ qua nội dung được cho là vi phạm pháp luật quan trọng nhất từng được thể hiện tại Đơn phản tố của bị đơn do ông ký gửi TAND Tp Huế ngày 28/10/2019.
Đó là nội dung các ngân hàng mang nợ xấu bán đấu giá cho bà Định là cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ là trái pháp luật, cụ thể là trái hoàn toàn với Khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội (NQ42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Việc 3 ngân hàng (Vietcombank, Viettinbank và Agribank chi nhánh Huế) căn cứ vào Thông tư Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 (Thông tư 09) của Ngân hàng Nhà nước qui định về mua bán nợ của Tổ chức tín dụng là vô hiệu vì trái với Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đây là sai phạm nghiêm trọng nên Tòa phải tuyên hợp đồng mua bán nợ xấu giữa bà Định với ngân hàng là vô hiệu.
Nội dung phản tố kể trên đã gây chú ý dư luận về mua bán, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.
VOV đã có loạt bài điều tra nêu ra những rủi ro pháp lý khó tin về mua bán nợ xấu, đồng thời khẳng định nội dung phản tố của bị đơn là không thuyết phục.
Đó là bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lào Cai xét xử vụ mua bán nợ xấu giữa ngân hàng và doanh nghiệp không có chức năng mua bán nợ, khẳng định Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực pháp luật và không trái Điều 6 Nghị quyết 42 như Bản án sơ thẩm của TAND Tp Lào Cai đã tuyên xử. Đồng thời án phúc thẩm tuyên hợp đồng mua bán nợ xấu giữa ngân hàng và doanh nghiệp không có chức năng mua bán nợ là không trái pháp luật và không vô hiệu.
Đó là tại “Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” số 157/BC-UBTVQH, ngày 20/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích: Điều 6 Nghị quyết 42 không cấm Ngân hàng bán nợ xấu cho tổ chức, cá nhân không có chức năng mua bán nợ.
Đó là Văn bản số 8293/NHNN-TTGSNH, ngày 16/11/2020, do Quyền Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Du thừa lệnh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký trả lời Đài TNVN.
Với tư cách là cơ quan ban hành Thông tư 09, đồng thời là cơ quan soạn thảo Nghị quyết 42 của Quốc hội, văn bản của Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Có sự khác biệt về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và bên mua, bán nợ giữa qui định tại Thông tư 09 và Điều 6 Nghị quyết 42. Do đó, qui định tại Thông tư 09 không trái với Nghị quyết 42. Có nghĩa là Nghị quyết 42 không cấm Ngân hàng được quyền bán nợ xấu cho tổ chức, cá nhân theo qui định tại Thông tư 09.
Trong Đơn trình báo dấu hiệu vi phạm pháp luật về vụ mua bán nợ xấu của Cty Hoàng Cung, đại diện cho bị đơn Nguyễn Xuân Đức không còn nêu nội dung “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” kể trên của ngân hàng và bà Định nữa, mà thay vào đó là nội dung: “Trên tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu và Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng thì việc đấu giá nợ xấu chỉ nhằm giải quyết những tài sản tồn đọng không mang lại hiệu quả, mất khả năng thanh toán, không có nguồn thu để trả nợ.
Tại thời điểm ngân hàng đem khoản nợ của Khách sạn Hoàng Cung ra đấu giá thì Cty chúng tôi đang hoạt động tốt, đủ khả năng trả nợ cho Ngân hàng, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng được đánh giá là một trong những khách sạn 5 sao hàng đầu tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có tiềm năng phát triển lớn. Đồng thời doanh nghiệp cũng đã nhiều lần trình ngân hàng xem xét phương án cơ cấu lại khoản nợ nhưng không được phía ngân hàng đồng ý. Thay vì chấp thuận phương án cơ cấu lại khoản nợ, ngân hàng lại đem khoản nợ trên của Khách sạn Hoàng Cung bán đấu giá chỉ thu về số tiền 205 tỷ đồng”.
Điều khó hiểu và mâu thuẫn là ngay chính trong Đơn phản tố gửi TAND Tp Huế ngày 28/10/2019, do chính ông Nguyễn Xuân Đức ký, bị đơn không hề cho rằng mình “đang kinh doanh tốt, đủ khả năng trả nợ”, mà lại thừa nhận: “Theo qui định tại Phụ lục về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết 42 của Quốc hội thì khoản nợ của Cty Hoàng Cung đối với các ngân hàng là khoản nợ xấu thuộc nhóm 3 vì đã quá hạn trả nợ trên 181-360 ngày. Do đó, việc bán đấu giá nợ xấu phải phù hợp với qui định của pháp luật” (trích trang 2, dòng 14 – 17, từ trên xuống).
Trong khi đó, căn cứ qui định tại Điều 8 Luật Đấu giá 2016; Điều 11, Điều 12 Thông tư 09; và Nghị quyết 42 thì Ngân hàng được quyền bán nợ xấu, được quyền xác định giá khởi điểm áp dụng tại phiên đấu giá bán nợ xấu và "giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ" (Trích Điều 5 Nghị quyết 42)
Trong vụ án này, cả 3 ngân hàng đều thuộc nhóm 1 - ngân hàng quốc doanh của Nhà nước, việc bán nợ xấu được thực hiện tuân theo sự chỉ đạo và thông qua qui trình minh bạch, công khai. Nợ xấu được bán qua đấu giá (bản chất chính là giá thị trường), kết quả là bà Định trúng đấu giá hợp pháp 205 tỷ, tương ứng 85% dư nợ gốc của khoản nợ xấu là phù hợp với qui định của pháp luật và thực tế mua bán nợ xấu.
Cùng với nội dung trình báo nêu trên, Đơn của ông Đức còn cho rằng, phía bà Định cách đây 3 năm, vào tháng 3/2018, đã tổ chức một nhóm khoảng 10 người thường xuyên lưu trú tại Khách sạn Hoàng Cung liên tục quậy phá, gây ồn ào và gây sức ép Cty Hoàng Cung phải trả nợ cho bà Định. Như vậy là có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng.
Nội dung thứ ba là ông Đức đề nghị cơ quan công an điều tra xem nguồn tiền mà bà Định dùng để mua nợ xấu là của ai, từ đâu mà có?
Về 3 nội dung được cho là “vi phạm pháp luật” trong Đơn trình báo của bị đơn kể trên, Luật sư Nguyễn Đức Quang, đại diện nguyên đơn, khẳng định: “Đây chỉ là những chiêu trò luẩn quẩn của bị đơn nhằm trì hoãn một bản án công minh của Tòa án. Một bản án thuyết phục cả về pháp lý và đạo lý: Nợ thì phải trả, không thể chây ỳ. Với chúng tôi, những nội dung trình báo của bị đơn chẳng có giá trị gì, chỉ làm tốn thêm thời gian của cơ quan thực thi pháp luật mà thôi.”