Thảo luận tại hội trường sáng 1/4 về báo cáo của kiểm toán Nhà nước và bản báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách về báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2016 - 2021 của kiểm toán Nhà nước, nhiều đại biểu đánh giá cao và thể hiện sự đồng tình với bản báo cáo.
Ứng dụng dữ liệu điện tử để kiểm toán trung thực, công minh
Qua 5 năm, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý trên 350.000 tỷ đồng, gấp 3,5 lần kiến nghị của giai đoạn 2011-2015, trong khi ngân sách Nhà nước chi tiêu giai đoạn 2016-2021 chỉ gấp khoảng 1,4 lần so với giai đoạn 2011-2015. Điều này cho thấy hiệu quả của kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2016-2021 tăng lên rất nhiều so với giai đoạn trước.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra tăng lên 45% trong khi nhiệm kỳ vừa qua kiểm soát chống tham nhũng rất tốt, cho nên chắc chắn số vi phạm không thể tăng lên nhưng số phát hiện kiểm toán lại tăng lên trước.
“Điều này chứng tỏ bản lĩnh, tính kiên định của kiểm toán là rất cao trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng”, đại biểu đoàn Hà Nội khẳng định.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng hiệu lực thực hiện kiểm toán vẫn còn thấp khi kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về mặt tài chính chỉ đạt 73,6%, kiến nghị xử lý về các văn bản mới chỉ đạt 17,3%.
“Vấn đề đặt ra ở đây chúng ta cần phải xem xét lại thật kỹ nguyên nhân có phải là do chất lượng kiến nghị chúng ta chưa đủ thuyết phục để các cơ quan hay là vì hiệu lực của kiến nghị đó không được thực thi”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng kiến nghị có 2 giải pháp để tăng hiệu quả công tác kiểm toán gồm sử dụng các tổ chức kiểm toán độc lập để tham gia vào quá trình kiểm toán, vừa tiết kiệm được nhân sự, bộ máy vừa thực hiện được cơ chế giám sát độc lập, khách quan và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán.
“Chúng tôi được biết, kiểm toán rất khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu. Thường những cơ quan bị kiểm toán hay cố tình kéo dài thời gian cung cấp tài liệu để làm hết thời gian kiểm toán. Nếu chúng ta áp dụng dữ liệu điện tử thì việc này sẽ không còn xảy ra nữa. Với dữ liệu điện tử sẽ tạo ra được các thông tin thực sự là khách quan không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của người cung cấp cũng như cá nhân, cán bộ kiểm toán”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Cùng băn khoăn với tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý của kiểm toán, đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắc Nông cho rằng cần phải có giải pháp mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tới, bởi kiến nghị của kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán có giá trị bắt buộc thi hành khi đã công khai.
“Các đơn vị được kiểm toán kiến nghị về xử lý vấn đề tài chính cũng như xử lý liên quan đến các quy định của văn bản thì đề nghị Kiểm toán Nhà nước tổng hợp và báo cáo lại Ủy ban thường vụ Quốc hội. Với các đơn vị sau khi kiểm toán đã bị chỉ ra các sai phạm mà không thực hiện, cũng phải có giải trình rõ ràng tại sao không thực hiện các kiến nghị của kiểm toán”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp KTNN
Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm về kiến nghị kiểm toán là chưa thực hiện được một cách triệt để, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết lý do vì những khoản mà kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu hay là đề nghị giảm phụ thuộc vào nguồn vốn.
“Ví dụ, như khoản chi sai chế độ, các khoản như công trình đã quyết toán trả cho nhà thầu, kiến nghị do chi sai do không phù hợp với định mức không phù hợp với dự toán không phù hợp với đơn giá. Tuy nhiên, để thu lại được tiền đấy thì phải chờ các doanh nghiệp nộp tiền thì Ban quản lý dự án mới nộp tiền lại cho Nhà nước hay các khoản chi sai chế độ thì cũng phải có nguồn để chi trả và một số vấn đề khác”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết thêm.
Tiếp thu các ý kiến đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp của kiểm toán Nhà nước.
“Về công khai kết luận kiểm toán, chúng tôi thực hiện các hình thức công khai như trong Luật kiểm toán nhà nước tương đối nghiêm và sắp tới sẽ làm tốt hơn. Về kiểm soát chất lượng kiểm toán, chúng tôi thực hiện luân chuyển các địa bàn kiểm toán, thực hiện các cuộc kiểm toán, kiểm soát chất lượng đột xuất và sử dụng bộ máy thanh tra, kiểm toán, kiểm tra chéo. Chúng tôi cho rằng, chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp của kiểm toán Nhà nước”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh./.
Theo VOV.VN