Xét xử trực tuyến là tất yếu và tiết kiệm được công sức, thời gian, tiền bạc…

'Xét xử trực tuyến có thể giúp người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng tiết kiệm được công sức, thời gian, tiền bạc…', là quan điểm của Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó trưởng phòng tranh tụng Công Ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật Sư TP.Hà Nội.

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Theo ông, xét xử trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi gì cho các bên?

Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra như vũ bão trên toàn cầu, dịch Covid 19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân.

Việc xét xử trực tuyến có thể giúp những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng tiết kiệm được công sức, thời gian, tiền bạc mà vẫn được nói lên tiếng nói của mình trong phiên tòa. Người tham gia phiên tòa vẫn được tranh luận, xuất trình tài liệu, chứng cứ để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình trong quá trình tố tụng. Các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên vẫn được đảm bảo theo đúng hiếp pháp và pháp luật, đồng thời đảm bảo công tác xét xử đúng tiến độ.

Xét xử trực tuyến liệu bảo đảm nguyên tắc trực tiếp, công khai, liên tục và bảo đảm nguyên tắc tố tụng hay không, thưa ông?

Thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều Toà án không thể đưa vụ án ra xét xử theo thời gian luật định. Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Do đó, việc triển khai đề án xét xử trực tuyến là hoạt động rất nên làm, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xét xử trực tuyến là vấn đề mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định về hình thức xét xử trực tuyến và cách thức tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến; việc xét xử liên quan đến nhiều quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Do đó, cần phải bảo đảm thuận lợi cho những người tham gia tố tụng, không để ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan, các chủ thể trong phiên tòa và bảo đảm nguyên tắc của tố tụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả, bảo mật, chặt chẽ của quá trình tranh tụng tại phiên tòa. Việc xét xử trực tuyến phải đảm bảo cho những người tham gia tố tụng được nói công khai, hình ảnh, âm thanh phải được lưu lại để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Khi thực hiện xét xử trực tuyến cần phải xem xét toàn bộ quy định pháp luật về tố tụng hình sự, tố dụng dân sự và tố tụng hành chính để đảm bảo không có trở ngại nào, không vi phạm nguyên tắc xét xử bằng lời nói liên tục.

Tại Phiên họp thứ 13 Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết: “Việt Nam đã tham gia Hội đồng Chánh án khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên đến hết 2025 phải tổ chức xét xử trực tuyến. Nhiều nước trong khu vực đã tổ chức trực tuyến với nhiều loại án khác nhau”. Do đó, việc thực hiện xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu. Nếu triển khai thực hiện tốt sẽ khắc phục được những bất cập, khó khăn, vướng mắc do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài phải thực hiện giãn cách xã hội như hiện nay. Đồng thời, vẫn bảo đảm nguyên tắc trực tiếp, công khai, liên tục, bằng lời nói, có sự chứng kiến của các bên và bảo đảm nguyên tắc tố tụng.

Nếu xét xử trực tuyến thì Luật sư phải chuẩn bị những gì, đồng thời Luật sư phải lưu ý những gì, thưa Luật sư ?

Xét xử trực tuyến cần có quy định cụ thể để đảm bảo đúng tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Tuy nhiên hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về thủ tục xét xử trực tuyến.

Vì vậy, xét xử trực tuyến, sẽ tạo nhiều khó khăn cho luật sư. Bởi vì, trước khi tiến hành bảo vệ /bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư buộc phải tiến hành một số các hoạt động như: Chuẩn bị bản luận cứ, tiếp xúc với thân chủ, nghiên cứu hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, làm việc với các Cơ quan tiến hành tố tụng, những người có liên quan, đảm bảo mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa để trình bày các quan điểm và ý kiến của mình thông qua ứng dụng xét xử trực tuyến.

Trong quá trình xét xử trực tuyến, Luật sư cần lưu ý theo dõi diễn biến của phiên tòa xem có bảo đảm các thủ tục tố tụng quy định hay không. Khi thư ký phiên tòa báo cáo danh sách những người được triệu tập, Luật sư cần ghi lại để biết những người nào đã được Tòa án triệu tập đã có mặt, người nào vắng mặt. Nếu thấy sự vắng mặt của một người tham gia tố tụng nào đó sẽ bất lợi cho thân chủ của mình thì Luật sư phải chuẩn bị sẵn ý kiến để khi chủ tọa phiên tòa hỏi ý kiến về việc người tham gia tố tụng vắng mặt thì trình bày ngay ý kiến để bảo đảm quyền lợi cho thân chủ.

Luật sư cần theo sát diễn biến phiên tòa, tập trung theo dõi và ghi chép toàn bộ diễn biến xét hỏi tại phiên tòa để bổ sung cho kế hoạch xét hỏi và có những yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng tại phiên tòa.

Hình ảnh một phiên tòa xét xử trực tiếp

Đối với phần tranh luận, Luật sư cần trình bày lời bào chữa, bảo vệ đi đúng trọng tâm các vấn đề cần bảo vệ, tránh dông dài, trình bày tràn lan bỏ sót những điểm quan trọng. Đề cương bào chữa phải được kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện ngay trong quá trình xét hỏi và khi Viện kiểm sát luận tội đối với các vụ án hình sự; Khi trình bày phải đưa ra các chứng cứ, phân tích đánh giá chứng cứ với lý lẽ, lập luận chặt chẽ; viện dẫn, bình luận nội dung các quy định pháp luật cần áp dụng một cách thuyết phục để bảo vệ quan điểm bào chữa của mình; Trong phần kết luận, cần chốt lại những vấn đề quan trọng nhất đã được phân tích ở trên thành từng điểm cụ thể để đề nghị Hội đồng xem xét chấp nhận các nội dung kiến nghị của luật sư nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho thân chủ của mình.

Việc bào chữa/bảo vệ của Luật sư là một quá trình đòi hỏi Luật sư phải thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, hoàn thiện và sử dụng nhiều kỹ năng khác nhau. Với mỗi giai đoạn ứng với mỗi hoạt động cụ thể của Luật sư lại có những ý nghĩa không giống nhau, tuy nhiên hoạt động nào cũng vô cùng quan trọng, đóng góp lớn vào sự thành công hay thất bại của Luật sư.

Xin cảm ơn ông!

Ánh Phương (thực hiện)

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận