Trường hợp nào làm lây lan Covid-19 có thể bị khởi tố

TAND tối cao đã có hướng dẫn về những trường hợp cụ thể có khả năng bị xem xét trách nhiệm hình sự, liên quan đến làm lây lan dịch bệnh Covid-19.

 

Thời gian gần đây, nhiều vụ án bị khởi tố liên quan đến hành vi Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo Điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS.

Cụ thể như trường hợp vụ án nam công nhân ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa) trở về quê từ “tâm dịch” Bắc Giang, nhưng không tự cách ly. Nam công nhân này sau đó được xác định dương tính với Covid-19, nhưng trong thời gian trở về quê, vẫn tụ tập gặp gỡ bạn bè, ăn nhậu, tiếp xúc với họ hàng... Ngày 23/5, Công an huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khởi tố vụ án.

Một trường hợp khác ở Hải Dương, bị cáo Đào Duy Tùng (32 tuổi, quê xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng) bị khởi tố về tội danh Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Cuối tháng 4, Tùng nhập cảnh trái phép về Việt Nam từ Lào.

Sau đó, Tùng không khai báo y tế mà ở nhà, tự gọi nhân viên y tế đến truyền nước khi có biểu hiện ho, sốt. Tùng tự đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với Covid-19. Hành vi của Tùng khiến bạn gái là chị N.T.T và một người làm cùng cũng bị dương tính với Covid-19.

Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Những trường hợp bị khởi tố nói trên có thể nói là một phần nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, trốn tránh trách nhiệm của người bệnh. Những trường hợp nào có căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự đã được quy định tại công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Tòa án Nhân dân Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.”

Cụ thể, theo luật sư Hoàng Tùng, trong công văn hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao đã quy định rõ, những người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà thực hiện một trong bốn hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh thì sẽ bị xem xét trách nhiệm Hình sự.

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, đoàn luật sư TP Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Bốn hành vi được Tòa án Nhân dân Tối cao đề cập đến gồm: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

“Như vậy, theo hướng dẫn tại Công văn của TAND Tối cao thì trường hợp xử lý Hình sự về tội phạm theo điều 240, liên quan đến gây truyền dịch bệnh Covid-19 thì hành vi khách quan phải bao gồm ít nhất là 2 yếu tố như: Thứ nhất là người được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 hoặc trở về từ vùng có dịch. Thứ hai là người này vi phạm một trong bốn hành vi nêu trên. Nếu có cả hai yếu tố thì có cơ sở để xem xét xử lý hình sự”. – Luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, ngoài những hành vi vi phạm trực tiếp liên quan các quy định về phòng chống dịch bệnh, cách ly y tế thì còn có một số hành vi khác. Điển hình như đưa tin sai lệch về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 hoặc xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, thì có thể bị xử lý về tội Đưa hoặc Sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 hoặc tội Làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự./.

Võ Nam/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận