Nhập cảnh xong là liên tục thay đổi địa điểm cư trú
Ngày 22/3/2021, sau khi lực lượng chức năng phát hiện 2 trường hợp dương tính Covid-19 nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ 1 tàu cá trên đảo Phú Quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đưa ra nhận định “Việt Nam có thể xuất hiện đợt dịch Covid-19 thứ 4”.
Tròn 1 tháng sau - sau gần 30 ngày cả nước không ghi nhận ca mắc mới Covid-19, đến ngày 22/04, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, tình hình dịch bệnh tại một số nước trong khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập qua biên giới khi tại nhiều tỉnh, thành phố, lực lương chức năng liên tục ghi nhận những trường hợp nhập cảnh dương tính.
Không chỉ ở khu vực Tây Nam, liên quan đến đường dây đưa 200 người xuất nhập cảnh trái phép qua tuyến biên giới Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) mới bị triệt phá, mà ngay giữa lòng Thủ đô, ngành chức năng cũng mới phát hiện gần 100 người nhập cảnh trái phép tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông,.. Trong khi đó, đường dây đưa người vào nhập cảnh ở Lào Cai lại cho chính là 1 thôn đội trưởng dẫn đường. Người này thường xuyên tham gia các hoạt động tuần tra kiểm soát Covid-19 cùng lực lượng Biên phòng...
Việc lượng người Trung Quốc “ồ ạt” nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, di chuyển sâu vào các thành phố lớn, khiến dư luận không khỏi băn khoăn về quản lý nhập cảnh và quản lý cư dân tại địa bàn.
Theo Trung tá Bùi Quang Hưng, Đội trưởng Đội An ninh Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội, việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không phải mới, mà đã xuất hiện từ đầu năm 2020. Trước đây, khi nhập cảnh vào Việt Nam, các đối tượng này chủ yếu thuê nghỉ tại các khách sạn, nhà nghỉ nhưng bây giờ họ lại chuyển sang thuê trọ ở những căn hộ cao cấp. Vì vậy, việc phát hiện ra các đối tượng rất khó khăn. Từ vụ án mới khám phá ra, Trung tá Hưng cho rằng, các đường dây này đều có sự tiếp tay của người Việt Nam, họ là bạn bè, người yêu.
Theo chia sẻ của Đội trưởng đội An ninh, các đường dây nhập cảnh trái phép này có cả người Trung Quốc và người Việt Nam cầm đầu. Phương thức là sau khi đưa được người đến khu vực biên giới, qua đường mòn, lối mở sẽ chia nhóm 20-30 người, thành các nhóm nhỏ, từ 5-6 người. Sau đó nhóm này được các “chân rết” đưa bằng xe máy, hoặc xe ô tô cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam.
“Tại Hà Nội, có một nhóm đối tượng thuê nhà đón sẵn. Chu trình này gần như khép kín. Khi đến các khu chung cư, nhóm chia lẻ thành từng người, đeo khẩu trang như người du lịch bình thường. Họ chủ yếu thuê chung cư ở tầng thấp và lợi dụng nhập nhoạng tối, thời điểm giao ca của nhân viên lễ tân để đi thang bộ lên nhà. Mọi sinh hoạt cá nhân khép kín, hoàn toàn do người Việt Nam cung cấp các nhu yếu phẩm. Nếu không có quần chúng nhân dân thì việc phát hiện hết sức khó khăn”- Trung tá Hưng nói.
Theo khai báo, nhóm đối tượng này thường cư trú tại một điểm khoảng 7-10 ngày. Sau khi tìm được việc làm, hoặc bố trí được địa điểm cư trú khác thì sẽ di chuyển tiếp. Trung tá Hưng cho biết, do nhóm này liên tục di chuyển tại nhiều địa điểm khác nhau, thêm việc sinh hoạt khép kín nên công an khu vực cũng khó phát hiện trong thời gian ngắn.
“Nguyên tắc quản lý địa bàn phải nắm được”
Việc người nhập cảnh nhập cảnh vào Việt Nam, đi từ biên giới phía Bắc vào các tỉnh miền Trung, tiếp tục vào các tỉnh miền Nam diễn ra rất phổ biến. Đây rõ ràng là câu chuyện của công tác quản lý và không chỉ cá nhân thiếu trách nhiệm mà cả một hệ thống cơ quan quản lý liên vùng.
Nói về trách nhiệm của công an quản lý khu vực nếu để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép cư trú trên địa bàn mà không hề hay biết, Trung tá Bùi Quang Hưng cho hay, công an quận sẽ cân nhắc, xem xét theo tình hình thực tế. Nếu thực sự cảnh sát khu vực nắm bắt không chặt chẽ cấp trên sẽ quy trách nhiệm.
Bởi, theo nguyên tắc, quản lý địa bàn phải nắm bắt được vấn đề này. Thực tế, tại Hà Nội, đã có những đơn vị cơ sở có người Trung Quốc cư trú trái phép trong thời gian dài nhưng không chủ động phát hiện. Đối với những trường hợp này Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã xem xét xử lý để nâng cao trách nhiệm.
Để hạn chế tình trạng này, Đội trưởng đội An ninh, công an quận Thanh Xuân cho biết, hiện công an quận bố trí 20 cán bộ, chiến sỹ, chia thành 5 tổ công tác phối hợp các công an phường ra soát, tuyên truyền, phòng ngừa và kịp thời phát hiện người nhập cảnh.
Công an quận cũng dán thông báo tại các khu chung cư. Trong thông báo nêu rõ tình hình dịch bệnh, thủ đoạn nhập cư người nước ngoài cùng số đường dây nóng của công an quận khi người dân cần thông báo.
Về vấn đề này, Đại tá, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công An cho rằng, từ thực tế thời gian qua, nhìn nhận vấn đề, có thể thấy sự phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin, biện pháp phòng ngừa đấu tranh giữa các lực lượng chức năng, giữa các địa bàn thực sự chưa hiệu quả. Vì vậy, mới để xảy ra việc người nước ngoài đi lại “tung tăng” khắp các nơi trên địa bàn cả nước.
Điều này ngoài tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh còn ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý trật tự xã hội. Thậm chí, đối tượng lợi dụng hoạt động quản lý lỏng lẻo này dẫn đến hoạt động tội phạm khác. Và thực tế, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã khám phá ra nhiều vụ án lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu.
Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, để chấn chỉnh vấn đề này, không chỉ nằm ở chỗ phạt nặng hay nhẹ. Bởi, luật pháp quy định khá chặt chẽ và chế tài xử phạt chỉ là một phần của các vụ việc vi phạm pháp luật và phạm tội.
“Vấn đề chính nằm ở quản lý cư trú, quản lý dân cư trên từng địa bàn cũng như ngăn chặn ngay từ biên giới, thậm chí có thể ngăn chặn từ xa, từ nước ngoài. Có như vậy, nắm được các đường dây tội phạm, các đường dây đưa người ta nhập cảnh trái phép. Nếu không nắm được tình hình, không nắm được thông tin sẽ thất bại” - ông Thìn nhấn mạnh./.
Theo Thu Trang-Nguyễn Hiền/VOV