Ngày 6/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty Nhật Cường. Tổng số bị cáo trong vụ án là 14 người.
Cáo trạng và lời khai bị cáo trên tòa thể hiện, trong thời gian từ 2014 - 2019, Bùi Quang Huy chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm hệ thống ERP nội bộ để theo dõi số liệu thực tế và hệ thống Misa ghi nhận báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước.
Tài liệu từ Cục Thuế Hà Nội thể hiện giai đoạn 2014 – 2018, công ty Nhật Cường có tổng lợi nhuận trước thuế hơn 4.889 tỷ đồng. Giai đoạn này, Nhật Cường đã nộp vào ngân sách hơn 1.378 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và 12 tỷ đồng thuế GTGT.
Tuy nhiên, hệ thống bí mật ERP do Bùi Quang Huy và đồng phạm sử dụng thể hiện giai đoạn 2014- 2018, công ty Nhật Cường có lợi nhuận trước thuế lên tới 8.274 tỷ đồng.
Hệ thống ERP cũng thể hiện, công ty Nhật Cường đã mua vào số hàng trị giá hơn 5.700 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế cho số hàng trị giá hơn 1.500 tỷ đồng, số hàng còn lại trị giá hơn 4.200 tỷ đồng không có hóa đơn.
Giải thích về sự ra đời của hệ thống ERP, bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng giám đốc Nhật Cường) cho biết: "Do trong thời gian hoạt động kinh doanh, công ty thường xuyên xảy ra mất mát về tiền và tài sản, nên anh Huy (Bùi Quang Huy) đã yêu cầu xây dựng hệ thống ERP để quản lý nội bộ, bị cáo nghĩ như vậy”.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính Nhật Cường phản đối cáo buộc về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Ngọc cho rằng bản thân chỉ phạm tội "Buôn lậu" vì Ngọc chỉ được phép dùng hệ thống ERP, không được sử dụng hệ thống Misa nên không thể lập các báo cáo thuế gửi cơ quan Nhà nước.
"Bị cáo là Giám đốc tài chính, chỉ báo cáo anh Huy tình hình thu chi hằng ngày. Bị cáo không hỗ trợ kế toán trưởng, không xem xét yêu cầu cấp vốn, không hoạch định chính sách cho Nhật Cường", bị cáo Ngọc khai./.
Xuân Lộ/VOV.VN