Vi phạm nói mãi… chưa có hồi kết
Tình trạng xe khách liên tỉnh tuyến cố định dừng, đỗ đón, trả khách không đúng nơi quy định vẫn tiếp diễn nhức nhối trên khắp các tuyến đường của thành phố Hà Nội. Cứ nơi nào không có lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát là các xe này tùy tiện bắt khách. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an toàn giao thông, gây ùn tắc vào giờ cao điểm và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Tuyến đường Phạm Hùng hướng đi Phạm Văn Đồng, sau khi xuất bến, các nhà xe "lập bến" giữa đường để đón khách, bốc hàng gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn TNGT, mất an ninh trật tự. Ảnh: Vân Hồng
Có mặt tại khu vực ngoài bến xe Mỹ Đình, tại đường Phạm Hùng đối diện bến xe, khu vực cổng Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các xe sau khi xuất bến lập tức tham gia cuộc đua với tốc độ chậm nhất có thể.
Một hình ảnh quen thuộc trên đường Phạm Hùng - điểm quay xe thôn Đình Thôn, xe chạy “rùa bò”, cửa xe luôn mở toang, phụ xe kẻ thì đánh đu vẫy gọi khách, người thì thong dong dưới đường, len lỏi qua các phương tiện để lôi kéo khách lên xe. Kết thúc chặng một “rùa bò”, các nhà xe tiếp tục “lập bến” để đón khách. Tại đây, luôn luôn túc trực 4 - 5 xe khách chạy các tuyến: Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Lào Cai… chiếm bến xe buýt, buộc các xe buýt cực chẳng đã phải mở cửa đón, trả khách giữa đường.
"Bến cóc" bủa vây đường nối lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, hộ lan tôn sóng bị phá dỡ làm điểm tập kết khách, hàng hóa, hàng quán... Ảnh: Vân Hồng
Tiếp tục theo chân những chiếc xe khách này, đến đầu ngã 3 đoạn rẽ vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, theo quan sát của phóng viên, tại đây đã hình thành một “bến xe cóc”, xe khách chạy các tuyến cố định, xe Limousine xếp hàng dài để đón khách. Điều đáng nói, hộ lan tôn sóng được các cơ quan chức năng lắp đặt đã bị tháo dỡ biến thành hàng quán, nơi tập trung người dân đón xe, tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Anh N.V.K, hành nghề xe ôm ở đây cho biết: “Bến cóc” này xuất hiện khá lâu rồi, tình trạng xe khách đứng tràn lan đón khách nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ở đây, chuyện tranh giành khách, tình trạng va chạm giao thông thường xuyên xảy ra…”
“Tuyến đường này ngày nào cũng có 1 tổ tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông (CSGT) “lập chốt’’ xử lý các phương tiện vi phạm, chốt cách “bến cóc” này khoảng 200m, nhưng chưa bao giờ thấy CSGT xử lý lỗi vi phạm của các nhà xe này” - anh K chia sẻ thêm.
Được biết tuyến đường này thuộc quản lý của Đội CSGT số 15.
Nhức nhối "bến cóc" Kim Đồng sao khó xử lý? Ảnh: Vân Hồng
Tương tự, tại khu vực quanh bến xe Giáp Bát, sau khi các nhà xe xuất bến cũng đã tận dụng điểm quay đầu từ đường Kim Đồng ra đường Giải Phóng và dọc tuyến đường này để “lập bến” đón khách. Điều này, khiến giao thông tại đây luôn trong tình trạng ùn tắc.
Vô hiệu hóa hàng loạt "mắt thần" camera, nhà xe ngang nhiên lập bến giữa đường Giải Phóng..... Ảnh: Vân Hồng
Theo quan sát, tuyến đường Giải Phóng, đã được trang bị hệ thống camera giao thông, thế nhưng, các nhà xe vẫn ngang nhiên vi phạm, như chưa có sự “giám sát” của những chiếc camera này.
Trao đổi với phóng viên, nhiều nhà xe tham gia hoạt động trên bến xe Mỹ Đình cho biết: Hiện nay, cung đang vượt quá cầu, thời gian mỗi đơn vị tham gia xếp lốt, bán vé quá ngắn, chỉ cần lùi xe tiến ra, tiến vào vị trí đón khách cũng hết thời gian. Mặt khác, khách cứ đứng ngoài đường nhất định không chịu vào bến đón xe. Nếu xe xuất bến, đóng cửa chạy thẳng thì thu không đủ bù chi phí cho tiền xăng xe bến bãi…
Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội phân tích, nguyên nhân của thực trạng trên là do: Thứ nhất, dịch vụ tại các bến xe chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Thứ hai, các nhà xe hợp đồng mọc lên nhiều, dịch vụ phục vụ tốt, bán vé qua mạng, có nhân viên gọi điện, đón khách tận nơi, đón từ đầu bến, khách không phải chờ đợi lâu khi lên xe… khiến cho lượng khách chuyển sang sử dụng xe hợp đồng nhiều hơn.
Những xe hợp đồng tại văn phòng đại diện không mất các chi phí như xuất bến, vào bến, trong các xe khách liên tỉnh chuyến cố định phải chấp hành tất cả các quy định của Nhà nước về đóng thuế, phí ra vào bến…, cộng thêm tiền xăng dầu khiến chi phí cho mỗi xe khi xuất bến cao nên sẽ là khó khăn cho các xe khách này khi khách ngày một ít dần.
