Hơn 1.600 doanh nghiệp trên địa bàn nợ BHXH, cá biệt có nơi nợ tới 34 tỷ đồng, nợ BHXH là vấn đề gây bức xúc với người lao động hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Điều đáng nói là mặc dù pháp luật cho phép tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện các đơn vị nợ đọng bảo hiểm, thế nhưng đến nay, Thanh Hoá chưa thể khởi kiện được đơn vị nào. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Trong rất nhiều đơn vị nợ bảo hiểm ở Thanh Hoá phải kể đến số nợ hơn 34 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Hancorp.2 (thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội-CTCP, Bộ Xây dựng) đóng trên địa bàn xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa. Đây là công ty có số nợ đọng BHXH, BHYT lớn nhất trên địa bàn toàn tỉnh, cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Thanh Hóa trốn đóng, nợ đọng, bị cơ quan BHXH đề nghị điều tra xử lý hình sự.
Anh Lê Xuân Trường, ở xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá cho biết, trong thời gian nhiều năm liền bị Công ty Cổ phần Hancorp2 nợ lương, anh và gần 100 công nhân đi khám, chữa bệnh không được chế độ BHYT, không được chi trả các phúc lợi xã hội, tiền ốm đau, thai sản…
"Từ khi nợ bảo hiểm đến khi công ty chấm dứt hợp đồng lao động là 92 tháng, 2 nhà máy đó cũng đã dừng hoạt động từ tháng 2/2018, đến giờ cũng phá hết rồi. Theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng khi làm việc với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thì nói rõ không phá sản, yêu cầu Tổng công ty Xây dựng Hà Nội và Công ty Hancorp 2 giải quyết cho 92 lao động chấm dứt hợp đồng nhưng cuối cùng họ vẫn chưa giải quyết cho chúng tôi", anh Trường cho biết thêm.
Câu chuyện nợ bảo hiểm của Công ty TNHH TS Vina (có trụ sở trên địa bàn huyện Yên Định) cũng khiến người lao động bức xúc không kém. Trong quá trình hoạt động, Công ty thường xuyên chậm trả lương cho người lao động, nợ chế độ ốm đau, thai sản của người lao động, nợ kinh phí công đoàn, đặc biệt là nợ BHXH từ tháng 4/2017. Chị Lưu Thị Hiền, xã Định Liên, huyện Yên Định, 1 trong nhiều công nhân bị Công ty TNHH TS Vina nợ bảo hiểm cho biết: "Bọn em cứ thắc mắc là sao nhà nước, công an không vào cuộc vụ nợ bảo hiểm của bọn em, vì cũng có nhiều đơn từ của công nhân không được giải quyết, mọi người cũng không làm nữa. Bên bảo hiểm nợ thế mà không có cách nào giải quyết, đưa đơn cũng không được giải quyết, mọi người nghĩ chắc cũng mất thôi".
Công ty Cổ phần Hancorp.2, Công ty TNHH TS Vina chỉ là 2 trong số 1.609 đơn vị nợ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và được liệt vào số 337 doanh nghiệp nợ khó thu. Tính đến hết tháng 2, các đơn vị này nợ bảo hiểm lên tới 349 tỷ đồng. Bên cạnh một số công ty đã mất tích, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động… một số doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường hoạt động kém hiệu quả dẫn đến nợ kéo dài.
Ông Lê Bá Hội, Trưởng phòng thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hoá cho biết, có trường hợp doanh nghiệp khó khăn thật sự, nhưng cũng không ít doanh nghiệp chây ì. Cơ quan bảo hiểm đã chuyển 41 hồ sơ các đơn vị nợ bảo hiểm sang Liên đoàn lao động tỉnh và Cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm, nhưng chưa xử lý được đơn vị nào.
"Chế tài về công tác thu nộp bảo hiểm xã hội chưa đươc thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh đã chuyển 22 hồ sơ của các đơn vị nợ bảo hiểm sang Liên đoàn lao động tỉnh, thế nhưng đến nay tổ chức công đoàn chưa thực hiện khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm nào theo quy định. Việc lập hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đơn vị nợ đóng bảo hiểm đang còn vướng trong thực hiện vì từ năm 2018 đến nay cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh đã chuyển 19 hồ sơ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sang cơ quan công an điều tra nhưng chưa xử lý được đơn vị nào", ông Hội cho biết thêm.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng Ban chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá cho biết, thực hiện quyền khởi kiện theo Luật BHXH, Liên đoàn lao động tỉnh đã chuyển 19 hồ sơ sang toà án khởi kiện các đơn vị nợ bảo hiểm, thế nhưng không thể thực hiện được. Theo quy định việc khởi kiện phải do đại diện công đoàn cơ sở đứng ra đại diện cho công nhân, thế nhưng thực tế đại diện công đoàn lại là người làm công và được ông chủ trả lương nên việc khởi kiện không thể thực hiện. Trong khi đó, người lao động có tâm lý ngại va chạm, sợ mất việc nên cũng không dám đứng ra khởi kiện.
"Vướng mắc hiện nay là tâm lý người lao động không muốn khởi kiện, ngại ra toà và muốn có việc làm ổn định, sợ không dám uỷ quyền cho công đoàn khởi kiện, trừ trường hợp doanh nghiệp đó phá sản rồi, không làm ở đó nữa, bình thường không người lao động nào đang làm việc mà đứng ra khởi kiện. Thứ 2 là đối với công đoàn cơ sở không dám làm thủ tục uỷ quyền cho công đoàn cấp trên đứng ra khởi kiện, xuất phát từ nhiều lý do, vì công đoàn cơ sở phụ thuộc doanh nghiệp; thứ 2 là cơ chế bảo vệ công đoàn cơ sở không có, bất lợi cho họ là khi họ đại diện khởi kiện thì sẽ bất lợi khi sang doanh nghiệp khác xin việc", ông Tuấn chia sẻ thêm.
Vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội không phải bây giờ mới nói, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp nghiêm khắc, xử lý dứt điểm thì tình trạng này sẽ còn tiếp diễn và gia tăng. Người chịu thiệt thòi không ai khác chính là người lao động. Xử lý hình sự, khởi kiện hay xử phạt hành chính thì cũng phải đủ tính răn đe, nghiêm khắc nếu không tình trạng xâm phạm quyền lợi bảo hiểm của người lao động sẽ vẫn tiếp diễn./.
Sỹ Đức/VOV1