Thực tế cho thấy ngoài xe hợp đồng, một lượng hùng hậu các phương tiện tham gia dịch vụ vận chuyển đón trả khách tận nhà như xe tiện chuyến, tắc xi ngược chiều… đang rất thịnh hành và được ưa chuộng. Đặc biệt, phí khách phải trả cho các xe này không cao hơn xe khách liên tỉnh cố định là bao nhiêu, thậm chí nếu tính tiền khách phải bắt xe ôm vào bến mua vé thì rẻ hơn nhiều.
Cần giải pháp đồng bộ
Liên quan đến chế tài xử phạt các trường hợp nhà xe vi phạm sau khi Ban quản lý Bến xe Mỹ Đình nhận được thông báo xử phạm của Đội CSGT số 6, Thanh tra giao thông Nam Từ Liêm, ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: Ban Quản lý bến xe yêu cầu lái xe viết cam kết không vi phạm, không tái vi phạm và xử lý theo quy định từ chối phục vụ từ 1 đến 3 ngày.
Theo chân Đội CSGT số 6, ra quân xử phạt xe khách vi phạm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng..... Ảnh: Vân Hồng
Về xử lý vi phạm, Đại uý Trần Duy Chinh cho biết, ngoài việc tiến hành phạt nguội, Đội CSGT số 6 đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm. Do trang thiết bị lắp tại chỗ phục vụ cho việc phạt nguội còn thiếu, Đội đã chủ động dùng sức người căn cứ vào kế hoạch của công an thành phố tiến hành ghi hình lại và đưa về trụ sở tiến hành phạt nguội. Hằng ngày, Đội cử một tổ gồm 3 đến 4 người tuần tra, giám sát, phát hiện xử lý vi phạm. Trung bình mỗi ngày xử lý 15 đến 25 trường hợp. Tính từ 15/11/2019 đến 14/12/2020, Đội CSGT số 6 đã xử phạt 3.565 xe khách vi phạm, nộp vào ngân sách Nhà nước gần 1 tỷ 300 triệu đồng. Và con số này tính từ 15/12/2020 đến 31/3/2021, Đội đã xử lý 1.851 trường hợp, nộp vào ngân sách gần 756 triệu đồng.
Tuy nhiên, các vi phạm vẫn liên tục xảy ra. Đại uý Chinh cho biết, khi lực lượng chức năng xử lý xe đằng trước thì xe đằng sau vẫn ngang nhiên vi phạm. Chưa kể đến việc các lực lượng chức năng không thể có mặt 24/24h.
Theo chân đội CSGT số 6, tuần tra phát hiện xử lý sai phạm, phóng viên ghi nhận công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, những nhà xe có người đứng tại các đoạn đường cảnh báo tránh các điểm có các lực lượng chức năng. Họ dùng xe máy chở khách, hàng hoá, đuổi đến điểm “an toàn” đưa khách và bốc dỡ hàng hóa lên xe.
Thậm chí khi bị CSGT bắt lỗi, lái xe của xe khách tuyến Mỹ Đình - Bắc Giang, biển số 98B 015.22 còn tỏ ra mình không vi phạm. Chỉ khi CSGT cho xem hình ảnh lái xe này mới chịu nhận lỗi và chấp nhận xử phạt.
Hộ lan tôn sóng thuộc UBND huyện Sóc Sơn quản lý đã bị người dân phá dỡ làm hàng quán, khách đi xe tập trung ở đây đón khách, dẫn đến tình trạng xe khách thường xuyên dừng, đỗ để đón khách, nhận hàng. Ảnh Vân Hồng
Đại uý Trần Duy Chinh đưa ra giải pháp: Trong công tác xử lý có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý bến xe cùng các lực lượng chức năng trên cùng một tuyến như thanh tra giao thông, CSGT, trật tự quận, 113 của thành phố, công an phường phụ trách tại trước cổng bến. Tất cả các lực lượng cần tăng cường có kế hoạch phối hợp tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm dần dần sẽ giảm.
Cùng với đó, cần đưa công nghệ 4.0 hỗ trợ việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Cụ thể, lắp thêm camera tại các ngã tư, các điểm phức tạp, để xử lý triệt để các vi phạm.
Ngoài ra, các bến xe có thể nghiên cứu với trên cùng tuyến, tăng khoảng cách thời gian xuất bến giữa các đầu xe từ 5 phút lên thành 15 đến 20 phút, tránh tình trạng chồng chéo, xe không có khách.
Bên cạnh đó, các dịch vụ nhận vận chuyển hàng trong bến nên giảm chi phí cho người gửi, người dân sẽ gửi tại bến. Điều này tránh tình trạng khách đứng ngoài chờ xe và nhà xe cũng không cần đi chậm để chờ hàng.
Đặc biệt, để tránh tình trạng cung vượt cầu bến xe cần căn cứ vào số lượng thực tế các đầu để có đề xuất và Sở Giao thông Vận tải cần tiến hành rà soát lại việc cấp phép phù hiệu, hợp đồng hoặc các văn phòng đại diện của các nhà xe sao cho đúng pháp luật và đáp ứng vừa đủ nhu cầu của người dân.